Một trong những vấn đề được báo chí quan tâm tại kỳ họp báo định kỳ quý I năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 26/3 là việc phụ huynh có ý kiến về các công trình đạt giải thưởng trong cuộc thi cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (VISEF) là sao chép và không phục về kết quả chấm thậm định.
Trả lời về việc này, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, về cuộc thi khoa học kỹ thuật vừa rồi có ý kiến của phụ huynh sau khi có kết quả chấm thi ở khu vực phía Bắc.
Theo ý kiến của các vị phụ huynh những giải nhất chưa thỏa đáng, có văn bản kiến nghị gửi Cục Đào tạo.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh Trinh Phúc). |
Trên cơ sở kiến nghị đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản trả lời phụ huynh.
Ông Thành khẳng định quy chế thi dựa vào Thông tư 38 và Thông tư 32 sửa đổi một số điều của Thông tư 38. Quá trình tổ chức chấm thi đã đảm bảo đúng quy chế.
Ông Thành chia sẻ thêm, ở cuộc thi này Ban giám khảo là các nhà khoa học có học vị tiến sĩ trở lên, thuộc các chuyên ngành phù hợp với các lĩnh vực dự thi.
Ban giám khảo cũng đã chấm thi hết sức là chặt chẽ, đúng quy chế. Theo đó, quy chế chấm thi mỗi một nhóm lĩnh vực có từ 8 đến 12 giám khảo.
Sau thẩm định kết quả cuộc thi khoa học kỹ thuật, phụ huynh tiếp tục phản đối |
Các giám khảo bắt thăm chọn dự án chấm. Mỗi một dự án được chấm hai phần. Tổng là 100 điểm.
Phần 1, chấm trên báo cáo tóm tắt với thang điểm tối đa là 45 điểm.
Phần II thang điểm 55 điểm bao gồm cả phỏng vấn thí sinh.
Cũng theo ông Thành, mỗi một giám khảo chấm độc lập và điểm được tính trung bình.
Nếu như điểm giám khảo nào chênh lệch so với điểm trung bình vượt quá 20% thì điểm đó bị loại.
“Như vậy, một dự án của học sinh sẽ có khoảng từ 8 đến 10 giám khảo chấm và cho điểm. Các giám khảo là những người nhà khoa học chuyên ngành.
Việc chấm thi của cuộc thi khoa học kỹ thuật là chấm quá trình nghiên cứu của học sinh, không phải chấm kết quả sau cùng.
Cái kết quả sau cùng chỉ là phương tiện, kết quả đạt được. Quá trình chấm có 3 tiêu chí rõ ràng, đó là mục tiêu, thiết kế phương án giải quyết vấn đề và về thực thi phương án ấy” – ông Thành cho biết.
Ông Thành còn cho rằng: Khi phụ huynh chưa bằng lòng kết quả để đảm bảo quyền lợi của người học cũng như tính công khai minh bạch của cuộc thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập hội đồng chấm thẩm định.
Cụ thể có hai tiểu ban, mỗi tiểu ban có 5 người gồm các nhà khoa học có học vị Giáo sư, Phó Giáo sư.
Thưa bác, chúng cháu cảm thấy mất niềm tin vào cuộc thi khoa học kỹ thuật ạ! |
Ông Thành nhấn mạnh rằng: “Đây không phải chấm phúc tra mà là chấm thẩm định như thẩm định một đề tài khoa học hay như một luận án tiến sĩ.
Kết quả thẩm định cho ra kết quả phù hợp với kết quả đánh giá ban đầu của cuộc thi”.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ngay sau khi nhận được công văn số 1148, một số phụ huynh, học sinh ở Hải Phòng đã phản ứng gay gắt, gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng.
Trong đơn kiến nghị, các phụ huynh Nguyễn Thanh Sơn và Nguyễn Văn Tuấn cho biết, việc thành lập hội đồng cũng như các quy trình, phương pháp và tiêu chí ở lần đánh giá và thẩm định lại đề tài này không hề được nói đến trong các thông báo công khai.
Hội đồng thẩm định là những giám khảo nào, có thực sự độc lập và khách quan cũng không được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trong văn bản gửi tới phụ huynh.
Ông Nguyễn Văn Tuấn bức xúc: “Thật không thể tin nổi cách trả lời kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Có những nội dung chúng tôi kiến nghị thì họ lại không trả lời, có nội dung kiến nghị một đằng, trả lời một nẻo”.
Các phụ huynh này cũng cho biết thêm, tiêu chí chấm điểm bao gồm: Câu hỏi hoặc vấn đề nghiên cứu: 10 điểm; Kế hoạch và phương pháp nghiên cứu: 15 điểm; Thực hiện kế hoạch nghiên cứu: 20 điểm; Tính sáng tạo: 20 điểm; Gian trưng bày: 10 điểm; Trả lời phỏng vấn: 25 điểm.
Tuy nhiên, quá trình thẩm định lại đề tài chỉ dựa vào hồ sơ dự án (tổng 45 điểm). Những tiêu chí quan trọng như: Tính sáng tạo của đề tài, gian trưng bày (các thiết bị, mô hình và mô phỏng của dự án kỹ thuật, cách thức hoạt động và khả năng thực tế của sản phẩm…) và trả lời phỏng vấn (Sự hiểu biết về cơ sở khoa học, sự giải thích và hạn chế của dự án, sự thừa nhận khả năng tác động về khoa học, xã hội hoặc kinh tế…) lại bị lược bỏ.