Năm nay, Táo Giáo dục sẽ báo cáo gì với Ngọc Hoàng?

29/01/2019 06:41
NGUYỄN CAO
(GDVN) -Chắc chắn sẽ là những trận cười…ra nước mắt của khán giả bởi ngành giáo dục ở “hạ giới” năm nay có quá nhiều chuyện đáng bàn.

Năm nào cũng vậy, chương trình “Gặp nhau cuối năm” của Đài Truyền hình Việt Nam được phát vào lúc 20h của đêm Tất niên vẫn luôn được nhiều khán giả trong cả nước chờ đợi nhất.

Trong chương trình này, các Táo quân sẽ báo cáo quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành mình trong năm qua cho Ngọc Hoàng.

Có nhiều Táo quân…nhưng có lẽ điều mà những người đang công tác trong ngành giáo dục mong đợi nhất là khi xem Táo Giáo dục báo cáo.

Bởi, điều mọi người chúng ta chứng kiến là suốt 15 năm qua kể từ khi chương trình "Gặp nhau cuối năm" ra đời thì Táo Giáo dục vẫn luôn phải làm việc cật lực và cũng luôn phải báo cáo những vấn đề “nóng” nhất trong buổi…chầu Trời.

Liệu Táo Giáo dục sẽ báo cáo những vấn đề nào trong buổi chầu Ngọc Hoàng tới đây. (Ảnh minh họa: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam)

Liệu Táo Giáo dục sẽ báo cáo những vấn đề nào trong buổi chầu Ngọc Hoàng tới đây. (Ảnh minh họa: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam)

Vậy, Táo Giáo dục năm nay báo cáo có gì …“vui” không? Chắc chắn sẽ là những trận cười…ra nước mắt của khán giả bởi ngành giáo dục ở “hạ giới” năm nay có quá nhiều chuyện đáng bàn.

Thường, những chuyện tích cực thì các Táo chỉ lướt qua trong trong buổi chầu nhưng những “sự cố” giáo dục thì được các Táo trình bày khá tỉ mỉ cùng với sự phụ họa đắc lực của Nam Tào, Bắc Đẩu, thậm chí là cả Ngọc Hoàng.

Vì thế, có lẽ chương trình “Gặp nhau cuối năm” của đêm Tất niên tới đây sẽ  được thể hiện với nhiều sự kiện nóng trong ngành ở năm qua mà “hạ giới” đã nghe, đã biết bằng lối diễn xuất hài hước của các diễn viên hài.

Sự kiện "tiêu biểu" nhất, chắc chắn Táo Giáo dục không thể bỏ qua đó là sự việc tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia đã xảy ra ở một số địa phương trong năm 2018. 

Kỳ thi vừa qua, đã có một số thầy cô cố ý vi phạm trong việc chấm thi, nhập điểm cho nhiều thí sinh khiến cho dư luận bức xúc. Sự việc đã diễn ra hơn 7 tháng qua, nhưng dư âm của nó vẫn còn rất lớn trong lòng dư luận.

Liệu có bao nhiêu sinh viên đang ngồi trên giảng đường đại học, học viện liên quan đến tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 vừa qua?

Hiện vẫn chưa có câu trả lời chính xác bởi vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra và chưa được đem ra xét xử trước công luận.

Các Bộ trưởng muốn Táo quân ít 'động chạm' đến ngành mìnhCác Bộ trưởng muốn Táo quân ít 'động chạm' đến ngành mình

Trong năm 2018, ngành giáo dục nước nhà đã chứng kiến một số giáo viên trong ngành vi phạm đạo đức nhà giáo khiến cho dư luận bất bình trong một khoảng thời gian dài.

Trường hợp được báo chí khai thác nhiều nhất là cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2, trường Trung học cơ sở Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã ra quy định tát vào mặt học trò khi các em vi phạm. Vì vậy, khi một học sinh trong lớp vi phạm nội quy mà cô Thủy đề ra đã lĩnh trọn 231 cái tát từ các bạn của mình và cô giáo chủ nhiệm.

Rồi, đến trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A5, trường Tiểu học An Đồng (huyện An Dương, Hải Phòng) đã phạt học sinh của mình uống nước giặt giẻ lau bảng nhiều lần.

Và, còn rất nhiều những sự việc tương tự nữa đã xảy ra ở ngành giáo dục trong năm 2018 nên chắc chắn Táo Giáo dục không thể không …báo cáo.

Sự việc cũng rất được dư luận quan tâm đó là Bộ Giáo dục lấy ý kiến về Thông tư Ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy.

Trong đó, có nội dung sinh viên bán dâm đến lần thứ tư sẽ bị đuổi học. Vì thế, Thông tư này phải tức thì gỡ xuống khỏi Website của Bộ. Mặc dù đã bị gỡ xuống nhưng sự cố này đã là đề tài làm dư luận nổi sóng trong một khoảng thời gian dài.

Chính vì thế, ngày 16/1/2019 vừa qua, Hội đồng kỷ luật của Bộ Giáo dục đã họp và quyết định đề xuất xử lý kỷ luật các cán bộ có liên quan, trong đó có 1 cán bộ bị xử lý Cảnh cáo, 1 cán bộ bị xử lý Khiển trách và 1 cán bộ bị phê bình, kiểm điểm nghiêm khắc trước tập thể.

Vậy nên, chương trình "Gặp gỡ cuối năm" tới đây có lẽ Táo Giáo dục cũng cần phải “kiểm điểm” về những “thiếu sót” của mình trong sự việc đáng tiếc này.

Sự việc clip đánh vần lạ được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều tờ báo đã khai thác những chương trình giáo dục đang được giảng dạy trong các nhà trường.

Và, điều đặc biệt là dư luận tường tận hơn về đầu mối của thị trường xuất bản sách giáo khoa là Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã và đang “một mình một chợ” suốt những năm qua.

Năm nay, Táo Giáo dục sẽ báo cáo gì với Ngọc Hoàng? ảnh 3Sự kiện giáo dục nào trong năm 2018 có ảnh hưởng đến phụ huynh học sinh nhất?

Câu chuyện sách giáo khoa không chỉ nóng trên các diễn đàn báo chí mà ngay trong nghị trường Quốc hội cũng rất căng thẳng với những câu hỏi rất hóc búa từ các đại biểu Quốc hội.

Hàng loạt các câu hỏi về sách giáo khoa hiện hành, về sách VNEN, sách Công nghệ giáo dục trong thời gian qua được mổ xẻ thấu đáo, tường tận vấn đề.

Nỗi khổ của các phụ huynh học sinh cứ được lặp đi, lặp lại từ năm này sang năm khác để mua sách giáo khoa, sách bài tập cho con em mình nhưng họ lại không có quyền lựa chọn khác.

Những sự kiện giáo dục “tiêu biểu” có lẽ còn rất nhiều nên việc thể hiện trong chương trình “Gặp nhau cuối năm” chắc chắn sẽ còn nhiều chủ đề thú vị và hứa hẹn sẽ đem lại nhiều "giai điệu cười" cho khán giả cả nước.

Song, chắc chắn một điều là chương trình sắp tới cũng như những năm qua đã và sẽ để lại nhiều bài học, nhiều câu chuyện sâu sắc đáng suy ngẫm cho ngành giáo dục và cho từng cá nhân thầy cô giáo trong ngành.

Năm cũ đã qua đi, chúng ta lại hy vọng khép lại những câu chuyện buồn trong năm cũ để hướng tới một năm mới- năm 2019 có nhiều điều tốt đẹp hơn.

Năm mới không còn những tai tiếng, những điều xót xa trong ngành giáo dục nữa để cuối năm, Táo Giáo dục “không còn cơ hội” để báo cáo nữa.

Muốn được như vậy, toàn ngành giáo dục phải tạo được sự đột phá mới. Mỗi thầy cô phải thực sự là một tấm gương sáng, tự học và sáng tạo.

Lãnh đạo Bộ, Sở, Phòng cần có những định hướng đúng đắn, phù hợp, giáo viên dưới cơ sở đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ.

Và, quan trọng hơn cả là thầy cô giáo luôn hết lòng vì học sinh thân yêu trong từng hoạt động giáo dục cụ thể, từng lời ăn, tiếng nói của mình trước học trò.

NGUYỄN CAO