Gần chục năm trước, người viết bất đắc dĩ phải chứng kiến câu chuyện buồn của một cô giáo trong khoa.
Nghe lời ai đó chỉ dẫn, để đảm bảo hạnh phúc bền lâu, đám cưới của cô giáo trẻ phải tổ chức đón dâu hai lần.
Sau lễ ăn hỏi là đón dâu lần thứ nhất, tảng sáng hôm sau cô dâu trở dậy lén ra khỏi nhà chồng lên xe về nhà mình. Mấy hôm sau cưới lần hai.
Hơn một năm sau, khi cặp vợ chồng trẻ đã có con gái đầu lòng, họ ra tòa ly hôn.
Mấy hôm nay, báo chí được một phen bận rộn về vụ ly hôn của “cặp đôi Trung Nguyên: Vũ-Thảo”, người ủng hộ phía này, người ủng hộ phía kia, đủ thứ ngôn từ được tung hê trên mạng xã hội.
Trước đó, trong chương trình Gặp nhau cuối năm của Đài Truyền hình quốc gia, người ta cũng lợi dụng sự kiện này để bôi bác người trong cuộc.
Ly hôn là chuyện riêng của gia đình người ta sao lại khiến báo chí tốn thời gian và công sức đến vậy?
Có phải bởi vì đây là chủ đề hot, khả năng câu view (thu hút lượt truy cập) cao, viết thoải mái mà lại không sợ sai định hướng?
Điều này có thể đúng nhưng cũng còn một khả năng khác, biết đâu đã có các “đơn đặt hàng” từ cả hai phía để cho ra đời những cú “móc sườn” nhằm vào đối thủ!
Liên quan đến vụ việc, có người bênh phái nữ: “Tôi xin chia sẻ với cả những người phụ nữ khác nữa: Đàn bà nên trở về đúng vị trí của mình, theo truyền thống từ ngàn xưa!
Bởi từ ngàn xưa, cả thế giới này được vận hành theo chế độ mẫu hệ, vì phụ nữ giỏi quán xuyến, tỉ mỉ hơn. Mãi đến khi phải dùng nhiều sức, phải hiếu chiến đàn ông mới được giao lại quyền”.
Cũng nói đến chuyện từ ngàn xưa, trong cuốn “Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước”, Ph.Ăngghen viết:
“Gia đình là một yếu tố năng động. Nó không đứng yên, mà tiến từ hình thức thấp lên hình thức cao hơn, khi xã hội tiến từ trạng thái thấp lên trạng thái cao hơn…”.
Qua các công trình của nhiều tác giả, có thể thấy yếu tố “gia đình” đã có sự chuyển hóa từ “Quần hôn” (gia đình đối ngẫu) sang “Đa thê” (thời phong kiến) và hiện nay tại đa số quốc gia là “Một vợ một chồng”.
Nỗi đau của những đứa con làm nhân chứng cho cha mẹ chia tay trước tòa |
Xã hội loài người phát triển theo quy luật đường xoắn ốc, không có gì đảm bảo rằng gia đình theo chế độ một vợ một chồng sẽ tồn tại vĩnh viễn và do đó, nhân loại đang buộc phải thay đổi nhận thức về cách sống không phụ thuộc vào hôn nhân.
Nói như Ph.Ăngghen, “Sẽ đến một lúc nhân loại sẽ bớt đi lời dị nghị về tiếng thơm của gái tuyết trinh, và người con gái có thể trao cái quý nhất của mình cho người mình yêu”.
Vấn đề cần suy nghĩ của cả người trong cuộc và người ngoài cuộc - sau những vụ ly hôn ồn ào là trách nhiệm đối với con cái, xã hội và những hệ lụy liên quan đến việc phân chia tài sản hình thành trong quá trình chung sống.
Cần phải thấy rằng, dù xã hội loài người hiện nay được đánh giá là xã hội văn minh song phụ nữ và trẻ em vẫn là đối tượng “yếu thế”, vẫn bị phân biệt đối xử trong các hoạt động chính trị và xã hội.
Chính phủ Việt Nam có 22 bộ và cơ quan ngang bộ, chỉ có duy nhất một nữ Bộ trưởng là bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Có thể ở các nước phương tây, con cái ít bị sốc sau các vụ ly hôn của cha mẹ nhờ cách sống độc lập đã được hình thành từ khi còn nhỏ.
Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng có nét khác biệt, cách sống tam đại đồng đường (ba thế hệ cùng chung sống) là cách sống vẫn còn được ca ngợi, được xem là nền tảng của gia đình như đã diễn ra hàng thế kỷ trước.
Một trong những thay đổi quan trọng được nêu trong Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục và đào tạo là:
“Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”.
Trong bốn yêu cầu đối với giáo dục con người Việt Nam “Yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”. “Yêu gia đình” được đặt lên hàng đầu.
Khi ly hôn, cấu trúc gia đình truyền thống bị phá vỡ song hoàn toàn không có nghĩa là các đối tượng liên quan trở nên “không gia đình”.
Cha mẹ cãi vã, ly hôn sẽ khiến tâm lý của con trẻ bị ảnh hưởng (Ảnh minh họa: Sài Gòn Tiếp Thị). |
Ly hôn giống như “sinh sản vô tính”, là quá trình tạo nên các cá thể mới mà không cần hai cá thể “trống – mái” tức là hình thành gia đình mới mà ở đó tạm thời chỉ có cha hoặc mẹ.
Không nên cổ súy tình trạng ly hôn nhưng cũng phải xem đó là hiện tượng bình thường trong xã hội, khi mà luật pháp công nhận quyền bình đẳng của phụ nữ với nam giới.
Tuy nhiên cần phải thừa nhận xã hội Việt Nam hiện nay vẫn đang trong quá trình chuyển đổi nhận thức và do đó những phụ nữ xuất sắc, có năng lực thường phải nhường nhịn để duy trì hạnh phúc gia đình.
Không ít cặp vợ chồng trước khi ly hôn đã thỏa thuận trách nhiệm với con cái, dù không còn là vợ chồng thì vẫn là những người bạn tốt của nhau.
Điều đáng trách là những cuộc ly hôn dẫn tới tranh cãi tài sản ngay tại tòa, dù không tạo nên dư luận trái chiều trong xã hội thì cũng để lại nỗi buồn với con cái, họ hàng và gia đình hai bên.
Có người không đồng tình với cách lôi việc phải phụng dưỡng bố, mẹ (bên chồng hoặc vợ) phơi bày trước dư luận, hoặc mặc cả việc chu cấp nuôi con.
Thiết nghĩ những gì liên quan đến pháp luật thì phải hết sức rõ ràng, còn những gì thuộc phạm trù đối nhân xử thế, quan hệ giữa con người với con người thì không nên phê phán nếu không hiểu rõ nội tình.
Người viết cho rằng, Cà phê Trung Nguyên là thương hiệu đã vượt tầm quốc gia, trở thành thương hiệu có uy tín trên thế giới.
Việc xử ly hôn và phân chia tài sản cần phải cân nhắc để không làm ảnh hưởng đến thương hiệu này. Điều này có nghĩa là thương hiệu Trung Nguyên chỉ có thể do một trong hai bên nguyên đơn hoặc bị đơn quản lý.
Cà phê Trung Nguyên không có Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn... sống tốt |
Tòa án cần phải cân nhắc đóng góp của cả hai phía cho việc tạo dựng thương hiệu Trung Nguyên và quyết định ai là người sẽ thừa kế thương hiệu độc quyền này.
Không thể để tình trạng các doanh nghiệp sau khi phân chia thuộc quyền quản lý của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo lại một lần nữa kiện cáo nhau vì xâm phạm bản quyền thương hiệu.
Người phụ nữ được tạo hóa ban cho thiên chức làm mẹ, những người mẹ Việt Nam tần tảo nuôi con, chăm lo việc nhà để chồng ra trận trong bốn cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, Biên giới Tây Nam và phía Bắc cho thấy sức mạnh của đạo quân bách chiến bách thắng của người Việt bắt nguồn từ công lao của những người vợ, người mẹ.
Không thể phủ nhận vai trò quyết định của người vợ trong việc bảo đảm hạnh phúc gia đình nhưng cũng không thể đòi hỏi người phụ nữ chỉ nên ở nhà làm quản gia cho chồng.
Quan điểm hôn nhân và gia đình ngày nay có những biến đổi sâu sắc nên việc đem quan điểm cá nhân áp đặt cho người khác không phải là điều nên làm.
Báo chí từng ồn ào chuyện cô gái 27 tuổi “yêu” ông già giàu có 72 tuổi. Cô gái bay nửa vòng trái đất đến sống ở nhà người yêu, vài tháng sau người ấy tuyên bố chia tay, cô gái lại trở về với cuộc sống cũ. Đấy là tình yêu hay chỉ là hợp đồng thời vụ, mỗi bên được lợi chút ít?
Với vụ ly hôn của “cặp đôi Trung Nguyên”, bốn người con của họ sẽ nghĩ gì khi tại tòa, bà Thảo vẫn khẳng định ông Vũ mắc bệnh tâm thần, không còn là người chồng, người cha như trước, trong khi ông Vũ hoàn toàn bác bỏ ý kiến đó?
Với những người bị bệnh, không ít trường hợp bác sĩ phải nói dối để bệnh nhân yên tâm điều trị. Có khi liệu pháp tinh thần mà các bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân là quên đi bệnh tật để sống vui vẻ.
Cũng có trường hợp, bác sĩ cố ý kê đơn thật nhiều loại thuốc, khuyên bệnh nhân làm các xét nghiệm tốn kém, thậm chí là yêu cầu bệnh nhân nhập viện dù thực tế chưa đến mức cần thiết.
Người không có bệnh trong trường hợp này vì lo nghĩ mà có khi lại phát bệnh.
Đó không chỉ là mặt trái của cơ chế thị trường mà còn là sự xuống cấp đạo đức của người được ví như “từ mẫu”.
Có điều, già néo thì đứt dây, cương cường thì dễ vỡ, đó là chân lý sống ở đời. Nếu đạo lý đó không được thông suốt, nếu ai cũng cho mình đúng còn phía bên kia là sai thì tiếp tục chung sống trong một mái nhà sẽ là thảm họa với chính họ và con cháu của họ.
Xây một tòa tháp phải mất rất nhiều năm trời cùng với công sức, tiền bạc, phá đi chỉ cần một ít thuốc nổ trong mấy giây là xong.
Thế nên giàu có không hẳn đã là yếu tố đảm bảo hạnh phúc, tham lam hay cố chấp không thể có hạnh phúc, con người sống ở đời “Một điều nhịn là chín điều lành”.