LTS: Mời quý bạn đọc theo dõi bài viết thứ 2 của nguyên Ủy viên Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão nhân dịp kỷ niệm 40 năm chống Trung Quốc tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc, bảo vệ Tổ quốc, mà ông là một nhân chứng.
Tiếp theo bài 1, Một thời Đông Bắc, ký ức không thể nào quên mùa Xuân năm 1979.
Bắc Luân là dòng sông biên giới chảy giữa thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam) và thành phố Đông Hưng (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc).
Những năm làm Trưởng ty Thủy lợi Quảng Ninh tôi có nhiều gắn bó với sông Bắc Luân trong việc bảo vệ dòng sông với mong muốn trở lại nguyên vẹn thủa ban đầu, nghĩa là dòng nước không chảy xói về phía Việt Nam.
Vào thời điểm của quan hệ hai nước căng thẳng, chúng tôi rất vất vả trong việc theo dõi những việc làm của Trung Quốc.
Họ xây những mỏ hàn để hướng dòng nước xói vào phía bờ sông của Việt Nam.
Chúng tôi phải khẩn trương triển khai các công việc như khảo sát thực địa, đo đạc địa hình, thăm dò địa chất, thiết kế và chuẩn bị cho bước thi công các mỏ hàn hướng dòng chảy không để xói vào phía bờ của Việt Nam.
Cầu Ka Long bắc qua con sông Ka Long. Ảnh: Mongcai.gov.vn |
Để hiểu rõ về ngọn nguồn và lịch sử dòng sông Bắc Luân, tôi cung cấp một vài thông tin:
1- Sông Bắc Luân bắt nguồn từ dãy núi Thập Vạn Đại Sơn.
Đi đến địa phận phường Ka Long (Móng Cái), sông chia thành 2 nhánh: Một nhánh chảy vào giữa thành phố Móng Cái rồi đổ ra biển.
Một nhánh tiếp tục đi dọc theo biên giới hai nước rồi đổ vào vịnh Bắc Bộ tại cửa sông Bắc Luân.
2- Ngược dòng thời gian hơn một trăm năm trước đây trong lịch sử của dân tộc ta, khi nước ta đang ở trong chế độ thuộc địa do thực dân Pháp cai trị.
Thực dân Pháp và triều đình Mãn Thanh - Trung Quốc đã ký các Công ước hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ với Trung Quốc năm 1887 và Công ước bổ sung Công ước hoạch định biên giới năm 1895.
Công ước năm 1887 giữa Pháp và nhà Thanh về hoạch định biên giới hai nước là văn kiện quan trọng. Quá trình đàm phán rất phức tạp và kéo dài.
Riêng về phân định cửa sông Bắc Luân diễn ra không mấy trôi chảy.
Người ta kể lại rằng, hai đoàn đàm phán cùng đi trên một chiếc tàu thuỷ để giải quyết trực tiếp việc phân định trên thực địa.
Buổi trưa hôm ấy, Đoàn Trung Quốc mời Đoàn của Pháp (bao gồm cả quan chức Việt Nam) ăn bữa cơm thân mật.
Một thời Đông Bắc, ký ức không thể nào quên mùa Xuân năm 1979 |
Họ chiêu đãi rất thịnh soạn, liên tục mời uống rượu. Mọi người vui vẻ, ăn uống ngon lành và say sưa. Ăn xong và trở lại làm việc, viên sĩ quan Pháp mặt đỏ bừng, hồn phách lâng lâng.
Phía Trung Quốc lợi dụng lúc này để hành động. Đáng lẽ chiếc tàu đi thẳng theo luồng xuống cửa sông Bắc Luân thì họ lại cho tàu rẽ về phía sông Lục Lầm là một nhánh của sông Bắc Luân.
Nếu ý định đó thành hiện thực thì cửa sông Lục Lầm sẽ là điểm phân định biên giới hai nước.
Nhưng may thay, vị quan chức Việt Nam đã kịp thời đánh thức vị sĩ quan Pháp để tỉnh táo làm việc.
Ngay lập tức, ông này yêu cầu phía Trung Quốc cho tàu quay lại dòng chính Bắc Luân. Và đương nhiên, cửa sông Bắc Luân trở thành điểm phân định biên giới giữa hai nước.
3- Cuộc đàm phán cách đây một trăm năm đã phức tạp thì cuộc đàm phán để có Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1999 càng phức tạp hơn rất nhiều.
Ngay sau khi bình thường hóa quan hệ tháng 11/1991, Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận tiến hành đàm phán hoạch định biên giới mới thay cho Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895.
Cuộc đàm phán nhiều lúc trở nên căng thẳng bởi có một số điểm tranh chấp gay gắt. Trong số đó có điểm phân định ở cửa sông Bắc Luân.
Cuối cùng cũng đi đến một thoả thuận rất công phu và chi tiết nằm trong Hiệp ước hoạch định biên giới mới ký năm 1999.
Nội dung của Hiệp ước này là nền tảng, là cơ sở pháp lý duy nhất, làm chỗ dựa để các bên triển khai giai đoạn phân giới cắm mốc.
Vì lẽ đó, đường phân định ở cửa sông Bắc Luân trở nên dích dắc, ngoằn ngoèo:
Biên giới quy thuộc ¾ bãi Tục Lãm và 1/3 bãi Dậu Gót cho Việt Nam, ¼ Tục Lãm và 2/3 bãi Dậu Gót cho Trung Quốc, và thiết lập khu giao thông thuỷ tự do cho nhân dân địa phương sử dụng luồng hai bên bãi Tục Lãm và Dậu Gót.
Sông Bắc Luân bắt nguồn từ dãy núi Thập Vạn Đại Sơn. Khi nói tới miền biên cương này, người ta thường nhắc tới một địa danh là lạ: Thập Vạn Đại Sơn.
Đây là giải núi điệp trùng, mênh mông nối liền biên giới Đông Nam của Trung Quốc và Đông Bắc của Việt Nam.
Hơn thế nữa, chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn nổi tiếng, làm thơm danh truyền thống đoàn kết của quân dân hai nước.
Năm 1949, theo đề nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, được sự đồng ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam phái một lực lượng vũ trang sang giúp Trung Quốc “xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung – Long – Khâm liền với biên giới Đông Bắc ta, thông ra bể, tạo điều kiện khuếch trương lực lượng, đón Đại quân Nam Hạ” (Mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 23/4/1949).
Chiến dịch quân sự Thập Vạn Đại Sơn diễn ra từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1949 do liên quân giữa bộ đội Việt Minh và lực lượng địa phương của Giải phóng quân Trung Quốc thực hiện tại biên khu Việt - Quế chống lại quân của Quốc dân Đảng.
Mục tiêu của chiến dịch là mở rộng vùng kiểm soát tại khu vực dãy núi Thập Vạn Đại Sơn tại 3 huyện Ung Châu, Long Châu và Khâm Châu giáp biên với vùng Đông Bắc Việt Nam, tạo điều kiện phát triển lực lượng phối hợp với đại quân của Giải phóng quân Trung Quốc khi đó đang tiến về phía Nam.
Lực lượng của Giải phóng quân Trung Quốc gồm 3 tiểu đoàn địa phương.
Lực lượng Việt Nam tham gia chiến dịch gồm một số đơn vị thuộc 3 trung đoàn 28, 174, 95, do đồng chí Lê Quảng Ba chỉ huy. Còn lực lượng của đối phương, quân của Quốc dân gồm 5 trung đoàn.
Chiến dịch có hai hướng Khâm Châu và Long Châu:
Trên hướng Long Châu, bộ đội Việt Nam đánh chiếm Bằng Tường, Thuỷ Khẩu, rồi Hạ Đống. Đến ngày 18 tháng 6 năm 1949, tiêu diệt viện binh Quốc dân Đảng từ Long Châu xuống và tiến đánh Ninh Minh.
Trên hướng Khâm Châu, liên quân Trung - Việt đánh thị trấn Trúc Sơn nằm trên đường từ Đông Hưng đi Phòng Thành, nhưng không thành công.
Ngày 25 tháng 7 năm 1949, liên quân chuyển sang tấn công quân Quốc dân Đảng tại Voòng Chúc, Mào Lêng, rồi tiến sát Phòng Thành.
Quân Quốc dân Đảng phải rút khỏi các đồn bốt nhỏ, tập trung về các thị trấn Long Châu, Nà Lương, Phòng Thành, Đông Hưng.
Chiến dịch kết thúc vào tháng 10 năm 1949 khi cánh quân từ phía bắc của Quân Giải phóng Trung Quốc đánh chiếm Nam Ninh.
Đến đây, liên quân Trung - Việt đã chiếm được 10 trên 12 vị trí thuộc 3 huyện Long Châu, Khâm Châu, Phòng Thành, mở rộng vùng kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đánh chiếm hoàn toàn hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây.
Để ghi công tích và tưởng nhớ các chiến binh đã tử trận trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, tại thị trấn Đông Hưng (Trung Quốc) có một đài liệt sĩ trên khắc song song hai hàng chữ Việt – Hán: “Đài kỷ niệm liệt sĩ cách mạng nhân dân Việt – Trung”.
Hài cốt của các liệt sĩ Việt Nam và Trung Quốc được quy tập và chôn cất dưới chân đài.
Trong chiến dịch, tại Thủy Khẩu (thị trấn cửa khẩu thuộc huyện Long Châu, Trung Quốc, đối diện cửa khẩu Tà Lùng, Cao Bằng, Việt Nam, có một trận đánh kéo dài 2 ngày đêm của liên quân Trung-Việt chống lại 6 trung đoàn quân Quốc dân Đảng, trong số những người tử trận có 22 chiến sĩ Việt Nam.
Để tưởng nhớ liệt sỹ của hai nước, các hài cốt đã an táng tại Khiếu Lâm, La Hồi, và Hạ Đông được cải táng về Thủy Khẩu, lấy tên là "Nghĩa trang Liệt sỹ Trung - Việt tại Thủy Khẩu, Long Châu".
Thị xã Móng Cái thanh bình soi bóng bên dòng sông Ka Long trong xanh như một bức tranh thủy mặc mộng mơ thiên thần.
Tô điểm cho nét đẹp riêng có của Móng Cái là những cơ sở sản xuất gốm sứ, mà khi đó Móng Cái được coi là một trung tâm gốm sứ của đất nước với một nhà máy và nhiều lò thủ công.
Các loại hình gốm sứ có những đặc trưng riêng, ẩn chứa trong nó những thông điệp của quá khứ.
Sự kiện đau lòng năm 1979, Trung Quốc đánh Việt Nam, toàn bộ Thị xã Móng Cái tan hoang, những cơ sở gốm sứ cũng không còn nữa.
Đến nay đã mấy chục năm rồi, không thấy đâu những sản phẩm gốm sứ Móng Cái nữa.
Thật là đáng tiếc, có thể nó đã bị lãng quên trong dòng chảy của lịch sử gốm sứ Việt Nam và trong dòng chảy của lịch sử gốm sứ thế giới.
Ở vùng biên giới này, quan hệ hai nước Việt - Trung, từ sau giải phóng miền Bắc năm 1954 đến năm 1974 là thời kỳ tốt đẹp. Còn sau đấy, từ năm 1975 trở đi là thời kỳ căng thẳng.
Năm 1960, tôi là sinh viên Trường Đại học Thủy Lợi, Hoàng Thị Nụ là học sinh Trường Trung cấp Bưu điện bắt đầu quen nhau.
Năm 1962, Nụ tốt nghiệp và được điều động ra công tác ở Móng Cái, tỉnh Hải Ninh.
Mới 19 tuổi, khi đi nhận công tác ở tận nơi xa như thế nên mẹ đã đưa Nụ ra tận Móng Cái để nhận nhiệm vụ mới.
Buổi chia tay thật là lưu luyến. Hai bạn trẻ, trong ánh mắt của mình, họ đã trao cho nhau những điều thầm kín.
Tôi cứ nghĩ là, trong giây phút ấy, Nụ sẽ có một chút buồn và bịn rịn, nhưng đã không có điều ấy diễn ra mà thay vào đó là nụ cười của Nụ.
Thật ra trong lòng tôi không thích điều đó cho lắm nhưng lại thấy cảm phục về một người con gái.
Từ ngày ấy, địa danh Móng Cái, Bắc Luân đã dần đi vào ký ức lòng tôi.
Quãng đường từ Hà Nội tới Hải Ninh là một khoảng cách xa vời. Niềm vui khao khát của chúng tôi là nhận được những lá thư của nhau.
Tuần nào cũng nhận được thư mà không thấy chán. Sự ngỏ lời và nói với nhau những lời yêu thương đầu tiên cũng chính là qua những lá thư như thế.
Hoàn cảnh xa xôi càng làm cho tình yêu trở nên thơ mộng. Tôi đã viết mấy vần thơ:
Ka Long xanh
Tuổi đôi mươi và những ngày xa cách.
Trở lại Ka Long trong mát lành
Bức tranh thuỷ mặc ánh long lanh
Bên đường sương sớm vương cành lá
Biên ải điệp trùng non biếc xanh
Nơi ấy một thời em đã sống
Thanh xuân phơi phới tấm lòng thành
Xa nhau vời vợi tràn mơ ước
Dòng suối trong mát lành
Thành phố Móng Cái, năm 1994.