Chúng tôi kịch liệt phản đối đề xuất cấp chứng chỉ dạy học cho nhà giáo

23/01/2019 07:08
Phan Tuyết
(GDVN) - Thầy cô lúc đó bị xoáy vào vòng xoay "chạy-chọt" còn đâu thời gian, tâm sức dành cho việc giảng dạy và giáo dục học sinh?

Sáng ngày 8/1, tại Trường Đại học Vinh, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý để chính lý nội dung chính sách nhà giáo trong dự thảo Luật giáo dục sửa đổi.

Ông Lê Quán Tần - Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) lại có đề xuất cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo 

Giáo viên có cần chứng chỉ nghề? (Ảnh mang tính minh họa VOV)
Giáo viên có cần chứng chỉ nghề? (Ảnh mang tính minh họa VOV)

Đáng buồn là ý kiến này nhận được nhiều sự đồng tình từ các đại biểu tham dự hội thảo.

Là những giáo viên hiện đang giảng dạy nhiều cấp, chúng tôi kịch liệt phản đối đề xuất này.

Giáo viên vốn đã khốn khổ với những loại chứng chỉ như ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng năng lực thi nâng hạng…

Nếu đề xuất này được thông qua trong Luật Giáo dục (sửa đổi) thì chất lượng đội ngũ giáo viên chẳng những không được nâng lên mà còn góp phần tạo thêm tiêu cực cho nghề giáo khi phải tiếp tục kiểu chạy chứng chỉ hành nghề.

Ông Lê Quán Tần cho rằng, “ở một số nước cung cấp thị trường rất chín muồi, họ đều kế hoạch hóa giáo viên rất chặt chẽ để quản lý nguồn giáo viên”.

Nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề là đề xuất ảo tưởng về bằng cấp

Ông Tần kiến nghị, Việt Nam nên có chế độ cấp chứng chỉ hành nghề dạy học để kiểm soát chất lượng đảm bảo của giáo viên trong thực tế hành nghề.

Và ví dụ “Ở Nhật, những người được đào tạo giáo viên rất giỏi nhưng muốn đi dạy phải có chứng chỉ (cấp 10 năm 1 lần).

Tại sao? Vì trong hệ thống giáo dục, người ta có thể gặp giáo viên có tư chất rất kém, vậy lấy lí do gì loại họ? Chứng chỉ hành nghề giáo viên là thước đo kiểm soát đạo đức, năng lực nhà giáo.

Nếu Việt Nam chúng ta chưa làm được ngay nên chăng, hãy dọn đường để đến một lúc nào đó Việt Nam có chứng chỉ hành nghề?”

Nước ngoài làm được chưa hẳn mình cũng làm được

Nhiều người trong chúng ta thường có suy nghĩ, thấy nước ngoài làm tốt điều gì đều muốn học theo.

Họ không nghĩ rằng tùy vào điều kiện, vào tình hình cụ thể của mình có thể làm tốt hay không?

Ở Nhật, giáo viên muốn đi dạy phải có chứng chỉ nghề (cấp 10 năm 1 lần). Nhờ đó, họ có được một lực lượng giáo viên rất giỏi.

Làm được điều này vì nước Nhật chắc chắn không có việc mua bằng, làm giả chứng chỉ, học chơi nhưng chứng chỉ thật như Việt Nam chúng ta.

Giáo dục của ta nhiều năm trở lại đây, bằng Thạc sĩ, thậm chí Tiến sĩ không ít người còn lấy khá dễ dàng. Có người còn mạnh dạn tuyên bố "Có tiền là có bằng Tiến sĩ" {1}

Chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung tham chiếu chuẩn Châu âu cũng có thể mua được. Thì chứng chỉ nghề giáo muốn có cũng chẳng khó gì. 

Có 6,5 triệu đến 8,5 triệu đồng để có chứng chỉ tiếng Anh B1 (theo khung tham chiếu châu Âu), 10 triệu đồng để có chứng chỉ B2, 15 triệu đồng để có chứng chỉ C1…{2}

Nếu ngành giáo dục của ta áp dụng kiểu cấp chứng chỉ nghề cho giáo viên 10 năm 1 lần như nước Nhật, trong khi chúng ta chưa thể kiểm soát chặt chẽ việc học và cấp chứng chỉ.

Thì lúc đó, phần lớn chứng chỉ được lấy không phải bằng trí tuệ, không bằng kiến thức hay kĩ năng nghề thành thục mà nhuốm màu vật chất như hiện nay một bộ phận giáo viên đang lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Hậu quả sẽ vô cùng tai hại khi người giỏi sẽ không được tuyển nhường chỗ cho người có tiền và con cháu những người có chức quyền.

Vòng xoay 10 năm cấp chứng chỉ một lần, giáo viên mới lo xong chứng chỉ lại phải dành thời gian lo tích lũy để chạy chứng chỉ đợt tiếp theo.

Thầy cô lúc đó bị xoáy vào vòng xoay "chạy-chọt" còn đâu thời gian, tâm sức dành cho việc giảng dạy và giáo dục học sinh?

Nâng chất lượng giáo viên không phải từ cái chứng chỉ nghề

Bắt giáo viên phải có chứng chỉ hành nghề, ông Lê Quán Tần muốn gì đây?

Xét cho cùng, đề xuất của ông Lê Quán Tần - Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng xuất phát từ ý định tốt muốn nâng chất lượng giáo viên để đáp ứng với yêu cầu của xã hội hiện nay.

Vậy thay bằng buộc nhà giáo phải có chứng chỉ nghề để có một đội ngũ giáo viên tốt thì ngành giáo dục cần phải siết chặt và nâng cao chất lượng đầu vào, đầu ra của các trường sư phạm.

Cần có quy định rõ ràng không phải trường đại học nào cũng có thể đào tạo sư phạm như hiện nay.

Cần có chế độ đãi ngộ với nghề giáo thật  tốt để kéo người tài thi vào sư phạm như ngành y ngành ngoại thương.

Khi ngành sư phạm tuyển được những học sinh giỏi, học sinh xuất sắc thì chắc chắn chất lượng đội ngũ nhà giáo sẽ được nâng lên gấp nhiều lần.

Chứ cái kiểu thi 9 điểm 3 môn đậu cao đẳng sư phạm, 12 điểm đậu đại học sư phạm như hiện nay thì mười chứng chỉ nghề giáo cũng bằng thừa, chất lượng giáo viên vẫn chạm đáy.

Nâng chất lượng giáo viên bằng cách cho phép các hiệu trưởng quyền tự chọn giáo viên và sẵn sàng sa thải khi giáo viên không thể đáp ứng được yêu cầu giảng dạy của nhà trường.

Xin đừng “đẻ” thêm những thủ tục giấy tờ, “đẻ” thêm những chứng chỉ vô nghĩa để bớt đi những nhũng nhiễu mà nhà giáo đang gánh chịu.

Hãy chăm lo đến chất lượng cuộc sống cho nhà giáo, hãy có những đãi ngộ xứng đáng.

Có thế, mới tuyển được người giỏi, mới giúp thầy cô có thời gian đầu tư năng lượng cho công việc giảng dạy và nâng cao kĩ năng nghề cần thiết.

Tài liệu tham khảo

https://www.phunuonline.com.vn/giao-duc/ai-mua-bang-tien-si-khong-111052/ {1}

http://antt.vn/mua-chung-chi-tieng-anh-gia-65-trieu-dong-tai-dh-thai-nguyen-18539.htm{2}

Phan Tuyết