LTS: Mời quý bạn đọc theo dõi bài viết thứ 4 của ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Đây là loạt bài hồi ức của ông nhân dịp kỷ niệm 40 nổ ra cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, chống Trung Quốc tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc năm 1979, tiếp theo bài 3, Xuân 1979, các tướng lĩnh hội tụ về Quảng Ninh chuẩn bị cho trận chiến đấu mới.
Cuối năm 1978, Đặc khu Quảng Ninh được thành lập. Thiếu tướng Nguyễn Anh Đệ được cử làm Tư lệnh và Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đức Tâm được cử làm Chính uỷ Đặc khu.
Việc cử đồng chí Nguyễn Đức Tâm làm Chính uỷ Đặc khu là hợp lý và đem lại nhiều cái lợi:
Một là, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa quân và dân trên địa bàn tỉnh và làm nên sức mạnh tổng hợp chống lại cuộc tấn công của kẻ thù.
Hai là, lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn của tỉnh rất đông, gặp nhiều khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Bí thư Tỉnh uỷ đồng thời là Chính uỷ Đặc khu, là chỗ dựa vững chắc cho các đơn vị quân đội.
Ông Nguyễn Đức Tâm (1920-2010), ảnh: PLO. |
Ba là, các đơn vị quân đội đóng quân trên từng thôn bản sẽ là cơ hội tốt để giúp đỡ bà con đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, đảm bảo đời sống ấm no, xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh.
Tôi được cử là Bí thư Huyện uỷ trong thời gian gấp gáp, còn thiếu kinh nghiệm chỉ đạo. Đồng chí Nguyễn Đức Tâm đã dành nhiều thời gian về huyện và cùng tôi xuống từng thôn, bản để chỉ đạo phát triển sản xuất.
Đặc biệt thời gian này, bị phía bên kia kích động, nhiều người nghe theo đã chuẩn bị ra đi, làm mất ổn định tình hình ở địa phương.
Với sự chỉ đạo sâu sát và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị lực lượng vũ trang, huyện Tiên Yên đã giữ được ổn định và sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Đồng chí Nguyễn Đức Tâm sinh năm 1920 tại xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình; tham gia cách mạng từ thuở thiếu thời, sau đó bị thực dân Pháp truy lùng, bắt được và đày lên nhà tù Sơn La.
Địch tra tấn dã man nhưng không khuất phục được ý chí và chính tại nhà tù Sơn La đã trở thành trường học của những người cộng sản. Anh đã học hỏi được rất nhiều từ những người anh như đồng chí Nguyễn Lương Bằng (Sao Đỏ), Xuân Thủy…
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Nguyễn Đức Tâm được phân công đảm nhiệm nhiều vị trí công tác. Đến năm 1967 ông được điều động về làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh.
Tình hình Quảng Ninh thời điểm đó có nhiều khó khăn. Việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Quảng Ninh để tạo nên sức mạnh nhưng những ngày đầu công việc còn quá ngổn ngang.
Bằng sự từng trải và kinh nghiệm của mình, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyên Đức Tâm đã phát huy mọi thế mạnh do sự hợp nhất mang lại. Chỉ sau một thời gian, Quảng Ninh đã có bước phát triển khá.
Lợi thế của một địa phương có được những đặc điểm địa lý, lịch sử, văn hoá và xã hội đã được khai thác.
Một thời Đông Bắc, ký ức không thể nào quên mùa Xuân năm 1979 |
Những năm tháng phụ trách công tác Thuỷ lợi ở Quảng Ninh, nhiều lần được cùng ông đi khảo sát, nghiên cứu xây dựng các công trình thuỷ lợi để đời cho Quảng Ninh.
Có thể kể ra đây như Hồ Yên Lập, Xi phông sông Chanh, khu kinh tế mới Sông Khoai, đặc biệt là quy hoạch các công trình thuỷ lợi biên giới như vùng Tổ Chim – Lục Lầm, hồ Quất Đông, hồ Tràng Vinh…
Được công tác cùng ông, tôi hiểu được ở ông một con người liêm khiết, chịu khó rèn luyện, giữ gìn phẩm chất cách mạng. Có thể khái quát những phẩm chất của con người ông qua mấy vần thơ ngắn gọn:
Thủa thiếu thời lòng kiên trinh chí lớn
Nghĩa tình dân vượt ghềnh thác gian lao
Bước tung hoành phong sương trời Đông Bắc
Lưu dấu đời ngời tâm đức sáng sao.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông thật phong phú: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 4, 5, 6; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng khóa 5, 6;
Đại biểu Quốc hội các khóa 4, 5, 6, 7, 8; Ủy viên Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội các khóa 5, 6; Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Khi giữ cương vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông đã có nhiều đóng góp và để lại nhiều dấu ấn trong lĩnh vực này.
Khi nghỉ hưu ông vẫn còn trở trăn, tâm huyết với những vấn đề nóng bỏng của đất nước, của Đảng. Ông đã dành cho báo Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn về sự kiện thời sự trọng đại là Đại hội X.
Phóng viên: Điều ông quan tâm nhất ở Đại hội này là gì?
Nguyễn Đức Tâm: Điều tôi quan tâm nhất ở Đại hội này là vấn đề con người. Vì từ việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách cho tới thực hiện đều từ con người mà ra.
Đường lối, chính sách đúng mà con người không tốt thì cũng không thực hiện được.
Phóng viên: Vấn đề quy hoạch cán bộ nên được hiểu như thế nào?
Nguyễn Đức Tâm: Phải có qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng. Đã đưa vào qui hoạch rồi thì phải theo dõi để phát huy cái tích cực, hạn chế cái khiếm khuyết, thường xuyên kiểm tra giám sát.
Làm qui hoạch con người thì không nên nói vị trí nào trước cả. Thậm chí người ta còn luân chuyển trong thời gian dự bị, đưa về vị trí này một thời gian, vị trí khác một thời gian.
Đào tạo toàn diện, coi anh nào có khả năng ở chỗ nào thì bổ nhiệm vào đấy.
Phóng viên: Làm cách nào để tìm được con người tốt, thưa ông?
Bắc Luân – Dòng sông biên giới |
Nguyễn Đức Tâm: Vấn đề ở đây là cách làm chứ chúng ta đâu có thiếu người tài, một vị trí vẫn có thể tìm được nhiều người và khi đó sẽ tạo sự cạnh tranh, động lực rèn luyện.
Phóng viên: Hiện nay dân chủ đã được phát huy tốt chưa?
Nguyễn Đức Tâm: Trên thực tế dân là người phát hiện được rất nhiều vấn đề, như tham nhũng, quan liêu, tiêu cực trong thi hành công vụ.
Trong Đảng có phát hiện được cũng là rất cá biệt. Việc “mua quan, bán chức” hiện nay diễn ra khá phổ biến, một chức nhỏ thôi cũng mất hàng trăm triệu đồng, chức càng to thì tiền càng lớn.
Bỏ tiền ra, được chức rồi thì phải thu tiền lại, mà không phải thu để hòa vốn đâu mà tất phải có lãi, lãi ít còn phải lãi nhiều hơn, càng nhiều. Phân tích như thế để thấy hiện nay còn thiếu dân chủ.
Phóng viên: Thời ông làm tổ chức có nạn chạy chức, chạy quyền không?
Nguyễn Đức Tâm: Hồi đó cán bộ không mấy ai đặt nặng chuyện bổng lộc. Nhưng bọn tham ô tất nhiên cũng có, mặc dù giá trị có thể không lớn nhưng những vụ tham ô sẽ tác động mạnh đến tinh thần xã hội.
Còn bây giờ thì ảnh hưởng tới cái gì người ta cũng mặc kệ, họ chỉ biết cần tiền! Làm cái nhà thì họ rút bớt xi măng; làm cọc bê tông thì chêm cọc tre thay trụ sắt; làm đường thì ăn bớt nhựa...
Phóng viên: Thế còn biếu xén, quà cáp hồi đó thì sao, thưa ông?
Nguyễn Đức Tâm: Đi địa phương, thỉnh thoảng chỗ này chỗ khác cho cân đậu, cân gạo. Nhưng mà thường tôi không nhận vì khi nhận chút quà là dễ bị tình cảm chi phối.
Trong cuộc sống cũng như công tác, thiện cảm giữa cá nhân với nhau tất nhiên phải có nhưng không thể ảnh hưởng đến việc cất nhắc, đề bạt. Tôi vào Phan Thiết, các anh chị gửi cho vài chai nước mắm cũng không dám nhận.
Phóng viên: Đó là nguyên tắc cá nhân của ông hay nguyên tắc của người làm công tác tổ chức?
Nguyễn Đức Tâm: Cá nhân thôi. Vẫn có người vẫn nhận đấy. Mà nhận thì dễ quen lắm.
Phóng viên: Công tác cán bộ hiện nay đang tồn tại cái gọi là “chủ nghĩa thân quen”. Tức là những người thuộc êkip, bà con thân thích thì dễ được đưa vào bộ máy. Ông nghĩ sao?
Nguyễn Đức Tâm: PMU 18 là một ví dụ, họ đưa cả họ hàng, người thân vào đấy. Hơn thế, một số người cấp trên còn gửi gắm cả người của mình vào. Thế là chằng chéo nhau, khi vụ việc vỡ lở là bao nhiêu người có liên quan...
Nhưng bây giờ cũng không hẳn lộ liễu đưa người của mình vào cơ quan, đơn vị mình mà biến tướng theo kiểu tôi giới thiệu, tiếp nhận con em anh; anh giới thiệu, tiếp nhận con em tôi...
Xuân 1979, các tướng lĩnh hội tụ về Quảng Ninh chuẩn bị cho trận chiến đấu mới |
Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến không ít vụ việc thối nát kéo dài nhiều năm mà không bị phát hiện. Thậm chí phát hiện ra được nhưng còn bao che bởi xử lý nó cũng là xử lý mình.
Phóng viên: Có một hiện tượng, khi bầu cử, những người thẳng thắn cương trực thì phiếu thấp. Ông lý giải điều đó ra sao?
Nguyễn Đức Tâm: Đúng vậy, những người làm tốt nhưng thẳng thắn, không ngại đấu tranh thì phiếu thấp, không được chú ý, khó cất nhắc...
Và ngược lại, những người xuê xoa, ít va chạm, thiếu đấu tranh, tỏ ra hiền lành thì dễ được phiếu cao, dễ được cất nhắc.
Thời tôi làm Bí thư Tỉnh ủy, có một đồng chí Phó chủ tịch Ủy ban được bầu với số phiếu 100%. Tôi thua anh ấy tới 5 phiếu.
Lý do là trong quá trình làm tôi đấu tranh, phê bình, kỷ luật người nọ người kia... Những người có ý thức thì hiểu nhau; người không có ý thức thì không thích mình.
Phóng viên: Đảng là của dân, việc của Đảng cũng là việc của dân, cho nên có ý kiến đề nghị phải công khai danh sách tất cả ứng cử viên trước khi bầu vào cấp ủy, kể cả vào Ban chấp hành trung ương, thậm chí công khai cả ứng cử viên Tổng bí thư. Quan điểm của ông thế nào?
Nguyễn Đức Tâm: Vậy thì tốt chứ sao! Việc này ta chưa làm bao giờ nhưng tôi nghĩ nên làm. Chọn được người tốt thì dân sẽ an tâm; chọn người chưa tốt thì dân sẽ có ý kiến.
Ai ăn ở ra sao, đi lại thế nào, có “ăn” hay không, quà cáp thế nào, thích rượu thích chè hay thích phong bì... dân họ biết hết cả đấy. Công khai cho dân là để dân kiểm tra giúp Đảng.
Phóng viên: Theo ông, Đại hội Đảng toàn quốc có nên bầu trực tiếp Tổng bí thư?
Nguyễn Đức Tâm: Hai vị trí Tổng bí thư và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nên để Đại hội bầu.
Bởi Ủy ban Kiểm tra là cơ quan có toàn quyền thay mặt Đại hội kiểm tra tất cả cán bộ đảng viên (cấp cao) trong hệ thống, kể cả Ban chấp hành trung ương và Tổng bí thư.
Cơ quan này chỉ phục tùng Đại hội. Chứ còn nếu Ban chấp hành trung ương bầu thì quyền năng của cơ quan này vẫn bị hạn chế và phụ thuộc vào Ban chấp hành trung ương.
Tổng bí thư cũng vậy, nếu được Đại hội bầu thì vị thế, mức độ tín nhiệm sẽ cao hơn.
Phóng viên: Có nên đặt vấn đề tranh cử ở Đại hội?
Nguyễn Đức Tâm: Tranh cử là tốt, phải có chương trình hành động của người ứng cử để mọi người góp ý kiến. Bài học tranh cử chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1988 là một kinh nghiệm tốt, cần phát huy.
Với trên 70 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quí khác.
Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tích cực đóng góp xây dựng Đảng, nhất là đấu tranh không khoan nhượng với những hoạt động bè phái, giữ vũng sự trong sáng của Đảng ta.
Tôi viết tặng ông mấy vần thơ:
Ngời Tâm Đức
Một thủa cùng Anh miền Đông Bắc
Trùng khơi biển cả ánh lung linh
Dòng than nguồn sữa đời dâng hiến
Vùng Mỏ yêu thương sống hết mình.
Mong ước Quảng Ninh mau phát triển
Xây hồ Yên Lập, đắp Sông Khoai
Bạch Đằng chiến tích ngày xưa ấy
Truyền thống cha ông soi sáng đài.
Qui hoạch Hạ Long tầm chiến lược
Hồng Gai, Bãi Cháy nối Tuần Châu
Đèo Nai Cẩm Phả vươn tầm mắt
Bền vững đảo xa nơi tuyến đầu.
Trở lại Thủ đô thời vận mới
Đảng tin dân mến gửi yêu thương
Gánh thêm trọng trách càng tu dưỡng
Tâm Đức chiếu ngời một tấm gương.
Hà Nội – Xuân Kỷ Hợi – Năm 2019.