Thầy Nguyễn Nguyên hỏi câu rất buồn, sao giáo viên chống tiêu cực cô đơn thế?

02/02/2019 07:08
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Cái xấu cứ nhởn nhơ, người tốt, chính trực không được bảo vệ thì ai dám đứng lên vạch ra những sai phạm của nhà trường?

Đọc bài viết Tại sao cứ thầy cô nào chống tiêu cực là bị cô lập, trù dập, đánh hội đồng? của tác giả Trinh Phúc, chúng tôi vô cùng đồng cảm về công tác chống tiêu cực hiện nay ở một số đơn vị trường học.

Phải nói rằng những tiêu cực trong tuyển dụng, trong thu- chi tài chính, trong phân công nhiệm vụ ở các trường hiện nay có vô vàn những bất cập.

Nhưng, cứ giáo viên lên tiếng, giáo viên làm đơn tố cáo, khiếu nại là đương nhiên những giáo viên đó đứng lẻ loi trong tập thể. Người thì bị trù dập, người thì bị xem là thành phần cá biệt và kết cục là bị o ép, trù dập trong những năm công tác còn lại.

Dù Hiệu trưởng, Kế toán nhà trường đó có chuyển đi nơi khác, người mới về thì tình hình cũng không cải thiện được.

Giáo viên đứng lên chống tiêu cực trong một số nhà trường thường bị nhiều thua thiệt ( Ảnh minh họa- nguồn Internet)

Giáo viên đứng lên chống tiêu cực trong một số nhà trường thường bị nhiều thua thiệt

( Ảnh minh họa- nguồn Internet)

Những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta phát động đã và đang thu được rất nhiều thành quả.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn là tư tưởng “trên nóng dưới lạnh”. Những người tố cáo tiêu cực trong ngành giáo dục là giáo viên luôn bị quy vào tội làm mất đoàn kết nội bộ, cá biệt, tố cáo sai sự thật.

Thời gian qua, những Hiệu trưởng, Kế toán nhà trường đã từng bị báo chí phản ánh về việc sai phạm trong thu- chi tài chính cũng khá nhiều nhưng cuối cùng không mấy ai bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Những hình thức kỷ luật thường là cảnh cáo, khiển trách, rút kinh nghiệm và cao lắm là thuyên chuyển sang làm Hiệu trưởng trường khác hoặc điều lên Phòng, Sở để làm chuyên viên.

Nhưng, chân rết họ để lại thì rất nhiều. Những người mới về thì họ đều là người thân quen với Hiệu trưởng cũ, hoặc trong trường vẫn lắm kẻ nịnh bợ, tâng bốc với người mới để chỉ ra “người nọ, người kia” đã từng kiện cáo để Hiệu trưởng mới đề phòng.

Đau đớn hơn là nhiều giáo viên khi kiện cáo tiêu cực bị quy vào tội làm mất đoàn kết nội bộ, tố cáo sai sự thật nên bị kỷ luật. Bởi, thường đơn thư gửi đi lên các cấp cao hơn nhưng cấp cao hơn đó lại có mối quan hệ mật thiết với Hiệu trưởng, Kế toán nhà trường.

Nên, trước khi họ về thanh tra mảng mà người tố cáo nêu thì một số lãnh đạo cấp trên đã điện thoại nhắc nhở cho Hiệu trưởng nhà trường tìm cách lấp đi những vi phạm của mình.

Bởi vì mỗi khi mà địa phương của mình có chuyện kiện cáo thì sẽ làm “mất uy tín” của ngành, của địa phương và nó liên quan đến nhiều tổ chức nên họ thường tìm cách để bảo vệ cho nhau.

Thầy Nguyễn Nguyên hỏi câu rất buồn, sao giáo viên chống tiêu cực cô đơn thế? ảnh 2Tại sao cứ thầy cô nào chống tiêu cực là bị cô lập, trù dập, đánh hội đồng?

Ngày về thanh tra, những chứng cứ sai phạm đã được chỉnh sửa và chuẩn bị để đối chiếu với nội dung tố cáo của giáo viên nhưng vì họ đã chuẩn bị kĩ lưỡng để minh chứng với đoàn thanh tra.

Tất nhiên, khi đã bị thanh tra kết luận là nội dung tố cáo không đúng thì người tố cáo sẽ bị kỷ luật và rơi vào trạng thái cô lập, bị dè bĩu.

Người ta tìm mọi cách để "hành" cho bằng chán ngán để loại trừ giáo viên tố cáo ra khỏi ngành. Chuyện “hành” nhau bây giờ cực kỳ đơn giản.

Họ chỉ cần làm cái đơn thư nặc danh bỏ vào thùng thư góp ý của nhà trường quy cho tội học sinh phản đối cách dạy của giáo viên.

Thế là họ dự giờ không báo trước với giáo viên đó vài tiết và chỉ cần mấy lần dự giờ xếp loại “không đạt” là cuối năm họ quy vào việc tay nghề chuyên môn và dẫn đến việc xét viên chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Cao tay hơn là họ nói vài câu vu vơ là giáo viên đó có đơn thư góp ý của phụ huynh trong thái độ, cách dạy trên lớp…

Những lý do ấy đủ là cho mọi người tin trong xét thi đua cuối năm và thừa đủ để loại một giáo viên “cứng đầu” ra khỏi nhà trường.

Đoàn thể nhà trường bây giờ thì những vị trí đứng đầu đoàn thể đa phần là người thân tín của Hiệu trưởng. Cấp trên có về thanh tra thì đương nhiên phải hỏi những người có chức vụ cụ thể.

Và,  những thành phần cốt cán đó phải bảo vệ Hiệu trưởng và đưa ra những nhận định không có lợi cho giáo viên tố cáo.

Đối với giáo viên trong trường, đa phần họ bây giờ cũng phải lo cuộc sống của họ. Có những cái Hiệu trưởng sai mười mươi thì họ cũng xem như không thấy, không biết. Hỏi về lãnh đạo đương nhiên họ phải nói tốt, đó ai dám nói không tốt.

Còn đối với giáo viên tố cáo nhà trường dù họ có thương, có cảm phục thì họ cũng chỉ im lặng hoặc nói vài câu vu vơ, vô thưởng vô phạt.

Suy cho cùng tư tưởng “thân ai người đó lo” là tư tưởng chủ đạo trong nhà trường hiện nay.

Trong những sai phạm của Hiệu trưởng hiện nay thì có rất nhiều.

Đó là tình trạng lờ đi quyền lợi, chế độ của giáo viên, đó là tình trạng ăn chặn tiền của học sinh từ các chính sách của nhà nước, là chuyện hưởng tiền % quá cao từ dạy thêm.

Thầy Nguyễn Nguyên hỏi câu rất buồn, sao giáo viên chống tiêu cực cô đơn thế? ảnh 3Cô thầy đấu tranh chống tiêu cực sao lại xem là kẻ phá hoại?

Ngoài ra, họ còn bắt tay với nhiều người bên ngoài để bán các sản phẩm trong nhà trường như đồng phục học sinh, phần mềm điện tử, mua sắm, sửa chữa máy móc, thiết bị của nhà trường, mua bán văn phòng phẩm, thu tiền của phụ huynh đầu năm học nhưng chưa minh bạch trong các khoản chi, sửa chữa cơ sở hạ tầng hàng năm…

Có lẽ còn nhiều, nhiều lắm, không thể liệt kê ra được những khoản tiền mà một số Hiệu trưởng có thể sai phạm.

Những nhà giáo chân chính họ cảm thấy bất bình, quyền lợi của họ bị cắt xén, họ cảm thấy bị chèn ép, coi thường nên đứng lên tố cáo. Nhưng tiếng nói của họ quá yếu ớt giữa muôn vàn những sai phạm của lãnh đạo nhà trường.

Họ đơn độc trong đấu tranh, đơn độc trong công việc và cuộc sống hàng ngày.  Vì thế, những sai phạm, những cái xấu luôn tồn tại trước mắt nhưng không mấy ai dám đứng lên tranh đấu.

Hàng năm, công tác thanh kiểm tra của cấp trên đối với nhà trường luôn được thực hiện nhưng trớ trêu là rất ít phát hiện ra sai phạm. Bởi, nhiều Hiệu trưởng họ rất tài tình trong công tác đối ngoại và họ biết che giấu những việc làm sai trái của mình.

Những điều giáo viên chứng kiến hàng ngày, họ thấy được, biết được, khi đứng lên tố cáo nhưng lại không mấy khi cấp trên tin và nghe theo mà còn bảo vệ cho nhau.

Vì thế, chân lý bây giờ là Hiệu trưởng luôn đúng và giáo viên đi tố cáo, khiếu nại thường sai và luôn có những kết cục không có lợi cho mình bao giờ.

Cái xấu cứ nhởn nhơ, người tốt, chính trực không được bảo vệ thì ai dám đứng lên vạch ra những sai phạm của nhà trường?

Mỗi một Hiệu trưởng thường đảm nhận ít nhất một nhiệm kỳ/ trường học nên giáo viên họ thường rất ngán ngại.

Trong khi, kinh phí hoạt động những trường loại I mỗi năm lên đến hàng chục tỉ đồng được cấp từ ngân sách nhà nước và vô vàn những khoản vận động từ phụ huynh nhưng việc giám sát hình như đang bị xem nhẹ, đó là một sự thật.

Tài liệu tham khảo:

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tai-sao-cu-thay-co-nao-chong-tieu-cuc-la-bi-co-lap-tru-dap-danh-hoi-dong-post195058.gd

NGUYỄN NGUYÊN