Người "đóng nhiều vai" trong kỳ thi học sinh giỏi khá phổ biến biến ở địa phương

24/01/2019 13:43
NHẬT DUY
(GDVN) - Và, khi ấy chẳng có bao giờ chúng tôi nghĩ đến chuyện một người có thể đóng đến những “hai, ba vai” cho một kỳ thi học sinh giỏi.

Từ lâu, việc tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh ở một số địa phương không được giáo viên hưởng ứng. bởi nhiều bất cập. Mỗi kỳ thi đi qua chỉ để lại những nỗi buồn dai dẳng cho những thầy cô giáo ôn thi mà thôi.

Nó không công bằng, không trung thực, làm tổn thương đến nhiều giáo viên ôn thi và tội nghiệp cho nhiều em học trò.

Trong khi đó, lại có những giáo viên thì huyênh hoang, khoác lác nhưng ai cũng hiểu rằng nếu họ không phải là người đang khoác trên mình những tấm áo “nhiều vai” kia thì làm sao họ có được những “vinh dự” năm nào cũng có học sinh giỏi?

Biết thế, nhưng, giáo viên chúng tôi chỉ có thể than thở với nhau chứ biết kêu ai bây giờ?

Thi học sinh giỏi còn nhiều bất cập ở một số địa phương ( Ảnh minh họa: Website Sở giáo dục Yên Bái)
Thi học sinh giỏi còn nhiều bất cập ở một số địa phương  ( Ảnh minh họa: Website Sở giáo dục Yên Bái)

Trước thông tin, thanh tra của Bộ Giáo dục kết luận một số sai phạm trong tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các năm 2015, 2016, 2017 cho thấy bức rèm tối của kỳ này đã và đang tồn tại.

Vì thế, sau khi thông tin được công bố với báo chí thì đã có rất nhiều những bài viết phân tích khá kỹ lưỡng về chủ đề này. Và, có lẽ ai đã từng tham gia ôn thi học sinh giỏi hàng năm cũng có những nghĩ suy, trăn trở và đặt ra những câu hỏi giống chúng tôi.

Tại sao đây là kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia- kỳ thi có uy tín và quy mô rất lớn được phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc từ nhiều khâu khác nhau mà lại sai phạm?

Thử hỏi, những kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh ở các địa phương sẽ diễn ra như thế nào đây? Bởi, ở đó còn có nhiều những mối quan hệ và việc giám sát cũng chưa thể như cấp Bộ.

Nhớ lại những năm đầu mới vào nghề, còn trẻ tuổi nên khi được phân công bồi dưỡng học sinh giỏi thì chúng tôi rất hăm hở và nhiệt tình tham gia.

Bởi, lúc đó những lý thuyết sách vở ở giảng đường đại học còn nhiều nên chúng tôi hăng say bước vào ôn tập cho học trò để chuẩn bị cho kỳ thi. Và, khi ấy chẳng có bao giờ chúng tôi nghĩ đến chuyện một người có thể đóng đến “hai, ba vai” cho một kỳ thi học sinh giỏi.

Người "đóng nhiều vai" trong kỳ thi học sinh giỏi khá phổ biến biến ở địa phương ảnh 2Nên bỏ kỳ thi học sinh giỏi quốc gia

Thế nhưng, thực tế lại đúng là như vậy.

Chuyện một người đóng "ba vai" ở kỳ thi cấp huyện, cấp tỉnh ít gặp như kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vừa được thanh tra Bộ kết luận nhưng người đóng “hai vai” thì nhiều vô kể, cấp học nào cũng có, môn thi nào cũng vậy.

Có điều, những người đi chấm thi học sinh giỏi đa phần là những thành viên Hội đồng bộ môn các môn học- họ lại là các tổ trưởng chuyên môn ở các trường lớn.

Nhìn vào thì thấy Sở, Phòng phân công như vậy cũng hợp lý. Vì họ là những thành viên Hội đồng bộ môn lại còn là tổ trưởng chuyên môn của một trường lớn trên địa bàn nữa.

Nhưng, tìm hiểu sâu vấn đề thì lại bất cập vô cùng, thậm chí còn có cả những tiêu cực trong quá trình chấm.

Bởi, họ là những người cũng ôn học sinh giỏi cho đơn vị trường của họ.

Nghĩa là các giám khảo đi chấm thi học sinh giỏi nhưng lại vẫn có học sinh mà mình ôn thi tham dự, thậm chí là nhiều vì thường những trường lớn được quy định cho tham dự với số lượng học sinh nhiều hơn.

Trong khi, kỳ thi học sinh giỏi thì lấy số lượng giải rất ít. Vì vậy, họ có "lợi thế" là người chấm bài nên học sinh của họ thường được giải cao. Bao giờ trường có người đi chấm cũng luôn giành được "thắng lợi" rất lớn trong mỗi kỳ thi học sinh giỏi.

Nơi địa phương chúng tôi đang công tác, có một thầy làm tổ trưởng Ngữ văn của một trường Trung học cơ sở lớn nhất trong huyện. Đồng thời cũng là tổ trưởng Hội đồng bộ môn Văn của huyện.

Trước đây, sau mỗi kỳ thi học sinh giỏi thì học trò của thầy này luôn có điểm cao nên giải cũng cao, toàn là vị nhất nhì. Vì thế, nhiều người khi nhắc đến ông thầy này thường rất "nể" về thành tích.

Tuy nhiên, đến năm đó, đứa con gái đầu của thầy giáo này cũng thi học sinh giỏi nên đương nhiên là thầy giáo này không được tham gia chấm thi. Và, kết quả là kỳ thi năm đó, các học sinh của thầy giáo này đều "rớt an toàn".

Năm học vừa qua, lại đến đứa con trai út thi học sinh giỏi và thầy giáo này lại phải tiếp tục nghỉ chấm thi học sinh giỏi. Một lần nữa, số học sinh của thầy không có em nào đậu.

Người "đóng nhiều vai" trong kỳ thi học sinh giỏi khá phổ biến biến ở địa phương ảnh 3Thầy giáo trung học "phát khóc" vì trò thi học sinh giỏi

Sau này, những lúc anh em ngồi cùng nhau uống nước trong mỗi lần thao giảng Hội đồng bộ môn cấp huyện mà nói chuyện về kỳ thi học sinh giỏi là thầy giáo này hay kể về 2 kỉ niệm là trường lớn của thầy mà cũng rớt.

Và, nguyên nhân thầy nêu ra là 2 năm đó tôi bận quá nên lơ là chuyện ôn tập cho học trò.

Thế nhưng, với số lượng học sinh tham dự lớn mà không có học sinh nào đậu trong 2 năm giáo viên này không được đi chấm tạo nên một luồng dị nghị cho nhiều giáo viên trong huyện.

Bỏ hay giữ kỳ thi học sinh giỏi hiện nay?

Thực tế, cuộc thi học sinh giỏi vẫn có nhiều ý nghĩa thiết thực cho học trò và cả thầy cô giáo. Ngoài một số hiện tượng tiêu cực thì đa phần các em đạt được giải vẫn là những em tiêu biểu trong học tập.

Việc duy trì và tổ chức tốt kỳ thi học sinh giỏi các cấp cần làm tốt những hạn chế hiện nay, đó là:

Đối với học sinh tham dự cũng không cần lấy nhiều như chúng ta đang làm. Bởi, khi chúng tôi nhìn vào số lượng học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi mà phát hoảng. 

Chỉ ở kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện của cấp Trung học cơ sở mà đã có mấy trăm em tham dự thì nó sẽ mất đi ý nghĩa của cuộc thi mà lại tốn kém cho việc tổ chức.

Lựa chọn những em giỏi của trường đi thi cấp huyện, những em giỏi cấp huyện đi thi tỉnh và những em giỏi của tỉnh đi thi quốc gia. Đừng vì một lý do nào khác mà lựa chọn sai đối tượng đi thi, sai đối tượng đạt giải.

Đối với giáo viên, theo chúng tôi, kể từ thi học sinh giỏi cấp trường trở lên đến cấp quốc gia cần phải tránh tình trạng giáo viên "đóng nhiều vai" trong kỳ thi.

Những giáo viên ra đề thì tuyệt đối không được ôn thi cho học trò. Những giáo viên đang ôn thi cho học trò thì tuyệt đối không điều đi chấm thi.

Bởi, người đóng nhiều vai không chỉ không đem lại công bằng cho cuộc thi mà còn kéo theo nhiều hệ lụy xấu cho ngành.

Kỳ thi học sinh giỏi phải cần hướng trở về đúng với bản chất của nó. Các trường, các địa phương cũng không cần mô hình trường chuyên, trường điểm, lớp chọn.

Hãy bình đẳng giữa các địa phương, giữa các trường, các giáo viên và học sinh với nhau trong kỳ thi ắt sẽ tăng giá trị kỳ thi này.

NHẬT DUY