Vụ cướp trạm thu phí khiến dư luận hoài nghi về tính minh bạch tiền phí
Sáng 07/02, hai đối tượng bịt mặt, dùng súng và dao xông vào trạm thu phí Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (HLD) cướp hơn 2,2 tỷ đồng [1].
Đến ngày 08/02, Công an Đồng Nai truy bắt và tạm giữ Trần Tuấn Anh (quê Tiền Giang), Nguyễn Vũ Hoàng Nam (quê Nam Định) là nghi can thực hiện vụ cướp trên.
Tổng số tiền thu hồi được hơn 1,1 tỷ đồng.
Hiện trường vụ cướp ở trạm thu phí Long Thành - Dầu Giây. (Ảnh: Công an cung cấp) |
Dư luận đặt nghi vấn, theo báo cáo thì mỗi ngày nộp về ngân sách hơn 300 triệu đồng nhưng thời điểm xảy ra vụ việc, các đối tượng cướp được hơn 2,2 tỷ đồng.
Như vậy, trung bình mỗi ngày trạm HLD thu được của toàn tuyến phải trên 7 tỷ đồng?
Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam phải lên tiếng về số tiền trong vụ cướp có vũ khí xảy ra tại Trạm HLD [2].
Theo công ty này thì số tiền trong két sắt trước thời điểm bị cướp là hơn 3,3 tỷ đồng, bao gồm: tiền doanh thu của 2 ca ngày 04/02, 3 ca ngày 05/02 và 3 ca ngày 06/02 (8 tiếng/ca).
Tiền quỹ dự phòng tình huống khẩn cấp; tiền lẻ phục vụ 10 ngày tết (do ngân hàng không đổi tiền lẻ trong suốt dịp tết).
Sau khi bị cướp số tiền hơn 2,2 tỷ đồng, số tiền thực tế còn lại được kiểm đếm là hơn 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giải thích này vẫn chưa thể chấm dứt được sự hoài nghi của dư luận, do trước đó nhiều trạm BOT từng bị tai tiếng về việc xảy ra sai phạm thu chi tại các trạm mà việc khởi tố, bắt giam Út “trọc” là điển hình.
Trao đổi với Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả và thị trường (Bộ Tài chính) phân tích, theo nguyên tắc, việc thu phí ở các trạm BOT phải nộp lại cho ngân hàng/kho bạc.
Dư luận chưa hiểu thực hư vấn đề thu phí ở các trạm của tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Dầu Giây là bao nhiêu và chỉ đứng ở ngoài để nghe.
Vừa rồi, sự gian lận ở các trạm thu phí BOT là có và đã xảy ra. Một số trạm đã giấu doanh thu để thời gian thu hồi vốn kéo dài.
Cơ quan quan quản lý đã chuyển sang biện pháp thay thế con người bằng máy móc qua các trạm thu phí không dừng.
Phó Giáo sư Long cảnh báo, việc sử dụng trạm thu phí không dừng vẫn có kẽ hở bằng cách dùng phần mềm để gian lận phí.
Mọi vấn đề trong hoạt động phải minh bạch. Mặc dù đã ký hợp đồng trong các trạm BOT có thời gian thu hồi, thu phí bao nhiêu cũng rất rõ ràng.
Phó Giáo sư Ngô Trí Long đặt câu hỏi: Vì sao phải giấu những chuyện đó và phải xem xét bản chất vấn đề nó là gì?
Cần phải có biện pháp chế tài mạnh tay
Phó Giáo sư Ngô Trí Long cho rằng, doanh nghiệp giấu tiền thu phí vừa biển thủ được khoản thu lớn lại vừa trốn thuế. Như vậy, Nhà nước và nhân dân chịu thiệt, còn doanh nghiệp đầu tư dự án đó hưởng lợi.
Tuy nhiên, chắc chắn doanh nghiệp không thể nào làm bừa, trốn được những khoản thu nhiều tỷ đồng nếu như không có sự dễ dãi của cơ quan quản lý, nói chính xác hơn là một số cán bộ có quyền hành đối với lĩnh vực này.
Phó Giáo sư Ngô Trí Long. (Ảnh: NQ) |
Phó Giáo sư Ngô Trí Long đưa ra giải pháp, công trình cầu đường sau khi đã lập trạm thu phí BOT và xã hội hóa thì nguồn thu phải được minh bạch.
Minh bạch ở đây là đóng góp cho xã hội, đóng thuế như thế nào cho hợp lý. Có thể dự toán là 20 năm, mỗi năm thu bao nhiêu nhưng thực tế, có những trạm thu gấp nhiều lần và đã giấu số thu này đi để giảm được khoản đóng thuế.
Phó Giáo sư Long đưa ra quan điểm, có thể đơn vị quản lý BOT trốn, giấu doanh thuê vì mục đích trốn thuế là chủ yếu.
Đây là cớ để sau này vin vào đây để tiếp tục thực thi việc kéo dài thời gian thu phí ở trạm BOT.
Phó Giáo sư Ngô Trí Long đánh giá, hoạt động trong nền kinh tế thị trường thì yêu cầu số một là mọi vấn đề đều phải minh bạch.
Hiến kế ngăn chặn tham nhũng BOT giao thông |
Phó Giáo sư Long đặt câu hỏi, minh bạch là gì? Và trả lời: “Là công khai một phần thôi”.
Công khai và minh bạch là hoàn toàn khác nhau. Có thể doanh thu là 10 phần nhưng công khai 3 phần thì vẫn là công khai nhưng chưa minh bạch, chưa đúng vấn đề.
Do đó, hai vấn đề công khai và minh bạch là hoàn toàn khác nhau. Nhiều người cứ nhầm lẫn công khai là minh bạch nhưng thật chất không phải.
Minh bạch là phản ảnh rõ ràng, đầy đủ và đúng bản chất sự việc của vấn đề.
Hiện nay, trong hoạt động kinh tế thì dự án BOT là: “Đầu tư – kinh doanh – chuyển giao”. Việc thu phí không dừng vẫn có “kẻ hở” là thay đổi phần mềm để trốn thuế.
Nên chỉ có một biện pháp duy nhất là chế tài thật nghiêm. Nếu gian lận, không minh bạch thì chỉ mới có thể ngăn ngừa được.
Mà thậm chí đến mức độ phải xử lý hình sự hóa vấn đề kinh tế đối với các trạm BOT, xử lý nghiêm.
Phó Giáo sư Ngô Trí Long đưa ra giải pháp, ở các nước, đối với việc vi phạm gian lận ở trạm BOT thường bị phạt rất nặng và gấp nhiều lần so với các loại sai phạm kinh tế khác.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://congan.dongnai.gov.vn/Pages/noi-dung-antt.aspx?NewsId=3636&TopicID=1
[2] http://www.sggp.org.vn/vec-e-len-tieng-ve-so-tien-22-ty-dong-bi-cuop-tai-tram-thu-phi-dau-giay-574798.html