Cần ngăn chặn ngay việc đưa sữa bột pha lại vào Sữa học đường

16/03/2019 08:27
Hồng Thủy
(GDVN) - Sữa học đường là để cải thiện dinh dưỡng và nâng cao tầm vóc cho trẻ em, chứ không phải giúp các doanh nghiệp không sản xuất kinh doanh sữa tươi kiếm lời.

Trong tháng 3/2018, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có loạt bài phân tích thực trạng triển khai Chương trình Sữa học đường không đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nam.

Nguy cơ thực trạng này có thể lặp lại tại Quảng Trị, Đắk Nông và các địa phương khác, nếu không có chỉ đạo điều chỉnh kịp thời từ cơ quan chức năng. 

Đưa sữa bột pha lại vào Chương trình Sữa học đường không còn là cá biệt

Ngay tại Hà Nam nguồn sữa tươi nguyên liệu không thiếu và được bán cho Vinamilk, và tỉnh này lại mua sữa bột pha lại của Vinamilk cho trẻ em thụ hưởng Chương trình Sữa học đường.

Học sinh trường Tiểu học Trần Hưng Đạo thành phố Phủ Lý tỉnh Hà Nam trong lễ phát động Sữa học đường 2018, các em uống sữa bột pha lại thay cho sữa tươi, ảnh: hanam.gov.vn.
Học sinh trường Tiểu học Trần Hưng Đạo thành phố Phủ Lý tỉnh Hà Nam trong lễ phát động Sữa học đường 2018, các em uống sữa bột pha lại thay cho sữa tươi, ảnh: hanam.gov.vn.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, theo Ban biên tập tin kinh tế thuộc Thông tấn xã Việt Nam ngày 17/5/2018, nghề chăn nuôi bò lấy sữa đã phát triển ở địa phương này đã hơn 10 năm qua. 

Tuy nhiên, đến nay đàn bò sữa vẫn không thể tăng đàn mà đang ngày càng giảm dần do người nuôi bò sữa đang gặp rất nhiều khó khăn; trong đó, quan trọng nhất vẫn là khâu giá cả đầu ra. [1]

Trong khi đó, từ năm 2007 đến trước khi có Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2916, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chi hàng trăm tỷ đồng tổ chức mua sữa bột pha lại của Vinamilk cho trẻ em tỉnh nhà (50% ngân sách, 50% cha mẹ học sinh đóng góp).

Sau khi có Quyết định 1340/QĐ-TTg nói trên, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục mua sữa bột pha lại của Vinamilk cho trẻ em thụ hưởng Chương trình Sữa học đường.

Chính quyền tỉnh Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định sẽ sử dụng sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường từ năm 2019.

Cần ngăn chặn ngay việc đưa sữa bột pha lại vào Sữa học đường ảnh 2

Bộ Y tế nên chỉ đạo thu hồi xác nhận hợp quy sữa dinh dưỡng học đường Vinamilk

Sự điều chỉnh này xuất hiện sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có công văn phản ánh và đề nghị 3 vị chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh cung cấp thông tin, cho biết quan điểm về việc này.

Đến nay chỉ còn tỉnh Hà Nam chưa thấy phản hồi hay điều chỉnh gì về sản phẩm phục vụ Chương trình Sữa học đường.

Tại Đà Nẵng, ngày 2/8/2017 Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký Quyết định số 4233/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Mua sữa để thực hiện Đề án Sữa học đường năm 2017.

Đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), giá trúng thầu là 9.815.097.600 đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 1 năm và tên hàng hóa trúng thầu là "sữa tiệt trùng có đường 180 ml" 1.324.134 hộp, "sữa tiệt trùng có đường 110 ml" 468.594 hộp. [2]

Ngày 5/9/2018, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký Quyết định số 3887/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Mua sữa sử dụng cho năm 2018 để thực hiện Đề án Sữa học đường giai đoạn 2018-2020.

Đơn vị trúng thầu là Vinamilk, giá trúng thầu 61.407.589.000 đồng, tên hàng hóa trúng thầu là "Sữa dinh dưỡng có đường 180 ml - 100% sữa tươi".

Chúng tôi không rõ đây có phải loại sản phẩm Vinamilk sản xuất riêng cho chương trình Sữa học đường tại Đà Nẵng và chưa công hay không;

Còn theo thông tin công bố sản phẩm của công ty thì sản phẩm "sữa dinh dưỡng có đường" Vinamilk có thành phần:

Sữa (93,5%) (nước, sữa bột, chất béo sữa, sữa tươi), đường (3,9%), dầu thực vật, chất ổn định (471, 407, 412), hương liệu tổng hợp dùng cho thực phẩm, vitamin (A, D3). [3]

Ảnh chụp màn hình.
Ảnh chụp màn hình.

Với thông tin này, người tiêu dùng không thể biết có bao nhiêu % thành phần sản phẩm là sữa tươi, 100% sữa tươi thì chắc chắn không có.

Những sản phẩm 100% sữa tươi được Vinamilk ghi rõ trong tên sản phẩm là "sữa tươi", còn các sản phẩm có tên gọi là "sữa dinh dưỡng" thì riêng thành phần "sữa" được pha từ nước, sữa bột, chất béo sữa và có hoặc không có sữa tươi.

Với cách ghi tên hàng hóa trúng thầu như trong Quyết định số 3887/QĐ-UBND ngày 5/9/2018, đối chiếu với danh mục hàng hóa mà Vinamilk công bố, liệu sau này ngân sách có quyết toán được?

Ngày 22/3 này, tỉnh Bình Dương sẽ triển khai Chương trình Sữa học đường năm 2019 [4], khái toán kinh phí từ tháng 9/2018 đến hết năm 2020, tổng mức đầu tư là 433,465 tỷ đồng; trong đó: Ngân sách nhà nước cấp là 12,938 tỷ đồng, phụ huynh là 327,979 tỷ đồng, công ty sữa là 92,548 tỷ đồng. [5]

Phương thức lựa chọn nhà thầu của Bình Dương là thực hiện đấu thầu cho cả giai đoạn 2018-2020 theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Tuy nhiên, cho đến nay chỉ còn 1 tuần lễ nữa là Bình Dương triển khai Chương trình, nhưng không thể tìm thấy thông tin nào về nhà thầu và sản phẩm phục vụ chương trình Sữa học đường tại địa bàn tỉnh này.

Cần ngăn chặn ngay việc đưa sữa bột pha lại vào Sữa học đường ảnh 4

120 ngàn con bò sữa Vinamilk ở đâu để Hà Nội thiếu sữa, 3 tỉnh dùng sữa pha lại?

Quảng Trị, Đắk Nông, Yên Bái...cũng sắp triển khai Chương trình Sữa học đường, có địa phương đã nhắm đến sữa dinh dưỡng / sữa tiệt trùng của Vinamilk, có địa phương chưa thấy thông tin nào về sản phẩm.

Thiết nghĩ, khi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế đã có chỉ đạo rõ ràng, dứt khoát về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường mà địa phương nào làm không đúng quy định, đưa sữa bột pha lại vào dù với bất cứ lý do gì, cũng phải được ngăn chặn, xử lý.

Để bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, đồng vốn quý báu của ngân sách và nhất là mục tiêu nhân văn, cao cả của Chương trình, chúng tôi thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các địa phương làm chưa đúng, đồng thời giúp các địa phương sắp triển khai có được sự lựa chọn đúng đắn.

Để sữa bột pha lại chui vào Chương trình Sữa học đường có thể làm hỏng các chính sách phát triển nông nghiệp bền vững

Chúng tôi xin lưu ý, sữa bột pha lại / sữa hoàn nguyên cũng rất tốt nếu được sản xuất đúng quy định, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và minh bạch thông tin để người tiêu dùng tự lựa chọn.

Còn Chương trình Sữa học đường, Chính phủ và Bộ Y tế đã lựa chọn sản phẩm sữa tươi cho trẻ em, sử dụng nguồn vốn ngân sách và tiền nhân dân trực tiếp đóng góp, thì không thể tùy tiện thay đổi.

Sữa học đường là để cải thiện dinh dưỡng và nâng cao tầm vóc cho trẻ em, chứ không phải giúp các doanh nghiệp không sản xuất kinh doanh sữa tươi có cơ hội bán sản phẩm vào trường học kiếm lời.

Hơn nữa, Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai Chương trình Sữa học đường, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với các chương trình, đề án liên quan.

Ảnh minh họa bài viết Nông dân Ba Vì (Hà Nội) nuốt nước mắt bán đàn bò sữa, trên báo An ninh Thủ đô.
Ảnh minh họa bài viết Nông dân Ba Vì (Hà Nội) nuốt nước mắt bán đàn bò sữa, trên báo An ninh Thủ đô.

Ngày 16/01/2008 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020;

Ngày 10/6/2013 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Hưởng ứng và triển khai chiến lược, đề án trên, nhiều địa phương đã phát triển mạnh ngành chăn nuôi bò sữa và đang rất cần một đầu ra ổn định cho sữa tươi nguyên liệu.

Điển hình cho sự hưởng ứng này là tỉnh Hà Nam mà chúng tôi đã phản ánh trong bài viết trước, Nghịch lý Hà Nam bán sữa tươi cho Vinamilk, mua sữa bột pha lại cho con trẻ.

Nếu đưa các loại sữa dạng lỏng khác ngoài sữa tươi vào Chương trình này, không chỉ mục tiêu cải thiện dinh dưỡng và nâng cao tầm vóc trẻ em khó đạt hiệu quả tối đa, mà ngành chăn nuôi bò sữa sẽ gặp phải lực cản cạnh tranh từ chính các doanh nghiệp nhập khẩu sữa bột pha lại.

Như vậy, liệu chiến lược và đề án nói trên của Chính phủ phát triển nông nghiệp, chăn nuôi bền vững có còn hiệu quả?

Cần ngăn chặn ngay việc đưa sữa bột pha lại vào Sữa học đường ảnh 6

Chính phủ chỉ đạo dùng sữa tươi, địa phương mua sữa pha lại cho học sinh

Công văn số 5454/BYT-ATTP do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký ngày 17/9/2018 gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đề xuất bổ sung các sản phẩm "sữa dạng lỏng" khác tham gia Chương trình, tất nhiên Phó Thủ tướng đã không đồng ý.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký công văn số 7162/BYT-BM-TE ngày 26/11/2018 chấn chỉnh việc triển khai Chương trình Sữa học đường, trong đó quy định rõ sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư 29/2017/TT-BNNPTNT, còn sữa tươi thành phẩm phải theo Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016.

Hiệp hội Sữa Việt Nam nói rằng sản lượng sữa tươi trong nước mới đáp ứng được khoảng 34% nhu cầu của cả nước, nhưng chỉ riêng Vinamilk đã cho thấy sữa tươi nguyên liệu không hề thiếu. [6]

Có điều người ta có muốn bán sữa tươi cho trẻ em hay không, hay vẫn muốn bán sữa bột pha lại vì lãi nhiều hơn.

Nông dân nuôi bò sữa ở Ba Vì, Hà Nội [7]; Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh [8], Sóc Trăng [9] hay ngay cả Bà Rịa - Vũng Tàu [10]...đang gặp khó khăn vì sữa tươi nguyên liệu sản xuất ra không bán được hoặc giá quá rẻ, xu hướng giảm đàn đang ngày càng rõ rệt. [11]

Các địa phương này đều đã và đang triển khai Chương trình Sữa học đường, nhưng gần như nông dân nuôi bò sữa tại các địa phương này vẫn đang bị gạt ra ngoài lề, nhiều hộ phải tự bươn chải tìm kiếm đầu ra trong khó khăn, thậm chí tuyệt vọng.

Ngay tại Hà Nội, khi tham gia đấu thầu gói sữa phục vụ Chương trình Sữa học đường, Vinamilk cũng có nêu tên một nhà thầu phụ, Công ty Cổ phần sữa Quốc tế.

Tuy nhiên trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, cho đến nay Công ty Cổ phần sữa Quốc tế chưa tham gia cung ứng bất kỳ sản phẩm nào cho Chương trình Sữa học đường Hà Nội.

Mặc dù ngay sau khi vừa triển khai, Hà Nội đã xuất hiện tình trạng thiếu sữa cục bộ ít nhất 3 ngày mà không rõ lý do, không lời giải thích. 

Phải chăng Công ty Cổ phần sữa Quốc tế chỉ được mời đóng vai "quân xanh" cho đẹp hồ sơ đấu thầu, đáp ứng tiêu chí của Ủy ban nhân dân thành phố: "Khuyến khích các doanh nghiệp có phương án và tổ chức thực hiện sản xuất chế biến sữa trên địa bàn thành phố Hà Nội."?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://bnews.vn/nong-dan-nuoi-bo-sua-o-ba-ria-vung-tau-gap-kho-ve-dau-ra/84869.html

[2]http://docs.ttdt.dsp.vn/images/documents/Van%20ban%20dieu%20hanh/4233%20qd.PDF

[3]https://vinamilk.com.vn/cong-bo-san-pham/danh-muc-san-pham/sua-nuoc-vinamilk/page/2/

[4]http://suckhoesinhsanbinhduong.vn/tin-tuc-su-kien/thong-bao/ngay-22-3-2019-luc-8-00-trien-khai-du-an-cai-thien-tinh-trang-dinh-duong-tre-em-va-chuong-trinh-sua-hoc-duong-nam-2019.htm

[5]https://www.binhduong.gov.vn/chinh-quyen-tin-chi-dao-dieu-hanh/2018/06/47-dieu-chinh-bo-sung-ke-hoach-sua-hoc-duong

[6]http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/38412702-vinamilk-chuong-trinh-sua-hoc-duong-tai-ha-noi-chi-chiem-10-12-san-luong-sua-tuoi.html

[7]http://www.hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/quan-huyen/906206/huyen-ba-vi-chan-nuoi-bo-sua-van-gap-kho

[8]https://news.zing.vn/gia-sua-con-7000-dongkg-nong-dan-cu-chi-ban-bo-lo-hang-chuc-trieu-post847231.html

[9]http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/37591702-thao-go-kho-khan-cho-nong-dan-nuoi-bo-sua-o-soc-trang.html

[10]https://bnews.vn/nong-dan-nuoi-bo-sua-o-ba-ria-vung-tau-gap-kho-ve-dau-ra/84869.html

[11]http://www.sggp.org.vn/nong-dan-khong-con-tam-huyet-voi-dan-bo-sua-549786.html

Hồng Thủy