Thằng Bờm và ông Cuội

03/04/2019 07:11
Xuân Dương
(GDVN) - “Tha quạ thì lấy rá đựng xương, tha kẻ bất lương thì liệu đường mà chạy. Kẻ bất lương được tha đó sẽ nâng cao trình độ, ngày càng bất lương hơn”.

Thời “cấm quần không đáy”, mấy cô “yểu điệu thục nữ” xem quạt là đồ trang sức đi đâu cũng phải có, vừa để che miệng lúc ngáp, che mặt lúc thẹn, đôi khi dùng làm “tín vật” lúc thích trai mà ngại toe toét.

Còn bậc anh hùng hay mấy đấng mày râu dưới con mắt của nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì đem cái “Chành ra ba góc da còn thiếu, khép lại đôi bên thịt vẫn thừa” vừa để che đầu, vừa làm cho mát mặt.

Truyện dân gian ngày xưa, chỉ có một thằng Bờm và Bờm chỉ có một cái quạt mo, giá trị thực cái quạt mo của Bờm chỉ bằng một nắm xôi thế mà có kẻ gạ đổi ba bò, chín trâu hoặc một bè gỗ lim để lấy cái quạt mo ấy.

Người đời gọi kẻ ấy là Phú ông, loại người này tuy khác Trọc phú nhưng trong chuyện “Thằng Bờm” thì hắn “trọc phú” hơn cả trọc phú.

Ảnh minh họa: YouTube.com
Ảnh minh họa: YouTube.com

Không ít người coi Bờm là kẻ lập dị, ngốc nghếch mà không thấy bản chất trung thực, thiện lương của Bờm.

Cái quạt mo đáng giá chỉ nắm xôi thì Bờm lấy nắm xôi, không lấy những cái vượt quá giá trị của cải mà mình có.

Cái tâm lý chê Bờm ngốc ấy không ngờ lại có sức sống mãnh liệt cho đến tận ngày nay, đặc biệt là ở “một bộ phận không nhỏ” cha mẹ học sinh và “hai bộ phận” cũng không nhỏ lãnh đạo giáo dục cấp trung ương và địa phương.

Mấy chục Phú ông ở Hòa Bình bỏ ra có 550 triệu đồng là đủ sức mua một số cán bộ biến chất Ban Tuyển sinh tỉnh này sửa điểm 140 bài thi của 56 thí sinh.

Đổi 10 triệu đồng lấy một suất đại học, họ làm sao có thể so sánh với Bờm, họ không xứng gọi là Bờm, họ chỉ là sâu mọt được sinh ra ngoài ý muốn của dân chúng. 

Thế còn những người đang dung dưỡng, bao che cho “bố con nhà ấy” có phải là Bờm?

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo chí đưa tin: “Trong thời gian diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD&ÐT, dẫn đoàn lên kiểm tra những khâu liên quan, phân công phân nhiệm, kế hoạch thực hiện của ban chỉ đạo.

Ở khâu chấm thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ÐT, lên kiểm tra hồ sơ, báo cáo, đi thực tế tại các tổ chấm tự luận và trắc nghiệm.

Sau kỳ thi, tổ chấm thẩm định của Bộ GD&ÐT đã làm việc tại Hòa Bình và cũng không phát hiện bất thường”. [1]

Sơn La cập nhật 44 thí sinh được nâng điểm, nhưng quyết giấu danh tính

Về phía địa phương: “Phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng ban chỉ đạo thi của Hòa Bình cũng khẳng định giám đốc Sở GD&ÐT, trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng của Sở cũng khẳng định không có khâu nào bất cập.

Trưởng phòng khảo thí cũng khẳng định đã làm rất chặt chẽ, quân của em không làm bậy, làm sai trong quá trình chấm thi”. [1]

Đối chiếu phát ngôn của “hai bộ phận không nhỏ” nêu trên với kết quả bên Công an mới công bố, có thể thấy người nói không phải là Bờm mà là Cuội.

Không biết được những sai phạm động trời trong phạm vi trách nhiệm quản lý của mình đó là “tầm”, biết nhưng lừa dối dư luận, đó là “tâm”.

Cái gì sinh ra “tâm và tầm” những công bộc đó? Câu trả lời không phải là “Bệnh thành tích” mà là sự giả dối đã thành thói quen trong một bộ phận không hề nhỏ cán bộ quản lý.

Không ít người sống trong sự giả dối và sống bằng sự giả dối.

Ngoài Hòa Bình, phóng viên báo Người Đưa tin đã liên hệ với ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La về vụ việc gian lận điểm thi và được ông Đức trả lời như sau:

Chúng tôi đang làm, các anh hỏi làm gì? Chúng tôi làm theo văn bản chỉ đạo của Bộ. Đó là việc của chúng tôi, không phải việc các anh”. [2]

Không phải việc của báo chí, là việc riêng của “chúng tôi”, đấy là lời ông Giám đốc sở, một chức vụ chắc chắn phải biết đến Luật Báo chí, Luật Phòng chống tham nhũng và chắc chắn cũng phải có trong hồ sơ các loại bằng cấp về Lý luận chính trị và Quản lý nhà nước!

Tại sao ông í lại ghét báo chí như vậy và tại sao người như thế lại đứng đầu việc dạy dỗ trẻ con cả một tỉnh? Câu trả lời không nằm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ chuyện mấy ông quan giáo dục, có thể thấy ngày nay, “Cuội” không còn là độc bản, lên rừng, về thành phố, trước ống kính phóng viên, trong khuôn viên cơ quan ở đâu cũng có thể gặp. Người tân tiến, đi trước thời đại gọi loại Cuội này là “Cuội 4.0”.

“Cuội 4.0” có nhiều phiên bản nâng cấp, chẳng hạn “Cuội 4.0 B” là cuội BOT giao thông, “Cuội 4.0 G” là phiên bản giáo dục,… Còn vô số “Cuội 4.0” các phiên bản “C”, “T”, “Q”, “X”,… mà độc giả dễ dàng tìm thấy quanh mình.

Đừng bao biện nữa, không dám nói tức là sợ, có thế thôi!

Có điều đành phải ngoặc thêm tí để tránh gây hiểu lầm về phiên bản “Cuội 4.0 C”.

Chữ “C” là viết tắt của từ tiếng Anh “Captain” nghĩa là Đại úy hay Thuyền trưởng chứ không phải từ “Capital”nghĩa là “Thủ đô” hay viết tắt từ “Chúa” trong tiếng Việt.

Nếu bạn đọc không thích đọc là “Cuội Thuyền trưởng”, “Cuội Đại úy” mà lại cứ muốn lái sang “Cuội Thủ đô” thì người viết cũng đành.

Tuy nghe “Cuội Thủ đô” buồn cười quá nhưng vì bạn đọc là “Thượng đế” của tờ báo nên chiều bạn đọc phải đặt thành tiêu chí hàng đầu.

Nếu bạn nào cứ muốn thay “Cuội Thủ đô” bởi “Cuội Chúa” thì đó là quyền của các bạn, người viết chỉ biết tôn trọng.

Tuy nhiên cũng xin lưu ý, rằng mỗi tổ kiến, tổ ong, tổ mối hay tổ cuội chỉ có một con chúa, nếu có hai con là lập tức chia đàn.

Về “Cuội 4.0 G”, ở đâu thì không biết chứ lên mấy tỉnh sau vụ gian lận điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2018 như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình hay xuôi về Kẻ Chợ thì thấy loại này tuy không “đông như quân Nguyên” thì cũng nhiều như bọ gậy.

Trong Tây Du Ký, Bà La Sát (Thiết Phiến Công chúa) có chiếc quạt Ba tiêu, quạt một cái lửa tắt, quạt hai cái sinh bão, quạt ba cái mưa rơi. Khi quạt vào người thì người bị cuốn bay tám vạn bốn ngàn dặm.

Không biết sau cú phẩy quạt của ông Giám đốc Hoàng Tiến Đức, phóng viên có bị bay mấy chục dặm về ngay quán bún chả Obama?

Cũng trong Tây Du Ký, ngoài Bà La Sát, Thái Thượng Lão Quân cũng có một chiếc quạt Ba Tiêu.

Chả hiểu Thái Thượng Lão Quân đã vung quạt chưa, chỉ biết lửa trong “lò dư luận” cháy bừng bừng thế mà chả thấy sức nóng ảnh hưởng gì đến “Các Cuội cao cấp”, thế có phải câu “gần lò rát mặt” hóa ra sai bét?

Cầu mong Lão Quân phẩy cho bọn cuội hai nhát, cho chúng lộn tùng phèo tám vạn bốn nghìn dặm, biến khỏi mảnh đất hình chữ S này.

Xin ngài đừng phẩy quạt ba cái, mưa rơi xối xả, lò đỏ rực bị tắt ngúm, lúc đó lại khổ bà con phải chuẩn bị rổ rá đi vớt cá rô rạch ngược.

Cầu mong là thế nhưng có lẽ phải thực hiện chiến thuật “Xẩm sờ chân voi” mà đoán, rằng thì là Lão Quân đang bận luyện “Kỳ đan” tức là “Đan nhiệm kỳ” nên chưa để ý đến chuyện điểm chác, nhờ thế “Cuội Thủ đô” mới có cơ nhởn nhơ thuyết pháp, nào là nhân đạo, nào là các cháu còn trẻ, nào là không để chuyện người lớn ảnh hưởng đến trẻ em,…!

Sợ học trò bị tổn thương hay sợ bố mẹ các em mất ghế?

Báo chí tường thuật những việc làm nổi trội của “Cuội 4.0 G” trong đợt “Thanh cha, thanh dì” những nơi có gian lận điểm như sau:

Trong buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thi, (ông TT X) đánh giá cao những thành tích mà Ban Chỉ đạo thi tỉnh … đạt được. Qua đó, động viên Ban Chỉ đạo cần cố gắng hơn nữa để kỳ thi trung học phổ thông  quốc gia năm nay thành công tốt đẹp”. [3]

“(Ông TT Y) khẳng định sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm. Tuy nhiên, ông cho rằng với quy trình làm thi chặt chẽ như hiện nay, việc gian lận là rất khó và gần như không thể". [4]

Đánh giá cao những thành tích mà Ban Chỉ đạo thi đạt được, khẳng định việc gian lận là rất khó và gần như không thể, chẳng biết bây giờ có phủi phui cái mồm vì lúc đó nói bừa?

Dân chúng góp ý thế này: “Tha quạ thì lấy rá đựng xương, tha kẻ bất lương thì liệu đường mà chạy. Kẻ bất lương được tha đó sẽ nâng cao trình độ, ngày càng bất lương hơn”.

Cái lý của dân là như thế, nhưng cái lý của “Cuội 4.0 G” phải khác chứ, chẳng lẽ lại nghe dân mà làm mếch lòng Phú ông.

Mà đâu có ít, 222 kẻ được nâng điểm chắc phải là con cái trên 200 Phú ông, vạch áo cho người xem bụng thì xấu cuội hổ đày tớ, chả dại.

Lo cho tương lai của kẻ gian dối mà quên đi tương lai đất nước, để cho những kẻ đó tiếp tục gian dối, tiếp tục vung “ba bò, chín trâu” vênh vang đời bố, củng cố đời con có phải chỉ là chuyện “gặp gian lận thế thì phải … lận”?

Mới đây, tại hội thảo "Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hoá ứng xử", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nói đến hai thói xấu phổ biến của người Việt là “chen lấn giao thông” và “xả rác bừa bãi”.

Dùng tiền hoặc quan hệ giúp con cháu “chen ngang” giảng đường đại học, kiên quyết không công khai danh tính kẻ vi phạm không phải là thói xấu mà phải gọi đúng bản chất là bất lương, là ngồi xổm trên pháp luật.

Liên quan đến chuyện này chắc không phải là những bà con nghèo khó mà chỉ có thể là người có tiếng nói khiến người khác phải nể sợ, có thể nhiều người trong số đó có đủ loại bằng cấp nhưng nói là “có học” thì e là hơi vội.

Nếu để tồn tại trong hệ thống những quan chức mua điểm cho con cái, những cán bộ kiên quyết không công khai danh tính người vi phạm thì có nghĩa là Hệ thống chứ không phải dân chúng đang “xả rác bừa bãi”, mà loại rác này sẽ có ngày “cưỡi lên đầu lên cổ người dân” – như lời một ông tướng quân đội từng nói.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.tienphong.vn/giao-duc/3-lan-kiem-tra-deu-khong-phat-hien-ra-sai-pham-1309080.tpo

[2] https://www.nguoiduatin.vn/son-la-se-khong-cong-khai-danh-sach-thi-sinh-gian-lan-diem-thi-a427195.html

[3]http://www.phapluatplus.vn/thu-truong-bo-giao-duc-va-dao-tao-kiem-tra-ky-thi-thpt-quoc-gia-tai-ha-giang-d72156.html

[4] https://vnexpress.net/giao-duc/doan-cong-tac-cua-bo-giao-duc-len-ha-giang-xac-minh-bat-thuong-diem-thi-3777852.html

Xuân Dương