Tiếp theo bài 5, Những cây gậy nào thường được dùng để đe nẹt cắt chỉ tiêu tuyển sinh trường tư?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội có 112 trường trung học phổ thông công lập, 8 trường trung học phổ thông công lập tự chủ tài chính, 100 trường trung học phổ thông tư thục;
Khối trung học cơ sở có 594 trường công lập, 1 trường công lập tự chủ tài chính, 22 trường trung học cơ sở tư thục (chưa kể các trường liên cấp);
Cấp tiểu học Hà Nội có 685 trường công lập, 3 trường công lập tự chủ tài chính, 40 trường tư thục.
Xét theo tỉ lệ, khối trung học phổ thông Hà Nội có 54,5% trường công lập và 45,5% trường tư thục; khối trung học cơ sở có 96,4% công lập và 3,6% tư thục; khối tiểu học có 94,5% công lập và 5,5% tư thục.
Sĩ số quá đông lấy đâu ra chất lượng, nếu mỗi thầy cô không phải là một "lò dạy thêm"? Ảnh minh họa: fr.dangcongsan.vn. |
Thực tiễn quá tải sĩ số trường công lập nội thành Hà Nội đã tồn tại nhiều năm nay, tại sao thủ đô không phát triển giáo dục tư thục để giảm áp lực cho trường công, ngân sách và biên chế?
Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết Hà Nội có quy định bất thành văn không cho trường tư mở quá 2 cơ sở.
Thậm chí có ý kiến phản ánh rằng, những trường tư thục có 2 cơ sở đều là do "lịch sử để lại", chứ các trường tư thục mới không được phép thành lập cơ sở thứ 2.
Nếu muốn, các nhà đầu tư giáo dục phải thành lập một trường mới với bộ máy quản lý điều hành hoàn toàn mới để phòng, sở dễ quản lý. Tại sao lại có tình trạng nghịch lý này?
Đi tìm câu trả lời từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội
Mùa tuyển sinh năm trước, ngày 5/6/2018, chúng tôi có cuộc trao đổi với thầy Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về tình trạng sĩ số quá tải tại các trường phổ thông công lập nội đô, quan điểm và giải pháp của Sở.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết tại sao 60% học sinh Hà Nội vào trường công lập, việc này có quy định bằng văn bản đàng hoàng. Thầy Chử Xuân Dũng đọc cho chúng tôi một số văn bản đề về tra cứu, tìm hiểu:
Bỏ cơ chế chỉ tiêu tuyển sinh trường tư, quá tải trường công mới có lối thoát |
Chỉ thị số 10-CT/TƯ ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị, trong đó ghi rõ phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chuyển sang học nghề;
Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 8/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, nêu một câu rất rõ: tỉ lệ ngoài công lập trung học phổ thông trên 40%.
Quyết định số 20/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 24/6/2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ghi: phấn đấu tỉ lệ học sinh tiểu học ngoài công lập là 1%, tỉ lệ trung học cơ sở ngoài công lập là 5%, tỉ lệ trung học phổ thông ngoài công lập là 40%.
Thông tư 47/2012/TT-BGDĐT ngày 7/12/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nghị quyết 06/2009/NQ-HĐND ngày 17/7/2009 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (thầy Chử Xuân Dũng lưu ý, thành phố phải làm theo Bộ và Trung ương thôi).
Đặc biệt là Nghị quyết TW6 khóa XII vừa rồi, giao tự chủ cho nhà trường, chuyển các nhà trường công lập ra ngoài công lập.
Sở đang làm vấn đề này, phấn đấu đến 2030, đưa 30% trường công lập ra ngoài công lập hoặc tự chủ về tài chính.
Đưa như thế nào cần lộ trình, Bộ chưa có hướng dẫn. Đang là trường công, bán như thế nào, cổ phần như thế nào, đấu giá như thế nào để thực hiện?
Tiến sĩ Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ảnh: Báo Hà Nội Mới. |
Nếu nói về nguyên tắc, Hà Nội làm tốt việc này (phân luồng).
Năm học 2018-2019 Hà Nội giao 63% vào trường công lập, làm rất đúng định hướng phân luồng, lớp 1 chỉ 1% vào ngoài công lập, trung học cơ sở 5% nhưng trung học phổ thông 40%.
Quy mô giáo dục ở Hà Nội rất ổn định và có chiều sâu, người dân Hà Nội cũng rất muốn có sự ổn định, có trường mới thành lập để giảm áp lực sĩ số nhưng cha mẹ học sinh không muốn con chuyển trường.
Áp dụng máy móc hay hiểu sai tinh thần chỉ đạo của Trung ương?
Tìm đọc các văn bản mà thầy Chử Xuân Dũng cung cấp, chúng tôi nhận thấy việc thực hiện mục tiêu xã hội hóa giáo dục của Hà Nội mang tính dập khuôn, máy móc và đi ngược tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
Tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TƯ ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị không chỉ có phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, mà còn một điểm cốt lõi khác. Đó chính là quan điểm chỉ đạo của Trung ương:
Phổ cập giáo dục là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công một trong ba khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.
Việc Hà Nội phát triển các dịch vụ giáo dục có thu phí trong hệ thống trường công lập (song bằng, chất lượng cao...) trong khi chưa lo đủ chỗ học cho con em nhân dân, để sĩ số nhiều trường trên 60 học sinh / lớp, thậm chí có trường sĩ số lên tới 68, 69 học sinh / lớp, liệu đã làm đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương?
Lấy quy hoạch để áp chỉ tiêu tuyển sinh, rất nhiều trẻ em Thủ đô sẽ thất học |
Trong khi phát triển hệ thống giáo dục tư thục là giải pháp chính sách hiệu quả, không tốn ngân sách để giảm áp lực sĩ số trường công, thì Hà Nội tỏ ra rất chậm chạp và chưa có đột phá.
Hai là Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 8/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục không chỉ có con số cứng nhắc: 40% học sinh trung học phổ thông vào trường tư thục như thầy Chử Xuân Dũng chỉ ra.
Định hướng xã hội hóa giáo dục theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP được chỉ ra rất rõ:
"Nhà nước tiếp tục tăng tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục - đào tạo. Bảo đảm kinh phí cho giáo dục phổ cập; tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia; đào tạo nhân lực cho các ngành, nghề mũi nhọn, trọng điểm, khó huy động nguồn lực từ xã hội; ưu tiên đầu tư cho những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người."
"Khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề ngoài công lập; chuyển một số cơ sở công lập sang loại hình ngoài công lập. Hạn chế mở thêm các cơ sở công lập ở những vùng kinh tế phát triển. Không duy trì các cơ sở bán công, các lớp bán công trong trường công."
Nếu xét theo định hướng nói trên, thì cách làm của Hà Nội đang đi ngược lại tinh thần chỉ đạo của Chính phủ với luật bất thành văn, hạn chế các trường tư thục mở thêm cơ sở mới cũng như các rào cản khác về tuyển sinh mà chúng tôi phân tích trong loạt bài này.
Đó là chưa kể mô hình trường phổ thông công lập tự chủ tài chính Hà Nội đang duy trì có phải biến tướng của mô hình bán công mà Luật Giáo dục và Nghị quyết nói trên đã loại bỏ?
Ba là Quyết định số 20/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 24/6/2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2005-2010”.
Ảnh chụp màn hình. |
Đến thời điểm 2018, mục tiêu đề án này không những đã lạc hậu so với thực tiễn, mà ngay cả tinh thần của Quyết định này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng không nắm chắc, chỉ bám vào con số.
Quyết định số 20/2005/QĐ-BGD&ĐT nêu rõ quan điểm và định hướng chung:
"Có lộ trình thích hợp chuyển các cơ sở giáo dục bán công sang loại hình ngoài công lập. Tiến tới không duy trì các cơ sở giáo dục bán công.
Tiến hành chuyển một số cơ sở giáo dục công lập sang loại hình ngoài công lập để tập thể hoặc cá nhân quản lý và hoàn trả vốn cho Nhà nước."
Thông tư số 47/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 7/12/2012 ban hành quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung học phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia.
Văn bản này không liên quan trực tiếp đến vấn đề quá tải sĩ số trường công lập tại Hà Nội cũng như thực trạng xã hội hóa giáo dục tại thủ đô vẫn còn ì ạch.
Nghị quyết số 06/2009/NQ-HĐND ngày 17/7/2009 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đào tạo và y tế giai đoạn 2009-2015.
Tiêu đề nghị quyết nhấn mạnh "đẩy mạnh xã hội hóa", thì chỉ tiêu "tỷ lệ học sinh ngoài công lập: Tiểu học 3%, Trung học cơ sở 5%, Trung học phổ thông 40% (riêng ở khu vực điều kiện khó khăn 30%)" là để phấn đấu chứ đâu phải giới hạn tỉ lệ học sinh ngoài công lập chỉ được phép đạt đến tỉ lệ này như cách hiểu, cách làm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội?
Cơ chế xin-cho chỉ tiêu tuyển sinh đẻ ra tiêu cực như thế nào? |
Văn bản cuối cùng mà thầy Chử Xuân Dũng nhắc đến với lưu ý đặc biệt là Nghị quyết hội nghị lần thứ Sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25/10/2017).
Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, Nghị quyết số 19-NQ/TƯ nói trên chỉ rõ:
"Tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao."
Như vậy có thể thấy, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục là chủ trương xuyên suốt của Đảng (đã được nêu ra từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII), đến Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 thì Trung ương đã chỉ rất rõ giải pháp cụ thể.
Nhưng cách hiểu, cách vận dụng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ về xã hội hóa giáo dục của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dường như còn rất máy móc, kém hiệu quả và né tránh nhiều bất cập mà thực tiễn đặt ra.
Chúng tôi thiết nghĩ, bãi bỏ cơ chế xin cho chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp đối với các trường phổ thông tư thục hiện nay là một giải pháp chính sách hiệu quả, không tốn kém ngân sách để thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Chính phủ về xã hội hóa giáo dục.
Vấn đề còn lại là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có thực hiện hay không, bao giờ mới thực hiện mà thôi. Một mùa tuyển sinh đầu cấp mới đang bắt đầu, hy vọng Hà Nội sớm có những giải pháp đột phá tháo gỡ các vấn đề nổi cộm nảy sinh từ thực tiễn và Trung ương, Chính phủ đã chỉ ra từ lâu.
Bãi bỏ cơ chế xin cho chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp là việc có thể làm ngay để giải phóng sức dân, thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư vào giáo dục.