Đã từ lâu, ngành Giáo dục luôn là mối quan tâm của mỗi gia đình và toàn xã hội.
Bất kể trong thời kỳ nào, người thầy giáo cũng được kính trọng, luôn được tôn quý, vị nể. Comenxki- một nhà văn Nga đã có câu nói nổi tiếng rằng: “Dưới ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”.
Trong những ngày đầu xuân, với vai trò là một giáo viên trong nhiều năm, tôi xin gửi đến các cấp lãnh đạo và đặc biệt là Tư lệnh ngành những mong ước của giáo viên để góp phần làm cho ngành giáo dục sẽ ngày càng giữ mãi ánh hào quang.
Xóa bỏ lạm thu
Cứ mỗi đầu năm học, sau khi họp phụ huynh đầu năm, giáo viên trở thành chủ nợ bất đắc dĩ để yêu cầu học sinh đóng các khoản phụ phí.
Vào đầu giờ học, thay cho nụ cười, một lời hỏi thăm đối với các em để bắt đầu một ngày học mới thì chúng tôi lại ca bài hát đóng tiền để học sinh về nhà nhắc bố mẹ đóng đầy đủ các khoản phụ phí theo yêu cầu.
Giáo viên đề nghị cách chức ngay Hiệu trưởng nếu để xảy ra lạm thu |
Mong ước về tình trạng lạm thu học đường sẽ được xóa sạch trong thời gian tới.
Một đứa trẻ đến trường phải cõng quá nhiều phụ phí từ Ban đại diện cha mẹ học sinh đến các hoạt động của Đội Thiếu niên tiền phong, dưới danh nghĩa “tự nguyện”, “vận động”, “thỏa thuận”, “hỗ trợ”…
Tuy có rất nhiều công văn, chỉ thị chống lạm thu của người đứng đầu ngành nhưng tình trạng “trên bảo dưới không nghe” vẫn diễn ra, những con số lạm thu vẫn gây bức xúc dư luận.
Hãy xử nghiêm những thủ trưởng đơn vị “bật đèn xanh” để Ban đại diện cha mẹ học sinh và giáo viên làm trái quy định và quán triệt sâu sắc hơn nữa chủ trương đúng đắn của toàn ngành về xã hội hóa giáo dục.
Tin học hóa các loại hồ sơ của giáo viên
Nói đến hồ sơ sổ sách ở trường học, chúng tôi luôn cảm thấy mệt mỏi và đầy ngán ngẩm. Với hàng loạt loại sổ sách, hồ sơ đang tồn tại trong trường học, giáo viên phải dành rất nhiều thời gian để hoàn thành, kể cả làm để đối phó.
Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn - giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. |
Nhiều khi sau giờ đứng lớp, chúng tôi lại lao vào sổ sách, giấy bút, in ấn,... tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc nhưng vẫn không hết việc, ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề đầu tư cho chuyên môn và cuộc sống.
Ngày 18/1/2019, Bộ trưởng đã kí Chỉ thị số138/CT-BGDĐT Về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường, trong đó yêu cầu “từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành” đã tạo nên một “làn gió mát” và niềm phấn khởi cho giáo viên trong thời gian sắp tới.
Ánh nhìn thấu cảm
Nghề giáo là một nghề đặc biệt, được xã hội phân công làm trọng trách này nên nhà giáo luôn phải sống mẫu mực, mô phạm, không chỉ cố tránh làm sai pháp luật mà còn tránh làm những việc dù rất bình thường với người khác nhưng khó coi đối với nhà giáo, gây ra điều tiếng cho danh dự nhà giáo và cho ngành.
Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập, đời sống về vật chất cũng như tinh thần đều được cải thiện và nâng lên một bước đáng kể. Kéo theo nó là sự thay đổi về nhận thức, cách nhìn nhận của cả những người trong nghề giáo lẫn người ngoài ngành về nghề này.
Đối với xã hội: Chất lượng, kết quả học tập của học sinh không tốt: Tại thầy; Đạo đức học sinh xuống cấp, băng hoại: Tại thầy…
Nghe tin cô giáo phạt học sinh bằng roi, người ta dễ dàng quy chụp rằng đó là xúc phạm danh dự, xâm phạm thân thể người học. Đọc những lời “tố” giáo viên trên mạng, người ta lập tức nhảy vào “ném đá” dữ dội dù chẳng biết thực hư thế nào?
Mong rằng áp lực của người thầy sẽ dần được cởi trói bằng những thấu cảm thật sự từ ngành giáo dục, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội.
Mọi người cần có cái nhìn “thấu hiểu” đối với nghề dạy học để nghề giáo thực sự được coi trọng và đúng nghĩa với 4 chữ “Lương sư hưng quốc”.
Đột phá về lương – thưởng
“Bao giờ nhà giáo sống được bằng lương?”; “Thưởng tết của giáo viên được bao nhiêu?”; “Giáo viên bao giờ có lương tháng thứ 13?” vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Tôi không kỳ vọng theo đuổi những điều vĩ mô, to tát, tôi chỉ hy vọng chúng tôi không phải loay hoay với những mưu sinh và giáo viên sống được bằng chính đồng lương của mình
Khi đó, giáo viên không còn phải làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống, thì họ sẽ toàn tâm toàn ý chăm lo chuyên môn, hết lòng với học sinh vì không còn vướng bận chuyện “cơm, áo, gạo, tiền”.
Khi đó, mỗi khi tết đến xuân về, giáo viên không còn phải “nuốt nước mắt vào trong” mà sẽ có cái tết sung túc, đủ đầy, tự tin khi được thăm hỏi về lương – thưởng.
Khi đó, phụ huynh, học sinh nhìn thầy cô một cách ngưỡng mộ không chỉ bởi kiến thức uyên thâm mà còn vì đời sống thanh cao, cả về tinh thần lẫn vật chất. Khi đó, sư phạm là một ngành “hot”, điểm đầu vào ngành sư phạm cao chót vót và chỉ những học sinh giỏi, xuất sắc mới dám đăng ký thi vào sư phạm…
Bởi vậy, những chính sách cải thiện đời sống của giáo viên cần được chú trọng. Bao giờ người thầy an tâm với cuộc sống, với nghề thì mới hy vọng khơi lên ngọn lửa nhiệt huyết cống hiến trong mỗi nhà giáo
Tôi ước ao giáo viên chúng tôi được yên tâm làm giáo dục cũng như khẳng định vai trò, vị thế của người thầy qua công việc chuyên môn, trở thành một nhà giáo dục thực sự và được xã hội tôn trọng.