Tại tọa đàm “Đổi mới thi cử - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 13/9, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Hữu Độ đánh giá khái quát:
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia những năm qua dù còn một số bất cập, thậm chí kỳ thi năm 2018 còn xảy ra sai sót, tiêu cực tuy nhiên không thể phủ nhận điểm thành công của kỳ thi trong quá trình đổi mới như được tổ chức gọn nhẹ, giảm áp lực tốn kém cho xã hội, giảm tình trạng ùn tắc giao thông khi bố mẹ và học sinh đi thi; giảm đi lại vất vả cho học sinh và gia đình; giảm dạy thêm học thêm.
Nói về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 với những tiêu cực, hạn chế đã xảy ra tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thứ trưởng cho rằng, với quy chế như hiện nay, nếu mỗi cá nhân thành viên tham gia chính thức của cụm thi, điểm thi và Hội đồng thi làm hết trách nhiệm thì chắc không có chuyện gì xảy ra, nên cần quán triệt tới từng thành viên hội đồng trong quá trình tổ chức triển khai, các thành viên làm hết trách nhiệm của mình.
Trách nhiệm đầu tiên là những cá nhân trực tiếp tham gia các điểm thi xảy ra sai phạm. Kỳ thi đã giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, Ủy ban nhân dân, ủy ban chỉ đạo các cấp của tỉnh trực tiếp tham gia, nên ban chỉ đạo của địa phương, hội đồng thi địa phương phải có trách nhiệm.
Nói về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 với những tiêu cực, hạn chế đã xảy ra tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, với quy chế như hiện nay, nếu mỗi cá nhân thành viên tham gia chính thức của cụm thi, điểm thi và Hội đồng thi làm hết trách nhiệm thì chắc không có chuyện gì xảy ra (Ảnh: Thùy Linh) |
“Về phía cơ quan chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi thấy đề thi ra có sự phân hóa mạnh, một số bài quá khó.
Và để giải quyết điều đó, Bộ phải xây dựng được ngân hàng câu hỏi đảm bảo phong phú chất lượng, chuẩn hóa để đạt được mục đích của kỳ thi.
Bên cạnh đó, Bộ cũng cần xây dựng đội ngũ chuyên gia có năng lực và hiểu biết sâu rộng về phương pháp khảo thí, từ đó có đề xuất các phương thức tiệm cận quốc tế trong quá trình thi, kiểm tra đánh giá và đổi mới giáo dục.
Trong thời gian tới Bộ cũng cần có những điều chỉnh mang tính kỹ thuật, nhằm phát hiện sai phạm, tiêu cực. Như trong kỳ thi vừa qua, phát hiện tiêu cực là do có sự điều chỉnh giấy niêm phong túi đựng bài thi”, Thứ trưởng Độ khẳng định.
Nói rõ hơn về việc tìm ra dấu hiệu tiêu cực trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018, Phó giáo sư Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay:
“Năm 2018, chúng tôi có những giải pháp kỹ thuật.
Một là, bảo quản bài thi, năm nay có giải pháp quan trọng là niêm phong túi đựng bài thi ở các điểm thi là sử dụng đồng loạt loại tem chuyên dụng, mỏng, dùng một lần. Trên đó, ngoài 2 chữ ký của 2 cán bộ coi thi thì phải có chữ ký của Phó trưởng điểm thi đến từ các trường đại học, cao đẳng.
Đây là giải pháp kỹ thuật dù nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn trong việc phòng ngừa. Cũng từ giải pháp này, chúng tôi cùng cơ quan chức năng đã phát hiện vi phạm như Sơn La, Hòa Bình.
Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường lực lượng thanh tra, năm nay chú trọng công tác tập huấn kỹ năng phòng ngừa công nghệ cao, văn bản hướng dẫn quy cách niêm phong, bảo quản bài thi tại các điểm thi…
Ngay cả phần mềm chấm thi trên cơ sở thực hiện năm 2017 chúng tôi tiếp tục hoàn thiện và đưa cho các hội đồng thi của các sở thực hiện trước đó vài tháng dùng thử rồi tiếp tục hoàn thiện tiếp. Tất nhiên, về công nghệ thì liên tục cần phải hoàn thiện tiếp”.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng cũng thừa nhận, mặc dù chuẩn bị kỹ như vậy nhưng vẫn có tiêu cực xảy ra.
“Chúng tôi có trách nhiệm trong hiệu quả thanh tra giám sát tại địa phương nhưng thực sự mà nói, vi phạm này có sự tính toán từ trước, có sự tổ chức của một nhóm người.
Công nghệ dù có hoàn chỉnh đến đâu thì cũng là sản phẩm cho con người làm ra nên con người quyết định sự thành bại mặc dù công nghệ có hoàn hảo đến mấy.
Ngay cả những nước phát triển, trình độ công nghệ phát triển cao thì vai trò của con người càng được đề cao khi công nghệ phát triển. Từ những điểm được và hạn chế thì chúng tôi cũng nhìn thấy những hạn chế bất cập về mặt kỹ thuật”, ông Trinh nói.
Từ hạn chế của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo thấy cần có một số vấn đề cần hoàn thiện. Đó là:
Một là, tiếp tục hoàn thiện, chuẩn chỉnh ngân hàng câu hỏi, đủ lớn, đạt chất lượng, phù hợp với tính chất của kỳ thi để từ đó xây dựng đề thi phù hợp với sứ mệnh với mục tiêu của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, để đánh giá học vấn phổ thông, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào đó để tuyển sinh theo mức độ khác nhau.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật công nghệ.
Ba là, rà soát toàn bộ quy trình để làm rõ hơn trách nhiệm của những người tham gia kỳ thi này, trách nhiệm Bộ đến đâu, trách nhiệm của địa phương đến đâu, ban chỉ đạo thi cấp tỉnh đến đâu, để từ đó có giải pháp phù hợp, vừa tăng cường trách nhiệm vừa xử lý.
“Đây cũng là sự chuẩn bị nhuần nhuyễn để phục vụ cho tổ chức kỳ thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới theo dự kiến kỳ thi đầu tiên này sẽ vào năm 2024”, ông Trinh khẳng định.