Thầy Trần Xuân Nhĩ: Tôi mong giáo dục 2019 sẽ tốt đẹp

09/02/2019 06:00
Thùy Linh
(GDVN) - Việc tổ chức viết sách giáo khoa làm sao được trung thực, khách quan, ngăn ngừa lợi ích nhóm để có được những bộ sách phù hợp đào tạo học sinh.

Có thể nói năm 2018, ngành giáo dục Việt Nam đã có nhiều sự kiện đáng vui mừng nhưng cũng có nhiều sự cố đáng tiếc. 

Xã hội không khỏi lo lắng khi mà tiêu cực trong thi cử, đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường giữa trò với trò, giữa trò với thầy cô không còn chỉ là một vài hiện tượng cá biệt xảy ra ở một vài nơi mà đã trở nên phổ biến có thể xảy ra ở bất kỳ tỉnh thành nào, ở bất kỳ bậc học nào trên cả nước. 
 
Thông qua báo chí và dư luận nhiều tiêu cực trong giáo dục được phanh phui, mổ xẻ.

Một số người cho rằng nền giáo dục chúng ta đang đi sai đường lạc hướng còn những người lạc quan hơn thì cho đó chỉ là một vài nét tiêu cực trong bức tranh xán lạn của nền giáo dục nước nhà. 

Khi Xuân Kỷ Hợi 2019 sắp tới, người người nhà nhà đều háo hức chờ đón năm mới trong tâm trạng hứng khởi thì những chuyện không vui trong năm qua ai cũng muốn gác lại để chào đón năm mới vui vẻ, hạnh phúc. 

Là một cán bộ trong ngành giáo dục, ngoài những hi vọng cho gia đình và mọi người xung quanh thì Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có nhiều kỳ vọng vào ngành giáo dục trong năm mới.

Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, việc tổ chức viết sách giáo khoa làm sao được trung thực, khách quan, ngăn ngừa lợi ích nhóm để có được những bộ sách phù hợp đào tạo học sinh. (Ảnh: Thùy Linh)
Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, việc tổ chức viết sách giáo khoa làm sao được trung thực, khách quan, ngăn ngừa lợi ích nhóm để có được những bộ sách phù hợp đào tạo học sinh. (Ảnh: Thùy Linh)

Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nhĩ nói: “Tôi mong ngành giáo dục trong năm 2019 sẽ đạt được nhiều thành tích tốt đẹp bởi lẽ giáo dục có vai trò vô cùng quan trọng, muốn xã hội phát triển thì đào tạo con người phải tốt”. 

Thừa nhận trong năm qua có nhiều tiêu cực xảy ra từ gian lận thi cử, bạo lực học đường xảy ra ở nhiều nơi với nhiều hành động thô bạo, thi giáo viên giỏi… “Tôi hi vọng, năm mới Bộ sẽ có giải pháp để ngành giáo dục khắc phục được những vấn đề đó, tăng cường kỷ cương, nghiêm trị đối với cá nhân nào mắc phải”, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh. 

Được biết, năm 2019 là năm bản lề để chuẩn bị cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới do đó thầy Nhĩ cho rằng, giờ đã có chương trình tổng thể, chương trình môn học do đó điều quan trọng lúc này là việc tổ chức viết sách giáo khoa làm sao được trung thực, khách quan, ngăn ngừa lợi ích nhóm để chúng ta có được những bộ sách phù hợp với đào tạo học sinh. 

Mỗi nơi chọn một bộ sách riêng, thi cử sẽ như thế nào?

Trước đó, khi trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh chuyên ngành giáo dục, thành viên Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế NAFSA, Đại học Newcastle, Australia cho rằng:

“Theo cá nhân tôi, dù đánh giá thế nào đi nữa khi nhìn về tổng thể ngành giáo dục năm 2018 thì đó lại là tín hiệu tốt lành cho những chuyến biến tích cực của nền giáo dục nước nhà”. 

Vị này phân tích, phải khẳng định rằng từ khi Đảng có chủ trương “đổi mới bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” từ nghị quyết số 29 –NQ/TW năm 2013, ngành giáo dục đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. 

“Trước đây, xây dựng nền giáo dục chỉ là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì nay nó đã trở thành mối quan tâm chung của mọi người, mọi nhà và cả xã hội.

Dù một vấn đề nhỏ xảy ra ở trường, ở lớp đều nhận được sự quan tâm đặc biệt từ xã hội. Vì vậy có thể nói giáo dục nước nhà đã thực sự xã hội hóa về thực chất.

Đây chính là tiền đề quan trọng để xây dựng và thúc đẩy hướng tới một nền giáo dục phát triển và tiến bộ”, chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền nhấn mạnh. 

Thùy Linh