LTS: Nhân dịp xuân Kỷ Hợi, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Nguyễn Trãi chia sẻ với độc giả Báo điện tử Giáo dục Việt Nam 5 vấn đề cần phải thực hiện để nền giáo dục nước nhà hùng cường, thịnh vượng.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận tiếp tục đề nghị đẩy nhanh cơ cấu hệ thống các trường đại học, đi vào đào tạo thực chất và chống lãng phí. ảnh: NQ. |
Thứ nhất (giải pháp sáng tạo): Tách Bộ Giáo dục và Đào tạo thành Bộ Giáo dục. Mảng Đào tạo hiện nay nên đưa về sáp nhập với Bộ Khoa học và Công nghệ để tạo thành Bộ Đào tạo - Khoa học và Công nghệ.
Trong đó, Bộ Giáo dục quản lý hệ đào tạo từ mầm non đến trung học phổ thông. Bộ Đào tạo - Khoa học và Công nghệ quản lý các trường cao đẳng, đại học và khoa học công nghệ.
Về việc sách giáo khoa của khối phổ thông, cần phải có lộ trình để bỏ dần sách và tài liệu cứng, để chuyển dần sang sử dụng thư viện điện tử, sách giáo khoa điện tử và bài giảng điện tử phục vụ cho việc dạy và học.
Thứ hai: Cần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, thống nhất về quản lý nhà nước. Quyền quản lý giáo dục đại học chỉ thuộc về Bộ Đào tạo - Khoa học và Công nghệ. Các trường phải được tự chủ hoàn toàn, không còn thuộc bộ ngành, địa phương và các tổ chức thuộc khu vực nhà nước nữa.
Thứ ba: Chính phủ sớm có những chỉ đạo cụ thể để trong khoảng 5 năm tới chuyển các đại học công lập ra khối các đại học ngoài công lập, chỉ giữ lại khoảng 40 tới 45 trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho hệ thống chính trị.
Đó là đào tạo các công nhân viên chức nhà nước, cán bộ nghiên cứu khoa học, an ninh quốc phòng và một số ngành đặc thù mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội như: nông, lâm, ngư nghiệp, khai thác, công nghệ cao...
Như vậy, với dân số Việt Nam hiện nay khoảng gần 100 triệu người, mỗi năm các trường đại học công lập đào tạo mới từ 100 nghìn đến 150 nghìn sinh viên có kết quả học tập xuất sắc.
Sinh viên được miễn 100% học phí, và 50 trường Cao đẳng, Đại học cộng đồng đào tạo cho khoảng 200.000 sinh viên khó khăn về tài chính. Số sinh viên còn lại học tập tại các trường ngoài công lập.
Thầy Trần Xuân Nhĩ: Tôi mong giáo dục 2019 sẽ tốt đẹp |
Thứ tư: Từ năm 2025 trở đi, số lượng đại học ngoài công lập và cao đẳng, đại học cộng đồng chiếm tỷ lệ 85%, các đại học công lập chiếm tỷ lệ 15%, như vậy sẽ không còn nguy cơ sa mạc hóa các đại học ngoài công lập.
Nhiệm vụ chính trị của các đại học ngoài công lập là đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ.
Sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế.
Các đại học công như: Đại học Kinh Tế Quốc Dân, Đại học Thương Mại, Đại học Giao thông Vận tải, Các học viện Ngân hàng, Tài chính… tuyệt đối không đào tạo các ngành khác. Định hướng đào tạo tập trung sẽ giúp nâng cao chất lượng
Thứ năm: Để đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp và 100% người học có việc làm, thu nhập cao đồng thời nhận được phụ cấp của doanh nghiệp trong thời gian học và giảm quản lý bất cập hiện nay của chính phủ về lĩnh vực đào tạo nghề.
Vì vậy, việc tổ chức đào tạo ở bậc dạy nghề trình độ sơ cấp, trung cấp không phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước mà các công ty, các nhà máy, các tập đoàn và cấp quận, huyện được tự do mở trường và có trách nhiệm nộp hồ sơ đăng ký, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận bày tỏ: "Tôi hy vọng những ý kiến của cá nhân trên đây sẽ góp một phần nhỏ cho nền giáo dục quốc dân vì sự bền vững và thịnh vượng. Mọi quốc gia trên thế giới muốn phát triển được và hùng cường thì đều phải lấy nền tảng giáo dục làm căn bản, phải thực sự đầu tư cho giáo dục và đầu tư đúng hướng.
Nếu chúng ta làm tốt thì trong vòng 20 năm tới sẽ tạo nên những thế hệ công dân toàn cầu, đó sẽ là nền tảng tuyệt vời để phát triển đất nước, nhưng nếu bây giờ không có những giải pháp tốt thì tôi e rằng hậu quả sẽ nặng nề hơn bây giờ gấp nhiều lần".