Triều Tiên có thực sự là mối đe dọa toàn cầu?

02/04/2019 08:16
Thanh Bình
(GDVN) - Tương lai của tiến trình hòa bình có vẻ ảm đạm trừ khi vấn đề cơ bản được giải quyết. Đó là sự thiếu tin tưởng lẫn nhau.

Triều Tiên có thực sự là mối đe dọa toàn cầu?

Ở Mỹ có một quan điểm tiêu cực lan rộng về Triều Tiên, không chỉ quân đội, giới công nghiệp quốc phòng, giới học giả và phương tiện truyền thông, mà ngay cả dân chúng Mỹ cũng tin rằng Triều Tiên không đáng tin. [1]

Chủ tịch Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Donald Trump cùng nhau đi dạo trong khuôn viên khách sạn Metropole tại Hà Nội (Ảnh: Reuters).
Chủ tịch Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Donald Trump cùng nhau đi dạo trong khuôn viên khách sạn Metropole tại Hà Nội (Ảnh: Reuters).

Sự mất lòng tin vào Triều Tiên đến từ đâu? Nó xuất phát từ một sơ đồ logic rất đơn giản và nguy hiểm do các cá nhân và tổ chức ở Mỹ và các đồng minh khu vực châu Á Thái Bình Dương tạo ra.

Những cá nhân và tổ chức này là những đối tượng hưởng lợi chính trong cuộc khủng hoảng hạt nhân.

Sơ đồ logic này bắt đầu với lời khẳng định rằng Triều Tiên là mối đe dọa đối với thế giới, đặc biệt là Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Vì Triều Tiên là mối đe dọa nên Triều Tiên là mối nguy hiểm và chắc chắn không thể tin tưởng một đất nước nguy hiểm.

Vì nước này không đáng tin nên họ phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt hoặc các cuộc tấn công quân sự.

Nói tóm lại, gốc rễ của sự ngờ vực là niềm tin rằng Triều Tiên là mối đe dọa toàn cầu. [2]

Nhưng Triều Tiên đang đe dọa phần nào của thế giới?

Triều Tiên là một nước nhỏ và nghèo nhưng rất kiêu hãnh. Triều Tiên có thể đe dọa Hàn Quốc được không?

Điều đó có thể đúng trong quá khứ, nhưng giờ đây Triều Tiên không muốn và cũng không thể vì vào năm 2018, hai miền Triều Tiên đã ký một hiệp ước không xâm lược lẫn nhau.

Liệu Triều Tiên có phải là mối đe dọa với Nhật Bản?

Triều Tiên không quan tâm đến việc đe dọa Nhật Bản. Ngược lại, trong con mắt Triều Tiên, Nhật Bản đang đe dọa họ và mối đe dọa này ngày càng gia tăng khi chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe sửa đổi Hiến pháp hòa bình cho phép nước này triển khai các hoạt động quân sự ở nước ngoài.

Triều Tiên có thực sự là mối đe dọa toàn cầu? ảnh 2Mối lo ngại của Triều Tiên khi đàm phán phi hạt nhân

Triều Tiên có thể trở thành mối đe dọa với Mỹ được không?

Lập trường của Triều Tiên về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ không thay đổi.

Nước này luôn duy trì lập trường cho rằng Triều Tiên sẽ không trả đũa bằng vũ khí hạt nhân trừ khi Mỹ tấn công trước. Vũ khí hạt nhân đơn thuần chỉ là một công cụ phòng thủ.

Hơn nữa, ngay cả khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, Mỹ chắc chắn có thể tiêu diệt tên lửa của Triều Tiên trước khi chúng đến lãnh thổ của nước này.

Ngoài ra, thật phi lý khi cho rằng Triều Tiên có thể đe dọa Nga hoặc Trung Quốc. Nói tóm lại, tuyên bố Triều Tiên là mối đe dọa với thế giới có thể chỉ là cái cớ.

Đối thoại Mỹ-Triều cần nhiều niềm tin ở các bên hơn

Hiện nay, nếu Triều Tiên không còn là mối đe dọa với đối với thế giới thì vấn đề về sự ngờ vực đối với Triều Tiên sẽ không còn xuất hiện nữa. Còn một vấn đề khác liên quan, đó là mối quan hệ giữa niềm tin và sự dối trá.

Khi ai đó nói rằng họ không thể tin tưởng Triều Tiên, điều đó có nghĩa là người đó nói dối. Thế nên, có lẽ Mỹ cũng đang nói dối. [3]

Rõ ràng cái giá phải trả cho lời nói dối của kẻ yếu lớn hơn so với cái giá của kẻ mạnh vì kẻ yếu không thể trừng phạt kẻ mạnh.

Chủ tịch Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: KCNA).
Chủ tịch Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: KCNA).

Điều nổi lên từ phân tích này là hình ảnh xấu xí về Triều Tiên do truyền thông, giới học giả và các tập đoàn công nghiệp quân sự đưa ra mang tính thành kiến và méo mó. Điều quan trọng là phải nhìn thấy hình ảnh tích cực thực sự về Triều Tiên.

Hình ảnh này sẽ làm gia tăng niềm tin vào đất nước này và cho phép tiến trình hòa bình đạt được thành công. [4]

Cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội đã kết thúc mà không có thỏa thuận như kỳ vọng. Tuy nhiên, nó không hẳn là một thất bại. Ngược lại, điều hữu ích là hai bên đã biết được những gì đối tác có thể và không thể làm.

Đặc biệt là nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un, một nguyên thủ quốc gia trẻ tuổi, không có kinh nghiệm về chính trị quốc tế đã nhận ra việc đàm phán với Tổng thống cường quốc số một thế giới khó khăn như thế nào.

Kim Jong-un chắc chắn rất thất vọng nhưng ông phải tiếp tục đối thoại với Washington với điều kiện tiên quyết là Mỹ thực sự mong muốn hòa bình và không tìm cách thay đổi chế độ ở Triều Tiên.

Một điều chắc chắn là không có sự tin tưởng lẫn nhau, tiến trình hòa bình không thể thành công.

Do đó, Tổng thống Donald Trump có lẽ cần thêm thời gian để có thể tin tưởng Triều Tiên nhiều hơn và chấp nhận việc phi hạt nhân hóa ở mức độ hợp lý. Theo đó, các lệnh trừng phạt vào nước này sẽ được dỡ bỏ. [5]

Tương lai của tiến trình hòa bình này còn phụ thuộc vào vai trò hòa giải của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, bởi lẽ cả hai cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim vừa qua được diễn ra phần lớn nhờ vào nỗ lực của Tổng thống Moon Jae-in.

Tuy nhiên, để nỗ lực của Hàn Quốc mang lại kết quả, Bình Nhưỡng và Washington cần phải nhượng bộ nhiều hơn. [6]

Triều Tiên sẽ không bao giờ chấp nhận những ý tưởng của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, John Bolton về việc lấy phi hạt nhân hóa hoàn toàn làm điều kiện tiên quyết để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Bởi lẽ, phương án đó đồng nghĩa với việc phá hủy hoàn toàn hệ thống phòng thủ quốc gia Triều Tiên. Trong hoàn cảnh đó, ông Kim Jong-un chắc chắn sẽ chọn con đường của riêng mình.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/30-chua-phai-Tet-thuong-dinh-MyTrieu-lan-2-cung-co-nen-mong-cho-ca-tien-trinh-post196118.gd

[2] https://www.asiatimes.com/2019/03/article/us-human-rights-push-ups-ante-with-north-korea/?_=4365543

[3] Tài liệu tham khảo 071 của Thông tấn xã Việt Nam ngày 22/3/2019

[4] https://www.eastasiaforum.org/2019/03/22/the-hard-road-from-hanoi/

[5] https://www.eastasiaforum.org/2019/03/20/whats-next-after-the-trump-kim-summit-2/

[6] https://www.foreignaffairs.com/articles/north-korea/2019-03-14/next-stage-korean-peace-process

Thanh Bình