Tại hội thảo khoa học góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), diễn ra ở Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16/1, các đại biểu tham dự đã đề cập đến vấn đề: Nên hay không giữ lại Ban đại diện cha mẹ học sinh ở các trường công lập như hiện nay.
Từ thực tế hiểu biết của mình, tôi biết rằng, mỗi lớp học ở các trường học công lập đều có một ban đại diện cho cha mẹ học sinh của lớp đó, thường là từ 3 đến 5 thành viên.
Các trường đều có Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, với thành viên là trưởng hay phó ban đại diện cha mẹ học sinh của từng lớp góp mặt.
Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường được tổ chức theo từng năm học, để cùng phối hợp với nhà trường trong các hoạt động giáo dục cho học sinh.
Một buổi họp phụ huynh học sinh (ảnh minh họa: Báo GDTĐ) |
Cụ thể, theo thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban đại diện cha mẹ học sinh của trường có nhiệm vụ cùng phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường để tổ chức các hoạt động giáo dục, phản ánh ý kiến của cha mẹ học sinh về chất lượng giáo dục, chất lượng dạy học, giáo dục đạo đức cho học sinh.
Những đề đạt, nguyện vọng của phụ huynh sẽ được ban đại diện chuyển đến giáo viên, lãnh đạo nhà trường. Những quy định, chính sách của nhà trường cũng sẽ được thông tin đến phụ huynh qua ban đại diện này.
Ban Phụ huynh lớp 9/2 trường Võ Trường Toản dự kiến góp tiền mừng tết giáo viên |
Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh có được, là do sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh trong trường, hoặc từ những nguồn tài trợ hợp pháp khác cho trường, cho lớp.
Nhiều năm qua, một vài tỉnh, thành phố cũng đã có những quy định riêng và những khoản được thu, cấm thu, nhưng nhiều trường học vẫn bất chấp các quy định này, tiến hành thu thêm hàng chục khoản thu khác nhau, dưới danh nghĩa là thu thỏa thuận, tự nguyện của cha mẹ học sinh.
Mới đây nhất, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đề cập đến việc phụ huynh của lớp 9/2 tại Trường trung học cơ sở Võ Trường Toản, quận 1 quyên góp tiền mừng tết giáo viên, và việc thu quỹ lớp đến 1 triệu đồng cũng ở khối 9 tại Trường trung học cơ sở Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh đã gây nên sự bức xúc cho người đọc.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, theo biên chế thời gian năm học, hiện đã bước sang học kỳ 2, và chỉ còn vài tháng nữa thì năm học cũng kết thúc, nhưng các khoản thu tiền như vậy vẫn còn tồn tại trong các buổi họp của phụ huynh ở các lớp.
Ai cũng biết, mỗi năm thường họp phụ huynh học sinh ba lần. Trước khi bước vào họp cùng với từng phụ huynh ở các lớp, ban đại diện cha mẹ học sinh cần phải họp chung với lãnh đạo nhà trường trước, tiếp nhận chủ trương đóng góp, các khoản kinh phí cần được hỗ trợ cho nhà trường, rồi sau đó mới về từng lớp để triển khai, phổ biến cho từng phụ huynh.
Tới ngày họp, ban đại diện sẽ đứng lên kêu gọi việc đóng tiền này, tiền kia cho trường, cho lớp. Thông thường, các phụ huynh sẽ không dám có ý kiến phản bác, do e ngại, sợ ảnh hưởng đến việc học tập của con mình tại lớp, nhất là khi phần đông phụ huynh chọn giải pháp im lặng, chủ yếu cũng vì tính sĩ diện.
Cuối học kỳ 1, phụ huynh Trường Lê Văn Tám vẫn phải đóng quỹ bạc triệu |
Và cứ như thế, cứ năm này qua năm khác, các khoản thu tự nguyện dần dần sẽ trở thành mặc nhiên cần phải đóng.
Với một quy trình như vậy, nếu các thành viên trong Ban Giám hiệu, và nhất là Hiệu trưởng không “bật đèn xanh” cho ban đại diện cha mẹ học sinh thu những khoản tiền trái với quy định, thì liệu ban đại diện này cùng với giáo viên chủ nhiệm có dám đứng ra kêu gọi phụ huynh đóng góp hay không?
Thế nhưng, khi lên báo chí, phần lớn các thành viên trong Ban Giám hiệu của trường lại nói rằng, đây là các khoản thu theo đề xuất của cha mẹ học sinh, nhà trường hoàn toàn không có chủ trương thu các loại quỹ không đúng với quy định.
Việc trả lời như vậy, theo tôi là hoàn toàn chưa chính xác, phủi sạch trách nhiệm trong công tác quản lý nhà trường của những người lãnh đạo. Nhìn dưới góc độ quản lý, toàn bộ các hoạt động trong nhà trường, kể cả hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh đều phải thông qua Ban Giám hiệu, nhất là Hiệu trưởng.
Để xảy ra tình trạng lạm thu, theo tôi, lỗi trước tiên là phải thuộc về Hiệu trưởng, sau là Ban Giám hiệu và Giáo viên chủ nhiệm. Nếu tất cả chúng ta thực hiện tốt các văn bản quy định về các khoản thu được phép, kiên quyết không để cho ban đại diện cha mẹ học sinh thu tiền, thì lạm thu chắc chắn sẽ không xảy ra.
Như vậy, muốn trị tận gốc căn bệnh lạm thu ở trong nhà trường, trước hết cần phải chấn chỉnh Hiệu trưởng, các thành viên trong Ban Giám hiệu, Giáo viên chủ nhiệm. Nếu ai đó cho rằng trách nhiệm này thuộc về ban đại diện cha mẹ học sinh là hoàn toàn sai lầm.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin mạo muội có một đề nghị rằng, muốn chấn chỉnh, không để lạm thu xảy ra trong nhà trường, chỉ cần cách chức ngay Hiệu trưởng để làm gương.