Những năm vừa qua, điểm chuẩn vào các trường đại học, học viện công an nhân dân trên cả nước luôn ở cao chót vót.
Thậm chí có năm, dù có thí sinh thi đạt 30 điểm nhưng vẫn trượt đại học ngành này. Nó phần nào cho thấy sức hút của các trường công an với học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an cho rằng, đã đến lúc Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ngồi lại để có những thay đổi phù hợp trong đào tạo đại học của ngành công an.
Thiếu tướng Lê Văn Cương đề xuất nên hạn chế học sinh phổ thông vào các trường đại học công an. Ảnh: Đỗ Thơm |
Theo ông, giáo dục đại học của Việt Nam là chung cho tất cả các ngành. Cử nhân giao thông, cử nhân y tế, cử nhân kinh tế đều có chương trình khung chung.
Nhưng đã đến lúc cần có sự thay đổi theo hướng, nên cho phép các trường đại học ngành công an rút bớt thời gian đào tạo trong trường.
Theo đó, thời gian học tập ở trường chỉ nên từ 2 – 2,5 năm, song song với đó là tăng thêm thời gian cho sinh viên đi thực tiễn.
“Công tác của công an là công tác thực tiễn, phải “tắm mình” vào xã hội.
Một cử nhân tin học có thể đóng cửa ở trong phòng điều hòa không cần gần người dân vẫn có thể làm ra các sản phẩm được.
Còn công an phải nắm được hoạt động trong xã hội, vì vậy nên cho phép điều chỉnh nội dung, cơ cấu các học phần tăng phần thực tiễn lên”, Thiếu tướng Lê Văn Cương đề nghị.
Danh sách trường công an đã công bố điểm trúng tuyển năm 2018 |
Ông chia sẻ, ông từng đi một số nước như Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Đức, Nhật..và thấy họ không đào tạo đại học ngành công an như Việt Nam.
Mô hình đào tạo cán bộ ngành công an của Việt Nam cũng tương tự như các trường đại học Giao thông, Kinh tế, Ngân hàng…không có gì khác biệt.
Trong khi đó, ở Ấn Độ, Đức…đầu vào của họ đã có sự khác biệt. Số lượng học sinh phổ thông vào các trường đại học ngành công rất ít.
Ở đó, sau khi học hết Trung học (Trung cấp), họ ra làm việc. Sau 5-10 năm chọn lọc, ai đủ điều kiện mới được học tiếp lên đại học.
“Như vậy, thời gian đào tạo ở trong trường chỉ có 2 – 2,5 năm. Không có trường nào đạo tạo đến 4 năm như chúng ta cả.
Ở các nước, họ yêu cầu đầu vào phải là người đã qua thực tiễn”, Thiếu tướng Lê Văn Cương dẫn chứng.
Vì thế, ông mong muốn, Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo có sự trao đổi để tính toán thời gian đào tạo, cơ cấu học phần, cách thức đào tạo cho phù hợp với đặc thù của ngành công an.
“Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải giảm bớt học sinh học hết lớp 12 vào các trường đại học ngành công an.
Thay vào đó, cần tăng cường chọn lọc cán bộ học qua Trung học, đã thực tiễn 5-10 năm là nguồn vào.
Lúc đó, trong trường Đại học chỉ cần đào tạo thời gian ngắn thôi”, Tướng Cương nói.
Vị nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an chia sẻ, thực tế với cách giáo dục nặng thi cử như hiện nay, học sinh hết lớp 12 của chúng ta toàn như “gà công nghiệp”.
Các cháu vào vào học 4 năm trong trường làm sao nắm được tình hình xã hội? Vì thế khi ra trường, các cháu rất khó có thể tham gia ngay vào công việc mang tính thực địa hay tác chiến.
Theo ông, Bộ Công an nên nghiên cứu và có kiến nghị điều chỉnh, khung chương trình, thời gian…phù hợp hơn.
“Quan điểm của tôi là không lấy học sinh phổ thông vào nhiều như hiện nay.
Những thí sinh nào đủ điều kiện vào ngành công an, quân đội? |
Như hiện nay, các đơn vị cũng không dám giao việc có tính chất thực địa cho các cháu mới ra trường.
Các cháu được giao cái gì làm cái đó chứ chưa chủ động được. Phải ở đó 3-5 năm mới có thể làm việc hiệu quả được”, ông Cương nhận định.
Theo ông, các cơ sở giáo dục vẫn có hệ đại học đào tạo cơ bản nhưng số lượng vừa phải để phục vụ cho lĩnh vực tham mưu, khối văn phòng. Còn tác chiến là phải qua thực tiễn sau đó mới được đi học.
“Sẽ có hai khối, khối đào tạo cán bộ văn phòng, tham mưu có thể lấy đầu vào là học sinh phổ thông.
Còn ở khối đào tạo tác chiến thì phải tuyển nguồn vào là những người đã học qua Trung học, đi làm 5-10 năm rồi. Ở khối này thời gian đào tạo chỉ cần 2-2,5 năm”, ông Cương nhấn mạnh lại.