Cùng với các nội dung tuyển chọn, bố trí, di chuyển, đề bạt, đánh giá, đãi ngộ, thì công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển cán bộ quản lý nói chung và hiệu trưởng trường học nói riêng là một nội dung quan trọng của công tác cán bộ.
Bởi lẽ, hiệu trưởng trường phổ thông là người đứng đầu nhà trường có vai trò quan trọng nhất trong quá trình thiết lập, định hướng, tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh, quản lý và thúc đẩy các hoạt động khác tạo sự thành công cho nhà trường.
Và càng ngày trong công tác giáo dục càng trao nhiều quyền cho các hiệu trưởng. Tuy nhiên, có những vấn đề giáo dục trong năm 2018 đã bộc lộ năng lực của hiệu trưởng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay nhất là khi chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới chính là làm sao để có nhiều hiệu trưởng đạt chuẩn, gánh vác trách nhiệm ngày càng cao.
“Chúng ta trao quyền tự chủ cho hiệu trưởng và hiệu trưởng làm cho dân tin, dân đồng lòng thì nhất định giáo dục sẽ phát triển mạnh mẽ”, thầy Khang hi vọng. (Ảnh minh họa Báo Phú Yên) |
Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) liên quan đến vấn đề này.
Theo thầy Khang, vai trò quan trọng số 1 khi đổi mới giáo dục là vị trí của giáo viên bởi lẽ thầy cô chính là người trực tiếp tạo ra sản phẩm giáo dục. Chúng ta muốn có thế hệ học sinh trong khoảng 10-15 năm nữa khác với những thế hệ học sinh vừa qua thì ngoài những thay đổi chương trình, sách giáo khoa, cơ sở vật chất… thì còn phụ thuộc rất lớn vào phương pháp, tâm huyết của đội ngũ thầy cô giáo.
Và vai trò quan trọng số 2 đó chính là đội ngũ các hiệu trưởng . “Nếu ví hiệu trưởng của một cơ sở giáo dục như một nhạc trưởng trong dàn hợp xướng thì chúng ta đào tạo, tập huấn giáo viên tiếp cận phương pháp đổi mới thì vai trò của người hiệu trưởng là làm sao tổ chức các hoạt động dạy và học để nhiệm vụ đổi mới có hiệu quả”, thầy Khang ví von.
Theo thầy Khang, muốn nâng cao năng lực của người hiệu trưởng thì ngoài việc tập huấn, bồi dưỡng cần trao quyền tự chủ cho họ để phát huy khả năng sáng tạo cũng như sự chủ động trong công việc.
Nói rõ hơn về ý kiến của mình, thầy Khang cho rằng, hiện nay, đặc biệt ở hệ thống trường công thì các cấp quản lý như phòng, sở Giáo dục và Đào tạo vẫn “cầm tay chỉ việc” các hiệu trưởng khiến sự chủ động, sáng tạo bị hạn chế còn đối với hệ thống trường tư thục thì đỡ hơn một chút bởi lẽ đó là các cơ sở giáo dục tự chủ về tài chính, cơ sở vật chất…
Là cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tư thục, thầy Khang chia sẻ, ví như ở trường tư thục ngoài dạy chương trình ngoại ngữ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mà trường muốn tăng cường ngoại ngữ theo nhu cầu của học sinh, phụ huynh học sinh thì chỉ cần phụ huynh đồng ý, hiệu trưởng có thể quyết định nhưng đối với trường công thì không như vậy.
“Chúng ta trao quyền tự chủ cho hiệu trưởng và hiệu trưởng làm cho dân tin, dân đồng lòng thì nhất định giáo dục sẽ phát triển mạnh mẽ”, thầy Khang hi vọng.
Đồng tình với quan điểm của thầy Khang, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch hội đồng giáo dục trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) kiến nghị:
Cần giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục thì lúc đó mới đánh giá được năng lực của hiệu trưởng chứ như hiện nay nhiều hiệu trưởng luôn chờ Sở, Phòng nói gì, làm vậy thì làm sao đánh giá được năng lực, bản lĩnh hiệu trưởng đó”.
Có nghĩa là, vai trò của người hiệu trưởng chỉ thực sự được phát huy khi cơ sở giáo dục đó được trao quyền tự chủ, thực hiện được dân chủ trong trường học.
Và song song với việc giao quyền tự chủ cho các trường thì việc bổ nhiệm hiệu trưởng phải thực hiện qua hình thức thi tuyển.
Qua thi tuyển mới đánh giá được năng lực của cán bộ đó trong việc giải quyết những vấn đề đang được đặt ra của cơ sở giáo dục đó.