Từ lâu rồi, nhiều phụ huynh học sinh “có điều kiện” nhưng con em mình lại học không được tốt nên họ thường phải tính toán rất kỹ lưỡng cho từng cấp học.
Lúc đầu, họ sẽ cho con em mình thi vào một trường “thường thường bậc trung” nhưng sau khi học hết học kỳ I của năm đầu cấp là họ tìm cách chuyển trường.
Những trường mà họ hướng tới là những trường điểm, trường có tiếng tăm trên địa bàn.
Tất nhiên, chọn phương án này phải là những người có địa vị hoặc phải có mối quan hệ thật rộng thì mới thực hiện được.
Chỉ những em học sinh mà gia đình có điều kiện mới có thể chuyển đến trường điểm (Ảnh minh họa: sggp.rg.vn) |
Những trường hợp chuyển trường cho những học sinh có học lực trung bình đến các trường điểm đã âm thầm xuất hiện từ rất lâu và người ta làm thường rất kín đáo với nhau.
Vì thế, trường hợp ông Nguyễn Xuân Phương, hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực (thành phố Rạch Giá- Kiên Giang) đã tranh thủ ký duyệt danh sách tiếp nhận 11 học sinh chuyển trường đúng vào ngày nghỉ hưu (29/12/2018) của mình được xem là trường hợp rất đặc biệt.
Bởi, không mấy Hiệu trưởng lại dám ký tiếp nhận đến 11 học sinh lớp 10 vừa hoàn thành chương trình học kỳ I vào cùng một thời điểm.
Nếu những Hiệu trưởng còn trẻ, còn công tác lâu năm trong ngành giáo dục thì chắc chắn là họ không dám làm chuyện này.
Nhưng phải chăng, ngày cuối cùng trên vai trò là Hiệu trưởng nhà trường nên ông Nguyễn Xuân Phương không biết “sợ”?
Phải chăng, giờ đây đã là thời điểm mà ông “không còn gì để mất” nên mới dám làm liều như vậy?
Khi sự việc vỡ lở, ngày 16/1/2019, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang cho biết đã tạm dừng việc chuyển trường đối với 9 học sinh mà ông Nguyễn Xuân Phượng, nguyên Hiệu trưởng trường đã ký duyệt ngày 29/12/2018.
Hai học sinh còn lại đã hoàn thiện hồ sơ chuyển trường, Sở tạo điều kiện cho các em học tại Trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực.
Mặc dù đã có chỉ đạo yêu cầu “tạm dừng chuyển trường” đối với 9/11 học sinh đã được nguyên Hiệu trưởng nhà trường đã ký duyệt nhưng sự việc này cũng cho thấy những điều bất cập đã và đang tồn tại trong các nhà trường hiện nay.
Điều đáng bàn nữa là trong số 11 em chuyển đến trường Nguyễn Trung Trực đều là những trường hợp được gửi gắm.
Trong đó có sự gửi gắm của Phó Bí thư thành ủy Rạch Giá, Trưởng ban Tổ chức thành ủy, Trưởng phòng Kế hoạch- Tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang…
Những lãnh đạo này tất nhiên họ có đầy đủ tiềm lực để chuyển trường cho con em mình.
Bởi, suy cho đến cùng thì có ai cấm chuyển trường đâu nên việc chuyển từ trường công lập bình thường sang một trường điểm cũng không hề phạm luật.
Có điều, nếu là con em nông dân thì chắc chắn là không thể nào có cơ hội chuyển trường dễ dàng đến như vậy.
Chúng ta nhớ lại, trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia vừa qua, có 3 học sinh ở trường chuyên Hà Giang lọt vào tốp 11 thí sinh có điểm cao nhất nước.
Tuy nhiên, khi phát hiện tiêu cực, Bộ Giáo dục vào cuộc thì 3 thí sinh này đã thay đổi điểm, giảm sâu hàng chục điểm và có em trượt tốt nghiệp khi chấm lại.
Vậy, tại sao nhiều em học sinh trong số này trước đó lại đủ tiêu chí để vào học trường chuyên của một tỉnh?
Chẳng lẽ khi thi vào lớp 10 trường chuyên đậu được mà khi thi đầu ra lại trượt tốt nghiệp sao?
Những điều này đủ lý giải không chỉ điểm của kì thi Trung học phổ thông Quốc gia ở đây có tiêu cực mà ngay điểm đầu vào cấp 3 của trường chuyên Hà Giang cũng đặt ra nhiều nghi vấn?
Nhiều phụ huynh đang chạy hết tốc lực để con được vào lớp 10 |
Không phải bây giờ, khi mà những nghi án của ngành giáo trở thành tâm điểm tiêu cực của ngành giáo dục nước nhà thì dư luận mới biết những “góc khuất” ở trong ngành.
Bởi từ lâu, chúng ta đã phải chứng kiến những chuyện tréo nghoe khi mà ngay từ thuở vào đời, một số đứa trẻ đã được cha mẹ luôn lo chuyện chạy trường, chạy lớp.
Đáng lẽ ra, khi sinh ra ở đâu thì học ở đó theo từng địa bàn cư trú, thi ở đâu thì sẽ học ở đấy.
Thế nhưng, nhiều phụ huynh lại gửi gắm, chạy vạy để con em mình vào những ngôi trường tốt nhất, những thầy cô tốt nhất.
Và, cũng từ một số “cái bóng” của cha mẹ học sinh mà có những thời điểm, nhiều thầy cô nhà trường đã khoác lên mình những em học sinh đó những danh hiệu học tập không xứng đáng.
Lên đến cấp 2, 3 thì vẫn là phương châm lo trường chuyên, trường điểm cho con em mình.
Nhiều thí sinh dù thi không đạt điểm vào các trường lớn thì được phụ huynh cho học ở những ngôi trường “vừa sức” một thời gian ngắn là tìm cách chuyển trường.
Thậm chí, nhiều thí sinh thi không đỗ vào các trường Trung học phổ thông lớn thì họ làm đơn phúc khảo để chấm lại.
Một sự thật hiển nhiên là nhiều thí sinh con nhà nghèo, nhà không có địa vị thì có phúc khảo cũng không được tăng điểm nhưng những thí sinh mà cha mẹ “có điều kiện” lại có điểm phúc khảo tăng?
Bây giờ, trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang lại một lần nữa khiến dư luận tường tận hơn những chiêu trò mà một số phụ huynh đã và đang áp dụng.
Có điều, những phụ huynh xin chuyển trường cho con em mình vào trường Nguyễn Trung Trực lại là những người có vai vế, địa vị ở địa phương.
Những người mà đáng lẽ ra họ không nên làm như vậy!?
Khi cha mẹ xin chuyển trường từ một trường trung bình sang một trường điểm là điều ảo vọng quá nhiều của phụ huynh.
Không phải cứ khoác cho con mình "chiếc áo" trường điểm là các em học tốt lên được.
Vào đó, nhiều học sinh học tốt mà con em mình lại làng nhàng thì vô tình lại đẩy con mình từ bi kịch này sang một bi kịch khác.
Điều quan trọng là tạo cho con một tâm thế trông chờ, ỷ lại vào cha mẹ mà không có nỗ lực phấn đấu.
Một đất nước phát triển phải có một nền giáo dục phát triển. Sự phát triển ấy phải đi kèm tính trung thực, tính nêu gương của người lớn.
Vậy nhưng, cứ nhìn vào nền giáo dục nước nhà qua những trường hợp chuyển trường hay tiêu cực trong thi cử khiến cho ta thấy không khỏi băn khoăn, lo lắng.
Một số phụ huynh có quyền, có tiền đã chà đạp lên những giá trị cốt lõi của nền giáo dục truyền thống như vậy thật đáng buồn thay!
Tài liệu tham khảo:
-https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/hieu-truong-truong-diem-ky-tiep-nhan-11-hoc-sinh-dung-ngay-nghi-huu-865406.vov
- https://baomoi.com/dung-chuyen-truong-9-hoc-sinh-o-kien-giang-vi-co-dau-hieu-bat-thuong/r/29377283.epi