Ngày 13/7, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bình Dương đã có quyết định hủy bỏ quyền đại diện theo pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên) tại Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên.
Cụ thể, quyết định này thu hồi và hủy bỏ giá trị Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 8 ngày 21/4 và thông báo thay đổi về mẫu con dấu của Công ty Cà phê hòa tan Trung Nguyên thể hiện việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người đại diện theo pháp luật.
Đặng Lê Nguyên Vũ là doanh nhân và được xem như ông vua cà phê Việt. Ảnh: Forbes |
Quyết định của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương cũng đồng thời khôi phục giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 7 ngày 28/11/2013 của công ty này, trong đó người đại diện theo pháp luật là bà Lê Hoàng Diệp Thảo - vợ ông Vũ.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên. Thương hiệu Cà phê Trung Nguyên và những sản phẩm của doanh nghiệp cũng được gắn với tên của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ.
Do đó, sau quyết định của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương, nhiều lo ngại việc ông Vũ không còn là người điều hành của Công ty Cà phê hòa tan Trung Nguyên sẽ ảnh hưởng không ít đến thương hiệu cũng như hoạt động marketing của Cà phê hòa tan G7 trên thị trường.
Theo Chuyên gia Marketing và Thương hiệu Hoàng Tùng - Sáng lập viên/Quản lý Pizza Home - cái tên Cà phê Trung Nguyên có gắn bó rất mật thiết với người sáng lập Đặng Lê Nguyên Vũ. Câu chuyện khởi nghiệp của ông Đặng Lê Nguyên Vũ là niềm cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ sau này đam mê khởi nghiệp kinh doanh.
Mâu thuẫn nội bộ, "phép thử" thương hiệu Trung Nguyên(GDVN) - Mâu thuẫn đang diễn ra tại Tập đoàn Trung Nguyên chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu nhưng đó cũng là phép thử đo lường sức mạnh doanh nghiệp này. Trung Nguyên khẳng định không thiếu cà phê G7 như tin đồn(GDVN) - Thông cáo báo chí mới đây Trung Nguyên IC dẫn lời bà Lê Hoàng Diệp Thảo Tổng giám đốc công ty khẳng định, hoạt động công ty diễn ra bình thường. |
“Cách thức Trung Nguyên đối đầu với những thương hiệu ngoại và tạo dựng nên một thương hiệu tầm cỡ quốc gia khiến nhiều người Việt tự hào. Tôi nghĩ, trong một thời gian dài, rất nhiều người ủng hộ Trung Nguyên bởi thiện cảm lớn dành cho cá nhân ông Nguyên Vũ cũng như câu chuyện khởi nghiệp của ông”, Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng nhận định.
Ông Tùng cho biết, một thương hiệu doanh nghiệp mạnh nếu đi kèm cũng thương hiệu của một CEO mạnh, cả hai sẽ là cộng lực để doanh nghiệp cất cánh. Dĩ nhiên, cũng cần phải phân tách rõ ràng giữa nhân hiệu của CEO và thương hiệu của doanh nghiệp.
“Một thương hiệu mạnh sẽ vẫn phát triển cho dù không có thương hiệu của CEO thúc đẩy. Chúng ta đã thấy Apple vẫn phát triển cho dù Steve Jobs giờ không còn điều hành doanh nghiệp này nữa.
Với trường hợp của thương hiệu Trung Nguyên hay Caffee hòa tan G7, tôi nghĩ thương hiệu đã đủ mạnh để có thể tự phát triển mà không cần phải phụ thuộc vào thương hiệu của nhà sáng lập Nguyên Vũ nữa”, ông Hoàng Tùng nói.
Trước câu hỏi việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ không còn là người đại diện pháp luật cho cà phê hòa tan G7 có ảnh hưởng đến các thương hiệu của Tập đoàn Trung Nguyên hay không?
Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng khẳng định, ảnh hưởng trong trường hợp của Trung Nguyên là khó xảy ra.
Chuyên gia thương hiệu này phân tích: Một thương hiệu mạnh là một thương hiệu có khả năng phát triển độc lập mà không cần phải phụ thuộc vào thương hiệu mẹ hay thương hiệu cá nhân của nhà sáng lập. Chúng ta dùng cà phê Nestle, trà Lipton, mỳ Hảo Hảo, bánh Oreo… mà không mấy quan tâm đến người sáng lập hay công ty mẹ của những thương hiệu đó. Khi đó, thương hiệu mới thực sự mạnh mẽ và có khả năng tự phát triển.
Ngoài ra, trong lĩnh vực chuỗi cà phê hay cà phê hòa tan mà Trung Nguyên đang vận hành, ngoài yếu tố thương hiệu, người ta còn quan tâm đến yếu tố thói quen về khẩu vị và sự tiện lợi trong độ phủ của kênh bán hàng.
Chuyên gia thương hiệu và Marketing Hoàng Tùng - ảnh nhân vật cung cấp. |
“Tôi nghĩ những thương hiệu của Trung Nguyên đã hoàn toàn đủ mạnh để có thể độc lập phát triển mà không cần đến thương hiệu cá nhân của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đứng sau nữa. Dĩ nhiên, trong thời gian qua, Trung Nguyên đã ít nhiều thể hiện sự thiếu sáng tạo trong những chiến dịch truyền thông, tạo nên những kẽ hở cho các đối thủ khác cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần.
Do đó, Trung Nguyên cần có những chiến dịch marketing hiệu quả để lấy lại vị thế của mình, xứng đáng là một thương hiệu quốc gia và là niềm tự hào của không ít người dân Việt Nam.
Và tôi nghĩ, bất kể có thế nào, sự vững mạnh và phát triển của Trung Nguyên cũng sẽ luôn là tâm nguyện của ông Nguyên Vũ”, ông Hoàng Tùng cho biết.
Được biết, dù mất quyền đại diện pháp luật tại cà phê hòa tan Trung Nguyên, tuy nhiên ông Vũ còn nắm giữ quyền điều hành tại nhiều doanh nghiệp khác, đặc biệt là trong Tập đoàn Trung Nguyên.
Ông Vũ hiện là người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, doanh nghiệp có quy mô vốn lên đến gần 3.200 tỷ đồng. Đơn vị này chủ yếu là đầu tư vào các công ty thành viên thuộc Trung Nguyên Group.
Hệ thống cửa hàng nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên (Công ty Trung Nguyên Franchising) với vốn điều lệ 100 tỷ đồng và Công ty Đầu tư du lịch Đặng Lê vốn 98 tỷ đồng hoạt động khai thác du lịch cũng dưới sự điều hành của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Ngoài ra, ông Vũ còn kiểm soát hệ thống bán lẻ của Công ty Thương mại và dịch vụ G7 toàn cầu và Công ty Thương mại và dịch vụ G7. Hai đơn vị này có vốn điều lệ 150 tỷ đồng.