Không có luật pháp nào cho phép doanh nghiệp cấm ôtô đi trên đường BOT

12/02/2019 07:00
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh:“Việc từ chối vĩnh viễn cung cấp dịch vụ hai chiếc xe biển số 51A - 55… và 51G - 77 là không phù hợp với bản chất sự việc”.

Tối 10/2, thay mặt Tổng công ty đầu tư phát triển đường Cao tốc Việt Nam (VEC), Công ty VEC E - đơn vị quản lý tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đã ra thông báo cho biết sẽ từ chối vĩnh viễn hai xe mang biển số 51A - 55… và 51G - 77… trên tất cả tuyến đường do Tổng công ty đầu tư phát triển đường Cao tốc Việt Nam quản lý, khai thác.

Lý do đơn vị quản lý tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đưa ra là vì hai phương tiện này đã có hành vi cố tình gây rối tại trạm thu phí trên đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh- Long Thành - Dầu Giây vào chiều tối 10/2.

Trước quyết định từ chối vĩnh viễn cung cấp dịch vụ hai chiếc xe này dư luận cảm thấy bất ngờ và khó hiểu.

Có ý kiến cho rằng, cần xử nghiêm lái xe chứ không thể xử lý xe. Thậm chí, có ý kiến tranh luận về hành vi từ chối vĩnh viễn cung cấp dịch vụ với phương tiện là trái luật.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (ảnh quochoi.vn).

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Chủ nhiệm Ban Dân nguyện trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, cần hết sức lưu ý ai là người gây ra hành vi vi phạm pháp luật (nếu có).

Theo lý giải của Phó Ban Dân nguyện thì ô tô chỉ là phương tiện chứ không phải là chủ thể gây ra vi phạm pháp luật.

Người lái xe điều khiển phương tiện mới là chủ thể vi phạm pháp luật (nếu có) chứ không thể quy chụp cho ô tô là chủ thể gây ra vi phạm pháp luật để mà xử lý.

Không có luật pháp nào cho phép doanh nghiệp cấm ôtô đi trên đường BOT ảnh 2Ông Ngô Trí Long: Gian lận thu phí cần phải xử phạt thật nặng

Ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: “Việc từ chối vĩnh viễn cung cấp dịch vụ hai chiếc xe như đơn vị quản lý tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây là không phù hợp với bản chất sự vật, hiện tượng.

Việc ra quyết định cấm ô tô là không chính xác mà phải cấm người điều khiển phương tiện, tước quyền điều khiển phương tiện đó đối với lái xe.

Thậm chí, theo quy định pháp luật có thể xử lý hình sự nếu gây rối trật tự công cộng. Còn bản thân ô tô chỉ là phương tiện nên không thể cấm vĩnh viễn ô tô”.

Cuối cùng ông Lưu Bình Nhưỡng khẳng định: “Xử lý cấm hai xe đi vào các đường do Tổng công ty đầu tư phát triển đường Cao tốc Việt Nam quản lý là không hợp lý.

Mọi quyết định phải phù hợp với lý luận và thực tiễn về bản chất vi phạm pháp luật”.

Trước đó, theo thông báo từ Công ty VEC E - đơn vị quản lý tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây vào lúc 18 giờ 20 phút ngày 10/2, xe biển số 51A - 55… di chuyển vào làn thu phí số 07, hướng từ Long Thành về Thành phố Hồ Chí Minh.

Khi đến cabin thu phí, mặc dù đã nhận được tín hiệu từ nhân viên thu phí, người điều khiển xe đã không trả Thẻ thu phí và trả tiền phí mà cố tình dừng tại làn thu phí, nhiều người già, phụ nữ và trẻ em đã xuống xe, cố tình gây rối tại làn thu phí, lôi kéo các phương tiện ở các làn khác, gây ách tách giao thông.

Các xe tiếp theo gồm các xe biển số 51C - 78… tại làn 10, xe mang biển số 51G - 77… tại làn 8 đã có hành vi tương tự.

Tiếp đó, người điều khiển xe mang biển số 51A - 55…, 51G - 77… và những người đi cùng đã không tuân thủ hiệu lệnh của nhân viên điều khiển giao thông, có hành động phá hoại tài sản, có hành vi đe dọa đánh đuổi nhân viên điều khiển giao thông, gây ùn tắc tại trạm, gây hoang mang cho nhân viên phục vụ tại trạm thu phí, làm mất trật tự an ninh tại khu vực.

Trinh Phúc