"Chúng tôi mong rằng, lãnh đạo Bộ sẽ cho làm rõ mọi việc"

28/03/2019 09:48
LÃ TIẾN
(GDVN) - Phụ huynh cho rằng, là một cuộc thi lớn, mang tầm cỡ nhưng công tác thẩm định hồ sơ, phê duyệt hồ sơ cần phải xem xét lại.

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 1148 trả lời kiến nghị của các phụ huynh Hải Phòng, thông báo kết quả thẩm định dự án cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2018-2019, các phụ huynh tiếp tục có ý kiến.

Nhiều nội dung chưa được xem xét 

Các phụ huynh cho rằng kiến nghị họ đã gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo trước đó vẫn chưa được xem xét toàn diện.

Thay vào đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thẩm định lại 2 đề tài đoạt giải nhất của lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí và 2 giải nhất lĩnh vực Xã hội hành vi.

Theo quy chế thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông (được quy định tại Thông tư 38 ngày 2/11/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo), việc thẩm định hồ sơ dự thi phải được Vụ Giáo dục trung học thực hiện hết sức chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ.

Tại điểm 4, Điều 15, Thông tư 38 nêu rõ: “Chỉ những hồ sơ được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đủ điều kiện dự thi mới được tham dự cuộc thi”.

Phụ huynh đưa ra dẫn chứng poster nhiều dự án có logo vi phạm quy chế cuộc thi (Ảnh: Phụ huynh cung cấp)
Phụ huynh đưa ra dẫn chứng poster nhiều dự án có logo vi phạm quy chế cuộc thi (Ảnh: Phụ huynh cung cấp)

Quy định rõ ràng là thế, song phụ huynh nghi ngờ sự minh bạch trong việc thẩm định và phê duyệt dự án dự thi.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, phụ huynh em Nguyễn Ngọc H. cho biết: “Trong các Thông tư về cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, tính sáng tạo – thể hiện sự đóng góp của chính tác giả cho lĩnh vực nghiên cứu là vô cùng quan trọng, chiếm đến 20/100 điểm.

Đây là điểm sáng, là công sức và nỗ lực của biết bao học sinh, nhằm thể hiện tri thức bản thân, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, hiện đại hơn.

Thế nhưng, theo tôi, tại cuộc thi khoa học lớn nhất toàn quốc dành cho học sinh trung học, tiêu chí tính sáng tạo lại bị phớt lờ, không được thẩm định, đánh giá chính xác”.

Ông Tuấn cho rằng, có đến 5/15 dự án đoạt giải nhất, 10 giải nhì và 4 giải ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2018-2019 (VISEF) có giải pháp, kết quả trùng lặp với những sản phẩm, nghiên cứu trước.

Hơn nữa, những dự án đoạt giải này không hề có sự cải tiến, đột phá riêng.

Sau thẩm định kết quả cuộc thi khoa học kỹ thuật, phụ huynh tiếp tục phản đối

Ông Tuấn lấy ví dụ dự án “Nghiên cứu ứng dụng gối thông minh Dream Pillow trong hỗ trợ điều trị rối loạn giấc ngủ”.

Đây là một trong những dự án đoạt giải nhất cuộc thi VISEF, song dự án này là sự sao chép của những sản phẩm gối thông minh đã có sẵn trên thị trường như: ZEEQ Smart Pillow (sản phẩm có khả năng theo dõi, phát hiện và hỗ trợ giấc ngủ, phát nhạc ru, chỉnh nhiệt độ, phát mùi hương, tạo rung theo nhịp thở…).

Điều đáng nói là, sản phẩm gối thông minh đoạt giải nhất không chỉ không có đột phá hay thay đổi so với các sản phẩm hiện hành, mà còn kém hơn các sản phẩm đã nghiên cứu trước đó rất nhiều về chất lượng.

“Chúng tôi nghi ngờ công tác thẩm định hồ sơ dự thi và phê duyệt hồ sơ đủ điều kiện dự thi đã được tiến hành thiếu trách nhiệm và không đầy đủ", ông Tuấn thắc mắc.

Chấm thẩm định chưa đủ dữ liệu

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định: “Cuộc thi VISEF năm 2019 không có sự sao chép hay trùng lặp đề tài.

Quá trình tổ chức chấm thi là đúng quy chế, ban giám khảo theo quy chế là các nhà khoa học với học hàm, học vị từ tiến sĩ trở lên, thuộc các chuyên ngành phù hợp với các lĩnh vực dự thi”.

Theo ông Thành, do phụ huynh không phục kết quả và tính công khai minh bạch của cuộc thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập hội đồng chấm thẩm định, mỗi hội đồng thuộc 2 lĩnh vực (ứng dụng cơ khí và xã hội hành vi).

Hội đồng chấm thẩm định là hoàn toàn độc lập, không trùng lặp với Ban giám khảo cuộc thi.

Phụ huynh nghi ngờ việc chấm thẩm định cuộc thi khoa học kỹ thuật năm học 2018-2019 chưa khách quan (Ảnh: moet.gov.vn)
Phụ huynh nghi ngờ việc chấm thẩm định cuộc thi khoa học kỹ thuật năm học 2018-2019 chưa khách quan (Ảnh: moet.gov.vn)

Tuy nhiên, phụ huynh Hải Phòng lại cho rằng “thông tin về hội đồng này không được công khai.

Việc này khiến cho phụ huynh chúng tôi tiếp tục nghi ngờ về sự khách quan của cuộc thi này”, phụ huynh Nguyễn Văn Tuấn nói.

Một điều đáng nói nữa, tại buổi họp báo thường kỳ, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho rằng: “Mỗi giám khảo trong thành viên của hội đồng chấm thẩm định là độc lập nghiên cứu báo cáo của học sinh để từ đó đánh giá phù hợp”.

Theo quy định của cuộc thi, quy trình chấm thi một dự án gồm 2 phần với số điểm 100 gồm: chấm thi thông qua hồ sơ dự án và phần đánh giá thông qua gian trưng bày, trả lời phỏng vấn.

Trong đó việc chấm báo cáo dự án tối đa 45 điểm, gồm: chấm câu hỏi hoặc vấn đề nghiên cứu (10 điểm); kế hoạch và phương pháp nghiên cứu (15 điểm); thực hiện kế hoạch nghiên cứu (20 điểm).

“Bộ chỉ chấm thẩm định báo cáo dự án mà không chấm đánh giá thông qua gian trưng bày, trả lời phỏng vấn thì có khách quan không?

Các tiêu chí quan trọng như: tính sáng tạo, gian trưng bày (thiết bị, mô hình thực tế, khả năng ứng dụng sản phẩm…), trả lời phỏng vấn chiếm 55/100 điểm lại không được thẩm định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thẩm định lại các đề tài phụ huynh Hải Phòng phản ánh

Phải chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng thẩm định của Bộ đã đánh giá qua các tiêu chí và phương pháp nào khác để đưa ra kết luận cuối cùng là: kết quả không thay đổi so với kết quả của Ban giám khảo cuộc thi?”, phụ huynh Nguyễn Thanh Sơn nói.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: “Việc chấm thi các công trình khoa học kỹ thuật này, ngoài việc chấm kết quả sau cùng còn chấm cả quá trình nghiên cứu của học sinh.

Quá trình chấm có 3 tiêu chí rõ ràng, về mục tiêu, thiết kế, phương án giải quyết vấn đề để thực thi”.

Theo phụ huynh, chỉ qua quyển báo cáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thẩm định quá trình nghiên cứu của các em học sinh như thế nào.

Ở đây là các đề tài kỹ thuật, khi không có mô hình hay sản phẩm trưng bày, làm thế nào để hội đồng thẩm định có thể đánh giá các dự án một cách chính xác.

Đánh giá cả một quá trình nghiên cứu nhiều tháng của các em học sinh qua quyển báo cáo như thế nào trong khi hồ sơ dự án không hề có nhật ký nghiên cứu hay bản kế hoạch nghiên cứu kèm theo?

Với những bức xúc và nghi ngờ như trên về một cuộc thi khoa học tầm cỡ quốc gia, các phụ huynh ở Hải Phòng mong muốn lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, đánh giá lại quá trình tổ chức cuộc thi dựa trên những bằng chứng mà họ cung cấp.

Nếu phát hiện sai phạm, phụ huynh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai phương án xử lý các dự án vi phạm quy chế dự thi để lấy lại niềm tin, sự công bằng cho lớp trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Trên đây là các ý kiến của phụ huynh, tất cả đều chưa được đánh giá, xác minh, và vì thế, chúng tôi hy vọng rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức một buổi đối thoại với các phụ huynh để làm rõ mọi vấn đề.

LÃ TIẾN