Sinh thời, cố Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo - có nói: “Dân Việt mình đã có giai đoạn mồ côi tâm linh”. Bây giờ, nhiều người dân quay trở lại với đức tin nhưng lại thiếu niềm tin.
Một thời gian dài, do bị cấm đoán nên nghi lễ hầu đồng chỉ thực sự được những người có căn đồng tiến hành vụng trộm. Ngày nay, nghi lễ này đang có xu hướng tràn lan, được thực hiện ở nhiều địa chỉ tín ngưỡng khác nhau.
Có nhiều gia đình và cá nhân cũng đứng ra lập điện thờ ngay trong nhà của mình để hoạt động tín ngưỡng hầu đồng. Ảnh: Tùng Dương. |
Chia sẻ vấn đề này với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Mai Thanh Sơn - Nghiên cứu viên chính - Viện khoa học xã hội vùng Trung bộ - Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.
“Sau năm 1986, nhà nước cho phép tái thực hành các văn hóa tâm linh và coi đó như những di sản văn hóa phi vật thể truyền thống. Trong bối cảnh đó, tín ngưỡng hầu đồng được hoạt động trở lại và có sức hút mạnh mẽ, với sự tham gia của nhiều thành phần xã hội thuộc những lớp tuổi khác nhau.
Từ chỗ bị cấm đoán, phải thực hành lén lút, lúc này hầu đồng lại chuyển sang một thái cực khác và có thể nói là đang bị lạm dụng. Một số người coi đó là hoạt động "có thể sinh lời", núp bóng di sản văn hóa. Họ lợi dụng niềm tin của cộng đồng để phán bừa, tạo hiện tượng “giả căn”, nhằm lôi kéo những người ít hiểu biết tham gia.
Hiện tượng này bùng phát diễn ra ở khắp mọi nơi với tất cả các dòng đồng (tam phủ, tứ phủ, đồng Trần). Nó diễn ra không chỉ trong các phủ, các đền, mà cả ở khuôn viên các ngôi đình hoặc chùa.
Thậm chí, nhiều gia đình và cá nhân cũng đứng ra lập điện thờ ngay trong nhà của mình để hoạt động tín ngưỡng hầu đồng. Chính xác thì đó là lạm dụng tự do tín ngưỡng”, Tiến sĩ Sơn nói.
Nếu nhà sư tham gia hầu đồng tại chùa là sai với nguyên tắc Phật giáo. Ảnh minh họa: Báo ảnh Việt Nam. |
Mỗi buổi hoạt động tín ngưỡng này lôi kéo hàng trăm người tham gia, đàn, hát, kèn trống ầm ĩ gây ảnh hưởng đến các gia đình xung quanh dẫn đến tình trạng mất trật tự trị an trong khu dân cư.
Những gia đình tổ chức hầu đồng như vậy họ rất yên tâm là mình không sai vì đây là di sản đã được Unesco công nhận và coi đó như một thứ giấy phép?
Đền vốn dĩ thờ Thánh, Đình làng thờ Thành Hoàng và chùa thì thờ Phật, nhưng hiện nay nghi lễ hầu đồng còn diễn ra cả ở trong chùa và khá phổ biến. Sự việc này làm cho người dân hiểu sai về tín ngưỡng truyền thống.
“Một số nhà sư tham gia hầu đồng tại chùa như hiện nay là trái với nguyên tắc Phật giáo. Nhà sư là sư chứ không thể là Pháp sư hay thầy phù thủy được.
Hiện tượng đó phản ánh cái hỗn dung tôn giáo và có lẽ không một quốc gia nào nghi lễ đó lại được đẩy lên một thái cực quá đà như ở Việt Nam”, Tiến sĩ Sơn nói.
Tiến sĩ Mai Thanh sơn - Nghiên cứu viên chính -Viện khoa học xã hội vùng Trung bộ. Ảnh: Thanh Sơn |
Câu chuyện mồ côi tâm linh bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Trong suốt một thời gian dài, các nhà quản lí văn hóa không nhận ra được tầm quan trọng của việc chăm chút đời sống tâm linh của người dân.
Vì thế, ngoài việc thờ cúng tổ tiên ở các gia đình, thờ Phật ở chùa, và thờ Chúa ở các nhà thờ ra thì vào thời đó tất cả các tín ngưỡng khác đều bị coi là ngoài vòng pháp luật.
Do thiếu niềm tin và không có định hướng dẫn đến một cá nhân cùng đồng thời là tín đồ của rất nhiều tôn giáo khác nhau mà những tôn giáo này thường có sức hút rất mạnh điển hình ở các nghi lễ dâng, cầu tài cầu lộc, ban phát…
Điều đó thể hiện tín ngưỡng, đức tin khát khao, bấu víu của người dân đối với đời sống tâm linh nhưng cụ thể vào một cái gì đó như lễ Phật, thờ tổ tiên, thờ tam phủ… thì lại hoàn toàn không rõ.
Thanh đồng Thanh.H chia sẻ: "Quan niệm đi hầu đồng sẽ giàu có, thăng quan tiến chức là hoàn toàn không có cơ sở, đó là hiểu sai về nghi lễ tôn giáo. Bản thân tôi tham gia nghi lễ này đã 20 năm nhưng là để giải tỏa tâm lí, vì theo dân gian những người có căn số như tôi mỗi năm làm lễ một lần với chi phí rất ít, thậm trí tới vài ba năm tôi mới làm một lần. Tôi hoàn toàn không thấy phát tài hay thăng tiến gì cả. Ai nói sẽ thăng quan hoặc giàu có là cách nói nhằm lôi kéo mọi người tham gia để tăng doanh thu nhằm trục lợi". |
Hiện tượng đó là có đức tin nhưng thiếu niềm tin nên rất cần các nhà quản lý văn hóa nghiên cứu, định hướng cho xã hội.
Theo Tiến sĩ Mai Thanh Sơn: "Các cương lĩnh văn hóa thời kỳ sau Đổi mới nếu xét về tổng thể thì tương đối rõ ràng, nhưng việc diễn giải lại chưa thật đầy đủ và rõ ý.
Đặc biệt, nhà nước chưa thực sự đảm bảo tính hiệu quảtrong việc quản lí văn hóa nói chung và lễ hội tín ngưỡng nói riêng.
Chính vì thế, nhu cầu cần phải có những bộ luật phù hợp là rất cấp thiết. Cần phải xác định giới hạn được phép và không được phép của từng cá nhân và từng cộng đồng.
Hiện nay các chi tiêu qua tín ngưỡng tâm linh rất là lớn, có những giá hầu đồng lên đến vài trăm triệu. Rồi tục đốt vàng mã tại các buổi lễ hầu đồng tiêu tốn nhiều tiền của.
Việc lôi kéo hàng trăm người đi xa đền này phủ nọ trong vài ngày và không phải chỉ một đoàn đi một lần trong năm.
Rõ ràng những việc lôi kéo như vậy ảnh hưởng nhiều đến vấn đề an sinh xã hội và hoạt động sản xuất.
Thanh đồng Thanh.H: "Hiện nay có rất nhiều thanh đồng lợi dụng tín ngưỡng hầu đồng để trục lợi. Họ phán truyền, dọa dẫm những con nhang đệ tử phải làm lễ này, lễ kia thì mới mong phát tài, may mắn. Hầu hết những con nhang đệ tử này còn ít tuổi, chưa có trải nghiệm, thiếu hiểu biết trong cuộc sống. Lúc còn trẻ, tôi cũng từng là nạn nhân của việc phán truyền với mục đích trục lợi”. Tâm lí người bị phán truyền thường là hoang mang, lo lắng nên cố làm cho yên tâm. Theo thanh đồng Thanh.H: “Mỗi lễ như vậy ít cũng vài chục triệu đồng, người làm sau thường nhiều hơn người làm trước với tâm lí ganh đua. Mà đâu đã phải làm một lễ đã xong, xong lễ này rồi lại làm lễ khác, không có tiền thì đi vay mượn hoặc chính thầy cho vay để làm. Một năm làm tới vài ba lễ, lộc đâu chưa thấy mà chỉ thấy một đống nợ”. |
Gần đây xuất hiện cả chuyện ở các vấn hầu đồng có một số thanh đồng mặc trang phục hở hang và múa theo những điệu nhạc rốc, ráp... rất phản cảm.
Có người thì đội chiếc mũ cánh chuồn không ra văn quan, cũng chẳng ra võ. Thậm chí có trường hợp mặc cả áo rằn ri, đi giầy tây, đội mũ tai bèo, đội mũ bảo hiểm...
Lễ vật tiến cúng trước đây chỉ là hương đăng, hoa quả. Nhưng nay có cả quạt điện, nồi cơm điện, phích nước, chăn bông làm đồ phát lộc...
Có thanh đồng còn tự nghĩ ra hầu những giá đồng như hầu Thánh Mẫu, hầu Ngọc Hoàng, hầu Đức Chúa... Một số thanh đồng muốn phô trương sự giàu sang mà mỗi giá đồng chi tiêu lên đến hàng trăm triệu đồng, vàng đeo đầy trên người; vàng mã đốt quá nhiều, vô cùng lãng phí.
Nhiều thanh đồng có lời truyền phán mang nặng tính dọa nạt trần tục, mục đích làm cho mọi người sợ để dễ dẵn dắt làm những lễ khác, kiếm lợi.
Theo lời thầy phán nếu không làm sẽ gặp họa chết người, gia đình li tán, làm ăn thất bát.
Nếu là những người còn trẻ thì thường sẽ bị những lời phán như: không lấy được chồng, thi cử không đỗ hoặc ốm đau...
Vậy nếu ít tiền con cứ tạm một lễ cho nó nhẹ bớt đi rồi lần sau có tiền lại làm tiếp, nhưng thầy thừa biết các con nhang đã làm một lần rồi thì sẽ có lần hai.
Tất cả những lời phán truyền kiểu như vây gây tâm lý lo sợ, hoang mang, làm đảo lộn cuộc sống của mọi người, gây mất đoàn kết trong gia đình, xã hội”.
Không để những trường hợp biến tướng hầu đồng, lợi dụng mê tín dị đoan, trục lợi cá nhân, làm mất đi giá trị nhân văn, nét đẹp văn hóa tâm linh của tín ngưỡng này. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam. |
Theo Tiến sĩ Mai Thanh Sơn thì đây là những hành động biến tướng, bệnh hoạn, xuyên tạc không theo nghi lễ của một dòng đồng nào trong dân gian.
Việc hiện nay là các cơ quan quản lí văn hóa cần phải xây dựng một thiết chế, hành lang pháp lí đầy đủ để quản lí và định hướng hoạt động các điện thờ tư nhân và các cơ sở hoạt động tín ngưỡng.
Tránh để những trường hợp biến tướng hầu đồng, lợi dụng mê tín dị đoan, trục lợi cá nhân, làm mất đi giá trị nhân văn, nét đẹp văn hóa tâm linh của tín ngưỡng này.