Xung quanh những góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trong phần "nội dung nhà giáo" gần đây đã có ý kiến đề xuất, giáo viên dù đã và đang giảng dạy đều phải được cấp Chứng chỉ hành nghề.
Tuy nhiên, ý kiến này đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều do lo lắng việc chồng chéo chứng chỉ, bằng cấp cũng như tính minh bạch của quá trình cấp chứng chỉ.
Nhiều giáo viên công tác tại các trường phổ thông chia sẻ, chứng chỉ hành nghề là thừa bởi trong khi đã có một loạt các quy định khác rồi.
Nhiều giáo viên lo lắng khi áp dụng thẻ hành nghề sẽ phải thi sát hạch, nảy sinh cơ chế xin – cho, chạy chọt để có chứng chỉ.
Thậm chí có giáo viên còn cho rằng, việc xuất hiện thêm chứng chỉ hành nghề là một đề xuất cảm tính, không hợp thời và có vẻ ảo tưởng về hiệu quả của các bằng cấp, chứng chỉ mang lại cho giáo viên.
Muốn nâng cao chất lượng đội ngũ, hạn chế bạo lực…thì cần những giải pháp khác chứ không phải ở chứng chỉ hành nghề giáo viên.
Về đề xuất chứng chỉ hành nghề giáo viên, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng: “Nếu trưng cầu bỏ phiếu cho đề xuất này thì tôi sẽ bỏ phiếu là “KHÔNG NÊN””.
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, bằng tốt nghiệp đã là chứng chỉ hành nghề cho giáo viên rồi do đó không nên có thêm chứng chỉ hành nghề nữa, tránh rườm rà, hình thức, tiêu cực. (Ảnh: Thùy Linh) |
Thầy Khang cho rằng, thời gian qua có những sự việc tiêu cực diễn ở trường này trường kia không phải vì không có chứng chỉ hành nghề mà đó là vấn đề chất lượng đội ngũ giáo dục chưa bảo đảm.
Cụ thể, thầy Khang đề xuất: “Muốn tăng chất lượng giáo viên thì chương trình, nội dung đào tạo ở các trường sư phạm cần phải tốt hơn bằng cách tăng thời gian thực hành tại các cơ sở giáo dục cho giáo sinh để các em được trang bị đầy đủ cả về kiến thức cũng như kỹ năng trước khi ra trường”.
Khi nâng cao được chất lượng đào tạo thì bằng tốt nghiệp đã là chứng chỉ hành nghề cho giáo viên rồi do đó không nên có thêm chứng chỉ hành nghề nữa, tránh rườm rà, hình thức.
Bởi lẽ, theo thầy Khang, có thêm chứng chỉ hành nghề thì lại giống như giấy phép lái xe 5 năm phải kiểm tra để đổi 1 lần bởi chủ thể có thể thay đổi về mặt sức khỏe, không tham gia vận tải bằng phương tiện đó nữa... như vậy thì chứng chỉ hành nghề lại rơi vào tính hình thức, thậm chí có tiêu cực xảy ra.
Chúng tôi kịch liệt phản đối đề xuất cấp chứng chỉ dạy học cho nhà giáo |
Hơn nữa, mới đây, tại Hội nghị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh:
“Muốn giáo dục có nền tảng tốt thì phải có thầy cô tốt, muốn có thầy cô tốt phải nhìn vào điều kiện làm việc, động lực làm việc của thầy cô.
Nếu chỉ tăng điều kiện mà không tạo động lực thì chính sách của chúng ta không hiệu quả, thậm chí dẫn tới tiêu cực.
Nhưng bên cạnh đó, một mặt tạo điều kiện tốt, cơ hội, động lực nhưng mặt khác cần phải có chế tài với các thầy cô không đáp ứng được yêu cầu, tránh tình trạng cào bằng, để một số nhỏ “cá biệt” làm ảnh hưởng đến uy tín, dẫn đến thầy cô rơi vào băn khoăn, áp lực”.