5 giải pháp nâng cao năng lực hiệu trưởng của giáo viên

27/01/2019 06:20
Thùy Linh
(GDVN) - Nếu hiệu trưởng có năng lực nghiên cứu khoa học tốt sẽ khám phá được nhiều cái tiên tiến về nội dung, phương pháp phục vụ cho công tác quản trị trường.

Hiệu trưởng trường phổ thông là người đứng đầu nhà trường có vai trò quan trọng nhất trong quá trình thiết lập, định hướng, tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh, quản lý và thúc đẩy các hoạt động khác tạo sự thành công cho nhà trường.

Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã có những tác động tích cực đến nền giáo dục ở các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. 

Cuộc cách mạng này đòi hỏi giáo dục phổ thông ở Việt Nam sẽ phải bắt nhịp với sự chuyển mình mạnh mẽ và yêu cầu các hiệu trưởng ở trường phổ thông phải có kiến thức, kĩ năng của một nhà quản trị. 

5 giải pháp nâng cao năng lực hiệu trưởng của giáo viên ảnh 1Trường tôi nháo nhào vì quá nhiều thầy cô đi thi dạy giỏi

Trước yêu cầu đổi mới, chất lượng giáo dục toàn diện được xác định làm nòng cốt tuy nhiên theo nhiều người đánh giá, năng lực của hiệu trưởng ở một số trường phổ thông vẫn còn nhiều bất cập. Những bất cập về năng lực của hiệu trưởng thời gian qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học ở các trường phổ thông ví như: 

Chưa có sự quan tâm đúng mức hay những quy định cụ thể cho việc phát triển đội ngũ như bồi dưỡng bắt buộc những kĩ năng mềm cho giáo viên; Kế hoạch cho sự phát triển giáo dục chưa lâu dài; Công tác quản lý và điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông ở một số nơi chưa theo kịp yêu cầu đổi mới.

Nhìn nhận những hạn chế này, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Đặng Danh Hướng - giáo viên trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) mạnh dạn đề xuất một số giải pháp phát triển năng lực hiệu trưởng trường phổ thông. 

Cụ thể, thầy Hướng đề xuất: 

Thứ nhất, đổi mới nội dung chuyên đề bồi dưỡng phải tập trung phát triển cho hiệu trưởng năng lực (năng lực quản trị con người, năng lực quản trị tổ chức, năng lực quản trị sự thay đổi, năng lực phân tích và xử lý thông tin, xây dựng chính sách để triển khai mục tiêu; năng lực hợp tác; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị trường học). 

Đây là một việc rất quan trọng đối với đội ngũ hiệu trưởng bởi nếu họ được bồi dưỡng những năng lực trên sẽ đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hiệu trưởng sẽ giải quyết được các khó khăn về chuyên môn, nghiệp vụ mà họ đang gặp phải. 

Theo Thạc sĩ Đặng Danh Hướng, nếu hiệu trưởng có năng lực nghiên cứu khoa học tốt sẽ khám phá được nhiều cái tiên tiến về nội dung, phương pháp phục vụ cho công tác quản trị trường. (Ảnh minh họa:Pin Art)
Theo Thạc sĩ Đặng Danh Hướng, nếu hiệu trưởng có năng lực nghiên cứu khoa học tốt sẽ khám phá được nhiều cái tiên tiến về nội dung, phương pháp phục vụ cho công tác quản trị trường. (Ảnh minh họa:Pin Art)

Việc phát triển năng lực này, giúp hiệu trưởng có nhiều cơ hội thực hành và vận dụng tốt những kiến thức đã học vào thực tế công tác quản trị trường trung học phổ thông, giúp cho chất lượng giáo dục đạt hiệu quả cao hơn. 

Bên cạnh đó, hàng năm, các cơ sở bồi dưỡng cán bộ giáo dục phải tiến hành rà soát, loại bỏ những nồi dung bồi dưỡng năng lực quản trị không còn phù hợp, cập nhật những kiến thức, phát triển năng lực mới cho người học, điều chỉnh chuẩn hóa các chuyên đề bồi dưỡng, từng bước hoàn thiện nội dung giảng dạy cho phù hợp với thực tiễn, bổ sung các nội dung bồi dưỡng cán bộ quản lý gắn với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. 

Thứ hai, đa dạng hình thức bồi dưỡng năng lực cho hiệu trưởng như: Bồi dưỡng bằng hình thức tự học của hiệu trưởng kết hợp với các sinh hoạt tập thể về chuyên môn, nghiệp vụ cụm trường hoặc câu lạc bộ hiệu trưởng các trường phổ thông; Bồi dưỡng theo hình thức học tập từ xa (qua mạng Internet); Bồi dưỡng theo hướng mở và liên tục... 

Việc đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng là việc tận dụng cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên của trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục các tỉnh, thành để phát triển thêm các chương trình, loại hình bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu của xã hội. 

5 giải pháp nâng cao năng lực hiệu trưởng của giáo viên ảnh 3Tôi là Hiệu trưởng hay mấy thầy cô vậy?

Căn cứ nhu cầu bồi dưỡng, các trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục các tỉnh, thành cần lựa chọn mở thêm những lĩnh vực bồi dưỡng mới, đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng của hiệu trưởng, các hình thức bồi dưỡng đa dạng (tập trung, dài ngày, ngắn ngày, từ xa) để người học có thể lựa chọn.

Thứ ba, đổi mới phương pháp giảng dạy chương trình bồi dưỡng quản trị cho hiệu trưởng theo hướng lấy người học làm trung tâm. Để đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm hiệu quả cần phải kết hợp sử dụng các công cụ, phương tiện dạy học hiện đại.

Thứ tư, phát triển năng lực theo hướng vận dụng gắn kết thực tiễn. 

Để phát triển năng lực cho hiệu trưởng việc đào tạo năng lực ở các trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục các tỉnh, thành cần chú trọng tính vận dụng để phát triển năng lực quản trị của hiệu trưởng theo hướng vận dụng.

Việc đào tạo theo hướng vận dụng có thể được thực hiện bằng cách tích hợp giữa dạy kiến thức cơ bản và kiến thức nghiệp vụ. Đó là việc lồng ghép rèn luyện các năng lực quản trị cho hiệu trưởng trong khi dạy kiến thức cơ bản.

Thứ năm, cần chú trọng hình thành và phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho hiệu trưởng. Bởi hai năng lực này có mối quan hệ bổ trợ nhau rất lớn. Một người hiệu trưởng có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi sẽ là nền tảng vững chắc để thúc đẩy năng lực nghiên cứu khoa học phát triển. 

Hơn nữa, nếu người hiệu trưởng có năng lực nghiên cứu khoa học tốt sẽ khám phá được nhiều cái mới, cái tiên tiến về nội dung, phương pháp phục vụ cho công tác quản trị trường. 

Bối cảnh đổi mới giáo dục diễn ra trong thời đại công nghệ số, con người luôn phải tìm tòi, khám phá và thích nghi với những biến đổi khôn lường do sự phát triển của công nghệ mang lại. Vì thế, xu thế phát triển năng lực cho hiệu trưởng theo hướng nghiên cứu cũng được nhiều chuyên gia đề xuất. 

Từ những đề xuất này của thầy Hướng cho thấy, chúng ta cần phải đổi mới chương trình đào tạo cán bộ quản lý giáo dục song song với việc áp dụng các mô hình đào tạo mới nhằm hướng đến phát triển năng lực quản trị cho đội ngũ hiệu trưởng trong tương lai là công việc trọng tâm. 

Khi chúng ta thực hiện một cách đồng bộ và nghiêm túc, việc năng lực quản trị trường cho hiệu trưởng theo định hướng phát triển năng lực sẽ góp phần to lớn trong việc đào tạo ra đội ngũ giáo viên có năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ở trường phổ thông hiện nay.

Thùy Linh