Còn Thông tư 17, học sinh hạnh phúc sao được?

03/03/2019 06:09
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Từ khi có Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành về quy định dạy thêm, học thêm, có thêm thuật ngữ “dạy thêm chính khóa”.

LTS: Bức xúc trước tình trạng dạy thêm tràn lan ảnh hưởng đến các em học sinh, thầy giáo Sơn Quang Huyến bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm bỏ Thông tư 17.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nói về chuyện dạy thêm, học thêm, là vấn đề mà dư luận xã hội xếp vào hàng quan tâm nhất.

Chỉ cần gõ vào Google cụm từ “dạy thêm, học thêm”, có ngay 66.200.000 kết quả trong vòng 0.39 giây. 

Đã có biết bao mĩ từ để biện minh cho dạy thêm, nào là “phụ đạo”, “bổ trợ kiến thức”, “học tự nguyện”, “học chuyên đề nâng cao”...vv. 

Với bao kĩ thuật, kỉ xảo, tuyệt chiêu để “mời học sinh” đến lớp; từ “thật thà”, “tế nhị” đến “thô thiển”; biện minh cho nó là “lương giáo viên không đủ sống”, chương trình “nặng nề quá”, “triết lý giáo dục Việt nam là học để thi”, đề thi quá khó v.v..

Hệ quả là, gánh nặng kinh tế cứ đè lên phụ huynh; học sinh đánh mất những thứ quý giá nhất cuộc đời: tuổi thơ, sáng tạo, chính mính. 

Còn có những "tuyệt chiêu" mà chỉ người trong nghề mới biết, mới thấy sự cao tay, có những đề kiểm tra “không học thêm thầy, đố mày làm được”; “trên lớp thì dạy nhẹ nhàng, kiến thức vàng thầy dành dạy thêm”...vv.

Còn Thông tư 17, học sinh hạnh phúc sao được? ảnh 1Phạt dạy thêm bằng tiền chỉ hạn chế được kiểu dạy thêm kiểu...cò con

Nhìn một cách khách quan, cũng có những giáo viên dạy thêm vì nhu cầu của phụ huynh, học sinh, dạy bằng “tiếng thơm” về trí tuệ, nhân cách của chính mình. 

Những giáo viên này, dễ nhận biết, họ gần như không quan tâm về tiền bạc học sinh đóng, tuyệt đối không nhắc nhở, em này còn thiếu..., gần như học sinh tự giác đóng, không đóng thầy cũng không đòi.

Một phụ huynh là giáo viên nói “Gánh nặng của phụ huynh, học sinh, chất chồng lên 17 lần từ khi có thông tư 17 của Bộ”. 

Từ khi có Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành về quy định dạy thêm, học thêm, có thêm thuật ngữ “dạy thêm chính khóa”.

Nhiều người phản đối, thầy Xuân Vi ví “dạy thêm chính khóa” chẳng khác “Măng non, cối đá úp đầu”. 

Mọi yêu cầu, thủ tục hành chính để “dạy thêm chính khóa” là điều quá dễ, vì thế gần như 100% học sinh học thêm. Người ta có đủ muôn vàn cách để “lùa học sinh đến lớp”.

Còn Thông tư 17, học sinh hạnh phúc sao được? ảnh 2Ở trường em đã học thêm, vậy sao tối vẫn phải đến nhà thầy?

Lùa được 100%, người ta thích chia tiền như thế nào mặc sức, vì thế mới lòi ra có trường 100% học sinh học phụ đạo, tiền thu chi bát nháo. 

Giờ “dạy thêm chính khóa”, chất lượng cũng kiểu “chính khóa”; muốn có “chìa khóa chính”, phải học thêm nữa. 

Vì thế, học sinh chỉ có học, suốt ngày chạy sô; vừa học “thêm chính khóa” vừa học thêm nhà thầy. 

Trước sự thật đó, biết bao nhà giáo tâm huyết đã đề nghị bỏ thông tư 17, thế nhưng cái “khiên” đó vẫn vững vàng đến hôm nay. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ muốn giáo viên được hạnh phúc, học trò được hạnh phúc. Một đứa trẻ không còn tuổi thơ, không thể là đứa trẻ hạnh phúcđến trường. 

Vì thế, muốn học trò hạnh phúc, Bộ phải bỏ thông tư 17, bỏ “cái khiên” của dạy thêm, học thêm chính khóa; bỏ bớt đi gánh nặng của phụ huynh học sinh, đem hạnh phúc đến với phụ huynh, học trò.                                  

Tài liệu tham khảo: 

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-17-2012-TT-BGDDT-day-hoc-them-139414.aspx

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nhung-chieu-thuc-lua-hoc-sinh-di-hoc-them-tai-truong-post195936.gd

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hoc-them-cang-nhieu-ganh-nang-de-len-vai-phu-huynh-cang-lon-post195832.gd

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nha-truong-ma-trung-thuc-tu-te-thi-nguoi-doi-lam-sao-biet-su-that-post195858.gd

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Khi-hoc-tro-tro-thanh-nan-nhan-cua-viec-day-them-hoc-them-post195728.gd

Sơn Quang Huyến