Tiểu học miễn học phí, tại sao trường Hoàng Hanh thu tiền của học sinh?

24/01/2019 09:33
LÃ TIẾN
(GDVN) - Phụ huynh trường Tiểu học Hoàng Hanh (huyện Ninh Giang, Hải Dương) bức xúc vì phải nộp tiền học buổi 2, nhà trường né tránh công luận.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của phụ huynh về việc đầu kỳ 2 năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Hoàng Hanh (ở xã Hoàng Hanh, huyện Ninh Giang, Hải Dương) thu một số khoản chưa hợp lý, gây bức xúc.

Thu tiền để trả lương giáo viên hợp đồng

Theo anh Phạm Văn T. (sinh năm 1981, trú tại thôn Bùi Hòa, xã Hoàng Hanh), kết thúc học kỳ 1, nhà trường tổ chức họp phụ huynh giữa kỳ để phổ biến một số khoản thu, trong đó có khoản thu tiền học buổi 2 trong 5 tháng với số tiền 120.000 đồng/học sinh.

Bức xúc về khoản thu này, anh T. có ý kiến với hiệu trưởng nhà trường thì nhận được câu trả lời là thu để trả lương giáo viên hợp đồng.

Lý do hiệu trưởng đưa ra là thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, nhà trường không có giáo viên dạy. Để tổ chức học buổi 2, nhà trường phải thu tiền để thuê giáo viên về dạy và phải trả lương cho họ.

Phụ huynh bức xúc vì phải nộp tiền để nhà trường trả lương giáo viên hợp đồng (Ảnh: Lã Tiến)
Phụ huynh bức xúc vì phải nộp tiền để nhà trường trả lương giáo viên hợp đồng (Ảnh: Lã Tiến)

“Tại sao trường chuẩn quốc gia lại thiếu giáo viên, không có giáo viên để dạy mà phải hợp đồng với giáo viên và bắt phụ huynh phải trả tiền?

Hơn nữa, trong khi cả nước đang tinh giản biên chế giáo viên mà lại bổ đầu để thu tiền của phụ huynh để trả lương cho giáo viên thì giảm biên chế làm gì? Chưa kể, học sinh tiểu học được miễn học phí cơ mà...”, anh T. thắc mắc.

Anh T. cho biết thêm, đầu năm học nhà trường cũng đã thu tiền học 2 buổi/ngày với mức thu đối với học sinh lớp 1,2 là 137.000 đồng/em/tháng; lớp 3,4,5 thu 108.000 đồng/em/tháng.

Đến nay, anh T. và hầu hết các phụ huynh đã nộp khoản tiền này cho nhà trường với mức thu trong 9 tháng từ 972.000 đến 1.233.000 đồng/học sinh theo từng khối lớp.  

Trường Sơn Đồng thu 18 khoản, hiệu trưởng bị cảnh cáo Đảng và Chính quyền

“Khi triển khai học buổi 2 thì phải có sự thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường, không ép buộc.

Nhưng mấy năm nay, phụ huynh chúng tôi miễn cưỡng chấp nhận sự ép buộc này và phải cho con đi học buổi 2”, anh T. bức xúc.

Cũng theo anh T., không những thu để trả lương giáo viên hợp đồng, giữa học kỳ 1, nhà trường thay đổi thời khóa biểu thành tuần chẵn, tuần lẻ để thuê một đội ngũ giáo viên từ nơi khác về dạy kỹ năng sống trong trường.

Theo đó, nhà trường thu 250.000 đồng/học sinh (trong 5 tháng) để trả lương cho đội ngũ giáo viên này.

Chị Đ.T.Ph (có con học lớp 1 tại Trường Tiểu học Hoàng Hanh) cho biết, ngoài những khoản thu trên, đầu năm học nhà trường còn thu mỗi học sinh 80.000 nghìn đồng/năm học tiền quỹ hội.

Điều đáng nói là, khoản quỹ này để thăm hỏi, động viên các thầy, cô giáo và các em học sinh; thuê dọn khu vệ sinh của học sinh, quét sân trường, xử lý rác.

Cả anh T., chị Ph. và nhiều phụ huynh mong muốn nhà trường làm rõ các khoản trên được Trường Tiểu học Hoàng Hanh thu theo quy định nào, thu để chi vào mục đích gì?

Đưa quy định lạ để né tránh

Để có thông tin phản ánh khách quan về những khoản thu trên, ngày 21/1, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến liên hệ làm việc và được bà Bùi Thị Phiến, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hanh hẹn lịch làm việc vào chiều ngày 23/1.

Theo đúng lịch hẹn, phóng viên đến và xuất trình thẻ nhà báo để làm việc theo đúng quy định thì lãnh đạo nhà trường từ chối làm việc.

Lý do lãnh đạo nhà trường đưa ra, phóng viên chỉ xuất trình thẻ nhà báo là chưa đủ điều kiện để tác nghiệp.

Lãnh đạo Trường tiểu học Hoàng Hanh đưa nhiều quy định lạ và lập biên bản làm việc với phóng viên (Ảnh: Lã Tiến)
Lãnh đạo Trường tiểu học Hoàng Hanh đưa nhiều quy định lạ và lập biên bản làm việc với phóng viên (Ảnh: Lã Tiến)

Ông Phạm Quang Tuyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hanh yêu cầu phóng viên phải xuất trình đủ các giấy tờ như: Thẻ nhà báo, chứng minh thư phù hợp với thẻ nhà báo, giấy giới thiệu của cơ quan cử đi làm việc và phải có giấy giới thiệu của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ninh Giang thì nhà trường mới làm việc.

Điều đáng nói là, phóng viên đã giải thích rõ việc tác nghiệp của báo chí theo quy định, song ông Phạm Quang Tuyên và bà Bùi Thị Phiến liên tục điện thoại để nhờ người nhà tìm cách đối phó, né tránh làm việc với phóng viên.

Kỷ luật Hiệu trưởng lạm quyền, khen thưởng không công bằng

Sự việc được đẩy lên đỉnh điểm, lãnh đạo nhà trường còn lập biên bản làm việc với phóng viên.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Tiến Đạt, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ninh Giang cho biết: “Tôi không nắm được quy định nào về việc phải có giấy giới thiệu của Phòng để xuống các trường làm việc. Cái này do huyện chỉ đạo”.

Cũng theo ông Đạt, phụ huynh học sinh cũng phản ánh tới Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện và phòng đã cử cán bộ về nắm bắt tình hình, thu thập thông tin tại nhà trường.

LÃ TIẾN