Quá nhiều người "đói" văn hoá, hành động mù quáng và u mê

25/02/2019 06:23
Tùng Dương
(GDVN) - Những giá trị văn hoá tốt đẹp từ ngàn xưa đang bị nhiều người thiếu hiểu biết làm cho méo mó.

Theo truyền thống của người Việt, khi lên chùa lễ Phật thì bao giờ các phật tử cũng dâng cúng cho nhà chùa những vật phẩm như hoa tươi, trái cây vườn nhà hoặc phẩm oản.

Sau khi cúng Phật, các nhà sư thường chỉ nhận chút ít tượng trưng, phần trả lại cho người dâng cúng và nói đây là lộc của nhà Phật.

Phật tử cùng gia đình khi hưởng những lộc đó cảm thấy được thỏa mãn tinh thần và họ có niềm tin rằng mình đã được thẩm thấu những tinh thần, triết lí của nhà Phật.

Nhưng đó là xa xưa, còn hiện nay xin lộc đã bị trục lợi, biến tướng, rất nhiều người thiếu hiểu biết đã ứng xử sai, tham lam, tranh cướp lộc khi tham gia lễ hội.

Những hành động phản văn hóa tranh cướp hoa tre tại Hội Gióng. Ảnh: TTXVN.
Những hành động phản văn hóa tranh cướp hoa tre tại Hội Gióng. Ảnh: TTXVN.

Trước vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Dương - Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam: "Phật tử lên chùa có xin cũng không được vì theo giáo lí nhà Phật thì Phật không cho, hay ban phát quyền lợi, lợi ích gì cả.

Việc xin này chủ yếu diễn ra ở Đình, Đền và trong các lễ hội dân gian. Theo dân gian thì lộc ở đây là lộc Thánh, lộc cũng rất đơn sơ và mang tính biểu tượng chứ không hề có chuyện tranh cướp lộc như hiện nay.

Ngay như việc tranh cướp lộc tại các lễ hội dân gian xưa kia cũng chỉ mang tính biểu tượng, hai bên trai làng chia nhau ra thành hai phe rồi giả vờ tranh cướp làm phép.

Cướp xong lại thả ra để người khác cũng được hưởng niềm vui đó chứ hoàn toàn không có chuyện cướp bằng mọi giá để mang về nhà làm của riêng.

Điều đó cho thấy giá trị văn hóa lễ hội cao thượng từ ngàn xưa của người Việt.

Điều đáng buồn là hiện nay nhiều người đi lễ hoặc đến tham dự các lễ hội thường hiểu sai lệch về lộc”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Dương - Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Dương - Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương.

Hiện nay nhiều địa phương thường quảng bá một cách thái quá về lễ hội nhằm tăng lượng khách du khách, cũng là để tăng doanh thu cho địa phương.

Họ nói quá lên rằng lễ hội này thiêng lắm, lộc ở đây thiêng lắm và nếu có được một chút lộc này thì làm ăn phát tài, giàu có, ước gì được nấy…

Thậm chí có những nơi còn rỉ tai nhau là nếu được một chút lộc ở hội này thì sẽ sinh con trai và được thăng tiến trong sự nghiệp công danh.

Những điều đó đã đánh trúng vào tâm lý và nhu cầu của du khách nên dù có ở xa họ cũng cố đến tham gia lễ hội. 

Tuyên truyền chất thiêng của lễ hội quá mức sẽ gây ra những hệ luỵ lâu dài. Ảnh: Tùng Dương.
Tuyên truyền chất thiêng của lễ hội quá mức sẽ gây ra những hệ luỵ lâu dài. Ảnh: Tùng Dương.

“Phải nói rằng cơ chế thị trường nó tác động mạnh làm cho con người ta phải cạnh tranh ở mức cao, quá nhiều sự rủi ro trong làm ăn cũng như trong cuộc sống.

Suy nghĩ đó dẫn đến mọi người phải tìm một sự bấu víu vào cái gì đó để nuôi dưỡng niềm tin, rằng sẽ được may mắn nếu như mình thực hiện được hành động đó và cụ thể ở đây là lộc Thánh.

Chính vì người ta có suy nghĩ làm sao để sinh được con trai, làm sao để phát tài, làm sao để thăng quan tiến chức…

Lộc thì ít mà người thì nhiều dẫn đến suy nghĩ nếu đợi được chia chút lộc thì làm sao còn đến mình vì người dự Hội đông thế này.

Vậy phải nhanh nhanh mà cướp thôi thì mới mong có được chút lộc, một người cướp được thì người khác cũng lao vào cướp dẫn đến tan nát cả lễ Hội vốn trang trọng với lễ nghi từ nghìn đời.

Việc quảng bá quá mức về lễ hội cộng với những hành động cướp lộc phản cảm đã tạo nên một trào lưu xấu cho các lễ hội Việt những năm gần đây”, ông Dương nói.

Trai làng đánh nhau do tranh cướp quả phết lại Hội cướp phết Hiền Quan, Phú Thọ. Ảnh: Tùng Dương.
Trai làng đánh nhau do tranh cướp quả phết lại Hội cướp phết Hiền Quan, Phú Thọ. Ảnh: Tùng Dương.

Sự việc cướp lộc đó lại được thêu dệt thêm như: Nhà đó năm ngoái cướp được lộc nên năm nay làm ăn phất hẳn lên hoặc là cậu kia năm ngoái cướp được lộc có khác, sinh con trai ngay.

Tất cả những sự việc phát tài hay sinh con trai chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng nó được thổi phồng lên quá mức khiến cho nhiều người lại càng tin và tự nhắc mình hội sang năm sẽ phải cướp lộc cho bằng được.

Thậm chí có những nam thanh nữ tú chưa xây dựng gia đình riêng và còn đang đi học nhưng cũng hung hăng lao vào cướp lộc vì tin rằng sau này mình sẽ sinh được con trai hoặc khi đi làm sẽ thăng tiến trong công việc.

Đó cũng là tâm lí đám đông hùa theo một sự việc mù quáng, u mê góp phần tạo nên những hành động phản cảm, thiếu văn hóa.

Quá nhiều người "đói" văn hoá, hành động mù quáng và u mê ảnh 5Làm điều ác sẽ gặp quả báo, giáo lý nhà Phật không cúng sao giải hạn

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Dương: “Xin lộc hay cụ thể là những hành động lao vào cướp lộc phản cảm, cay cú như hiện nay.

Với suy nghĩ cướp càng nhiều thì lộc càng lớn là trái với đạo lí, thuần phong mỹ tục của người Việt.

Với những suy diễn như vậy càng thúc đẩy con người ta đến những sự giành giật quyết liệt hơn.

Dẫn đến cay cú, đánh nhau ngay tại lễ Hội như ở Hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ) hay như cướp hoa tre ( Hội Gióng) và Hội Đúc Bụt (Tam Dương, Vĩnh Phúc…

Những sự việc xấu như vậy hoàn toàn phản văn hóa, không đúng với tinh thần lễ hội dân gian của người Việt” và trái với giáo lí nhà Phật.

Khôi phục lại những lễ hội cổ truyền để lan tỏa tính cộng đồng, văn hóa, giáo dưỡng tâm hồn, thắt chặt tình đoàn kết nhưng đáng tiếc lại dẫn đến những sự việc phản cảm thì vô hình trung là lễ hội thất bại.

Tham lam, tranh cướp lộc khi tham gia lễ hội cho thấy có rất nhiều người thiếu hiểu biết. Ảnh: TTXVN
Tham lam, tranh cướp lộc khi tham gia lễ hội cho thấy có rất nhiều người thiếu hiểu biết. Ảnh: TTXVN

Khi xã hội phát triển ở mức cao, nhận thức của người dân cũng cao thì những nghi lễ tâm linh đó phải càng mang tính biểu tượng chứ không thể là những hành động phản cảm.

Một đất nước có phát triển đến bao nhiêu ở khía cạnh kinh tế thì khi đánh giá người ta vẫn soi chiếu vào những giá trị văn hóa, giá trị con người phải được tôn vinh thì mới được nhìn nhận là xã hội phát triển.

Một xã hội được coi là phát triển thì nó phải tổng hòa được nhiều giá trị, nhiều yếu tố như đời sống, kinh tế tăng trưởng, giáo dục phát triển, văn hóa và đặc biệt là hành vi cộng đồng, ý thức công dân…

Những điều đó mới khẳng định giá trị của một xã hội phát triển.

Đáng tiếc là khi kinh tế đi lên thì nhiều nơi văn hoá lễ hội lại bị biến tướng, và đã có nơi bị cấm tổ chức như Hội dân gian cướp phết ở xã Hiền Quan tỉnh Phú Thọ là một thí dụ điển hình, vì trai làng cay cú dẫn đến ẩu đả, xô xát.

Tuy nhiên, biện pháp này không giải quyết được bản chất của vấn đề, bởi cái cần là tuyên truyền để người dân hiểu thực sự về ý nghĩa lễ hội để họ không còn hành động mù quáng như vậy nữa.

“Do tuyên truyền, giáo dục về tinh thần lễ hội không đến nơi đến chốn nên mới xảy ra hiện tượng trai làng đánh nhau, dẫn đến việc chính quyền ra lệnh cấm không được tổ chức.

Nếu nói cho đúng thì chính quyền không có quyền cấm và cũng không cấm được bởi lẽ: Lễ hội đó đã có truyền thống từ hàng nghìn năm với nét đẹp văn hóa vốn có của nó.

Chính quyền địa phương tuyên truyền chất thiêng của lễ hội lên quá mức, thậm trí tìm cách kéo dài Hội đến vài ba ngày, đó là thực dụng, cơ hội, trục lợi tâm linh.

Về tâm lí nó gây nảy sinh tính tham, hơn thua trong những người tham gia dẫn đến một loạt hành động chà đạp lên nhau, quyết liệt phải giành, cướp cho bằng được quả phết”, Phó Giáo sư Dương nói.

Chính quyền địa phương nơi có lễ hội phải tuyên truyền cho người dân hiểu được tinh thần cao đẹp, giá trị văn hóa mang tính chất ước lệ. Ảnh: Tùng Dương.
Chính quyền địa phương nơi có lễ hội phải tuyên truyền cho người dân hiểu được tinh thần cao đẹp, giá trị văn hóa mang tính chất ước lệ. Ảnh: Tùng Dương.

Khi người dân địa phương hiểu rõ những nét đẹp và ý nghĩa thực chất của lễ hội ấy, chính họ sẽ là những người lan tỏa, quảng bá hiệu quả nhất cho khách du lịch về những nét đẹp văn hóa của địa phương.

Ngành văn hóa có trách nhiệm cùng các địa phương tìm hiểu rõ ngọn nguồn, từ đó tuyên truyền, giáo dục về những nét đẹp văn hóa đó một cách thực chất, đi vào đời sống của người dân.

Đấy là những việc cần làm ngay để các lễ hội dần trở về đúng với giá trị từ ngàn xưa. Cấm đoán bằng những mệnh lệnh hành chính chẳng khác nào "đánh trống bỏ dùi", không giải quyết được cái gốc của vấn đề.

Tùng Dương