Ngày 21/1/2019, Báo Nhân Dân có bài "Nhiều băn khoăn trong tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia", bài báo cho biết:
Ðầu năm học 2018-2019, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kết luận thanh tra một số vấn đề liên quan Cục Quản lý chất lượng thuộc Bộ này, trong đó chỉ ra hàng loạt sai phạm trong tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các năm 2015, 2016, 2017.
Cụ thể, một số người là thành viên ra đề đề xuất và hội đồng ra đề thi nhưng lại tham gia bồi dưỡng, tập huấn cho đội tuyển dự thi của các tỉnh, thành phố; Quá trình tổ chức thi, danh sách người ra đề đề xuất không bảo đảm thể thức văn bản "tối mật" theo quy định;
Công tác chấm thi học sinh giỏi quốc gia cũng có nhiều sai sót; Quá trình chấm phúc khảo cũng không minh bạch, có sai phạm, đề thi quá khó...[1]
Thí sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm 2019 tại tỉnh Bình Thuận. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: Phạm Huệ / Báo Nhân Dân. |
Ngày 22/1/2019, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh được Báo Lao Động dẫn lời, cho biết:
Khoảng 10 năm trở lại đây, công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia, dự thi Olympic khu vực quốc tế được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện với nhiều đổi mới theo hướng ngày càng thực chất, nghiêm túc, khách quan hơn.
Đặc biệt, trong 5 năm liên tục từ 2014 - 2018, các đoàn học sinh giỏi Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế có những tiến bộ vượt bậc cả về số lượng và chất lượng huy chương theo hướng kết quả năm sau cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, trong tổ chức thi vẫn còn có hạn chế như một số đơn vị mời các thầy cô giáo hoặc đưa học sinh trong đội tuyển về Hà Nội để ôn tập trước khi thi, gây ra thắc mắc. Ông Mai Văn Trinh cho biết:
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai nghiên cứu, xem xét toàn diện các khía cạnh của công tác thi chọn học sinh giỏi để tiếp tục đổi mới công tác thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia;
Đổi mới tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế từ sau năm 2020 theo hướng tăng cường phân cấp và phát huy tự chủ của các cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. [2]
"Học sinh giỏi" có phải nhân tài?
Ngày 20/1/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp thông tin đến các cơ quan thông tấn, báo chí, cho biết:
Vì sao học sinh Hà Nội phải đến các lò học thêm tối ngày? |
Thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi, góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục;
Đồng thời phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước. [2]
Nếu như "số lượng và chất lượng huy chương các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế" mà ông Mai Văn Trinh nêu ra được xem là tiêu chí đánh giá nhân tài, thì quả thực trên bình diện khu vực hay quốc tế, nhân tài của chúng ta không thiếu.
Nếu lấy bằng cấp, học hàm học vị làm tiêu chí đánh giá, ví dụ như tiến sĩ, thì số lượng nhân tài còn lớn gấp bội.
Nhưng hãy nhìn lại xem đội ngũ "nhân tài" này của Việt Nam chúng ta đóng góp được gì cho kho tàng tri thức đỉnh cao của nhân loại, cụ thể là các công trình khoa học được công nhận và trích dẫn, các giải thưởng khoa học được quốc tế thừa nhận và tôn vinh rộng rãi?
Huy chương Olympic các loại Việt Nam có rất nhiều, nhưng tại sao không có giải Nobel danh giá nào cho người Việt?
Do đó, chúng tôi thiết nghĩ đã đến lúc ngành giáo dục phải xác định lại mục tiêu, định hình lại hướng đi và cách làm.
Nên bỏ thi học sinh giỏi các cấp
Chúng tôi cho rằng cách thi học sinh giỏi hiện nay không những không thể đạt mục tiêu bồi dưỡng nhân tài, mà ngược lại còn có thể làm thui chột nhân tài.
Hãy đọc lại tâm sự của một cựu thành viên đội tuyển Olympic Toán quốc tế năm 1975 và đạt huy chương đồng, ông Lê Quang Tiến, chia sẻ trên Báo VnExpress năm 2014 trong bài viết "Sự khác biệt giữa giáo dục Việt Nam và Mỹ".
Những cuộc thi học sinh giỏi mang lại những gì cho học sinh và nền giáo dục? Ảnh chụp màn hình một bản tin của Báo Hà Tĩnh. |
"Tôi tham dự đội tuyển Việt Nam năm 1975. Đoàn nước ta có 8 học sinh (số lượng tối đa cho một đoàn) giành được một huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng và đứng thứ 10.
Mỹ cũng tham gia lần thứ hai, có 8 học sinh giành được 3 huy chương Vàng, một huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng và chỉ đứng sau Hungary và Đông Đức.
Tôi nhờ thầy Phan Đức Chính, Trưởng đoàn Việt Nam hồi đó, hỏi xem Mỹ chọn và dạy học sinh đi thi thế nào?
Mỹ làm thế này: Họ thông báo là thế giới tổ chức International Math Olympics.
Mỗi nước được cử tối đa 8 học sinh phổ thông, tuổi dưới 19, cùng một Trưởng đoàn tham gia cung cấp bài thi (giới hạn trong kiến thức phổ thông) để hội đồng chọn ra 6 bài cho học sinh làm, và cùng chấm điểm tất cả các bài thi kể cả của đoàn mình.
Chi phí đi lại nước dự thi chịu. Chi phí ăn ở trong quá trình thi nước đăng cai trả.
Mỹ sẽ cử đoàn đi, chọn các em dưới 19 tuổi, chưa học đại học. Nếu số lượng đăng ký trên 8 thì tổ chức thi loại, dưới 8 thì ai đăng ký đều được đi. Đoàn tự thu xếp kinh phí (gia đình cho tiền, xin tài trợ của tổ chức, cá nhân).
Chính phủ Mỹ không cho tiền, cũng chẳng dạy dỗ gì cả. Mặc dù là trò chơi vớ vẩn nhưng Mỹ luôn đứng trong Top 3.
Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa làm thế này:
Từ cấp 2 (lớp 5-7) đã phải thi đấu vào lớp chuyên của trường, tỉnh/thành phố. Đến cấp 3 (lớp 8-10) lại thi đấu vào trường chuyên của Bộ Đại học, của tỉnh.
Hình thành một loại "gà nòi" chỉ để thi đấu: Chuyên toán của Bộ Đại học có Đại học Tổng hợp, Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Vinh. Chuyên toán của các tỉnh như Chu Văn An (Hà Nội), Lam Sơn (Thanh Hóa), Lê Hồng Phong (Nam Định)...
Học sinh thủ đô còn mệt vì trường chất lượng cao, tư duy bao cấp |
Rồi "bọn gà" này lại qua hàng chục vòng đấu để chọn ra 14 "con" vào đội tuyển toán quốc gia. Từ đó, sau 90 ngày khổ luyện qua 45 bài kiểm tra lấy ra 8 "con gà" để đi thi. Tiền tuy không nhiều nhưng do ngân sách Nhà nước chi trả cả." [4]
Một nhà giáo đề nghị không nêu tên có nhiều năm dẫn đoàn học sinh giỏi Việt Nam đi thi Olympic khu vực và quốc tế nói với người viết, những điều trong bài viết của ông Lê Quang Tiến về cơ bản là đúng.
Theo thầy, cái khác nhau giữa hai đội tuyển là học của Mỹ không được luyện vẫn làm được bài, còn học sinh ta được luyện rất công phu. Vì thế học sinh của họ sau này trưởng thành hơn học sinh của chúng ta.
Mục tiêu của giáo dục theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài là hoàn toàn đúng đắn, nhưng cách triển khai thực hiện còn nhiều bất cập.
Bất cập đầu tiên theo chúng tôi, chính là nhận thức về "nhân tài" của ngành giáo dục hiện nay, từ đó dẫn đến sai lầm trong "bồi dưỡng nhân tài" thực chất chỉ là luyện thi.
Ngoài khối kiến thức như núi ôn cho đội tuyển thi học sinh giỏi, các thầy còn tranh thủ luyện cho trò mình đủ thứ "mẹo", để mục đích cuối cùng là ẵm giải, lấy được huy chương.
Cho nên chúng tôi thấy không có gì ngạc nhiên trước thực trạng Báo Nhân dân phản ánh, về việc các tỉnh tranh nhau mời các "chuyên gia luyện thi" của Bộ về luyện cho đội tuyển của mình.
Đích đến của chúng ta là huy chương và giải thưởng chứ không phải khơi dậy tiềm năng và niềm đam mê khám phá khoa học cho học sinh, nên kết quả cuối cùng có lẽ chỉ dừng ở những tấm huy chương mà không có "tượng đồng, bia đá".
Bộ não thông minh nhưng non nớt của những cô bé cậu bé "hạt giống nhân tài" đã sớm phải ghi nhớ kho kiến thức khổng lồ và luyện cho thành thục những mẹo giải bài, những công thức khuôn mẫu.
Cách dạy và cách học này vô hình trung đã làm thui chột sự sáng tạo, thay vì phải kích thích sự sáng tạo để thực hiện mục tiêu "bồi dưỡng nhân tài".
Những giải thưởng, những tấm huy chương làm đẹp cho các báo cáo thành tích của ngành, của địa phương và của Bộ và có thể giúp ai đó thăng quan, tiến chức.
Nhưng với cách làm này, mục tiêu bồi dưỡng nhân tài không thành, sức bật của dân tộc đã bị đánh mất và nền giáo dục của chúng ta khó có thể vượt qua giới hạn của huy chương để vươn tới những tầm cao trí tuệ nhân loại.
Nếu bỏ thi học sinh giỏi, bỏ trường chuyên lớp chọn thì làm thế nào để bồi dưỡng nhân tài, chúng tôi xin phân tích trong bài viết tới.
Nguồn:
[1]http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/38976202-nhieu-ban-khoan-trong-to-chuc-thi-hoc-sinh-gioi-quoc-gia.html
[2]https://laodong.vn/giao-duc/cuc-quan-ly-chat-luong-len-tieng-ve-sai-pham-trong-thi-hoc-sinh-gioi-653713.ldo
[3]http://giaoduc.net.vn/GDVN/Bo-Giao-duc-len-tieng-ve-chuyen-chon-hoc-sinh-gioi-quoc-gia-post194930.gd
[4]https://vnexpress.net/goc-nhin/su-khac-biet-giua-giao-duc-viet-nam-va-my-2923438.html?fbclid=IwAR3pAxtLtGvLKVNRR4za-26nz6ASfvBlF3FasfJMZECQzeEKzDwaSBSCPrE