LTS: Liên quan đến đề xuất của Thiếu tướng Lê Văn Cương đề xuất hạn chế học sinh phổ thông vào đại học ngành công an, một Thiếu úy đang công tác trong ngành (đề nghị không nêu tên) đã chia sẻ những tâm tư của mình với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tòa soạn xin trân trọng chia sẻ những suy nghĩ của vị Thiếu úy này về đề xuất của Thiếu tướng Lê Văn Cương:
Ảnh minh họa: Báo Hà Nội Mới |
Đầu tiên tôi chia sẻ với Thiếu tướng Lê Văn Cương vì ông đã rất quan tâm, luôn trăn trở với việc làm sao để lực lượng công an ngày càng chính quy, hiện đại và thực sự tốt lên.
Nhưng tôi cũng muốn chia sẻ những suy nghĩa của mình về đề xuất của Tướng Lê Văn Cương. Cá nhân tôi sau khi tốt nghiệp phổ thông đã chọn thi vào trường Học viện Cảnh sát Nhân dân.
Mặc dù, trong gia đình, họ hàng, không có bất cứ ai làm trong ngành công an cả nhưng tôi có đủ đam mê và muốn được làm việc trong ngành.
Vượt qua rất nhiều thí sinh khác bằng cuộc cạnh tranh khốc liệt, tôi đã đỗ vào Học viện Cảnh sát Nhân dân.
Đúng là thực tiễn cho thấy, các chiến sỹ học hệ trung cấp xong đi làm 5-6 năm rồi đi học lên bậc đại học có thuận lợi nhất định.
Trong quãng thời gian đó, các chiến sỹ này có kinh nghiệm thực tiễn rất nhiều.
Nhưng có một thực tế, tôi nhận thấy, học sinh phổ thông vào học viện rồi tốt nghiệp ra đi làm có những ưu thế mà các cán bộ tốt nghiệp trung cấp dù làm lâu năm cũng không dễ có được.
Ví dụ như việc tham mưu, làm kế hoạch tuyên truyền. Các chiến sỹ tốt nghiệp trung cấp ra đi làm cả chục năm rồi nhưng chưa chắc đã làm tốt bằng học viên tốt nghiệp đi làm một thời gian ngắn.
Các chiến sỹ tốt nghiệp học viện ra do được đạo tạo rất cơ bản ở trường về các kỹ năng giao tiếp với nhân dân, tham mưu tuyên truyền về pháp luật, kỹ năng ứng xử…
Trong khi đó, các đồng chí học trung cấp dù đi làm nhiều năm nhưng cũng không được chuẩn bằng sinh viên mới ra từ các học viện.
Thực tế như tuyển sinh nhiều năm qua, đầu vào từ học sinh phổ thông đều có số điểm rất cao so với mặt bằng chung. Đó là nguồn vào chất lượng, kiến thức cơ bản rất tốt.
Chính vì thế, sau 4 năm đào tạo, dạy dỗ bài bản trong các trường đại học, chúng tôi ra trường cũng dễ dàng tiếp cận với công việc.
Khi làm các kế hoạch tuyên truyền, tham mưu cho lãnh đạo cấp chỉ huy thuận lợi hơn rất nhiều.
Trong khi đó, các chiến sỹ học qua trung cấp chỉ có kinh nghiệm thực tế là đi ra ngoài tuần tra, làm về các vụ tai nạn mà thôi.
Một điểm nữa là những người tốt nghiệp trung cấp, trong đầu họ lúc nào cũng chỉ chăm chăm đi làm.
Họ có đi học lên cũng rất ít chú ý đến các kỹ năng mềm như nguồn vào là từ học sinh phổ thông.
Những người học trung cấp xong đi làm thường chỉ học lên bậc đại học khi họ được quy hoạch bổ nhiệm cấp lãnh đạo, chỉ huy.
Ai cũng hiểu, người đi làm 5-7 năm, học lại từ đầu sẽ vất vả hơn rất nhiều so với nguồn vào là học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông.
Tôi cho rằng, đề xuất của Thiếu tướng Lê Văn Cương có khía cạnh hay nhưng với thực tế Việt Nam hiện nay, rất khó thực hiện được.
Thứ nhất là nhu cầu, sở thích của từng học sinh một. Tôi là học sinh tốt nghiệp phổ thông nhưng tôi không thích làm tham mưu, tôi muốn ra làm thực địa. Vậy không lẽ, không cho tôi thi?
Một thực tế là, không ai muốn làm tham mưu cả.
Làm công an, chiến sỹ nào cũng mong muốn được làm lính chiến.
Thêm nữa là quay lại những quy định cứng của ngành công an nhiều năm qua, phải đảm bảo chiều cao, cân nặng, sức khỏe.
Nhưng thực tế có cả những người 3m bẻ đôi, 1m54 vẫn thi, vẫn trúng tuyển bình thường.
Với chiều cao như vậy, họ cũng không phải công tác ở bộ phận tham mưu mà vẫn làm lính chiến bình thường. Rồi, chiến sỹ cảnh sát giao thông vẫn đeo kính đi làm.
Các chuẩn tưởng chừng nhìn bằng mắt rõ ràng được mà còn “vỡ” như vậy thì đề xuất trên liệu có đảm bảo được nguồn tuyển chất lượng!