Ngày 1/4, xác nhận với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết: “Đã chỉ đạo cán bộ cập nhật điểm thi thật của 44 thí sinh được nâng điểm”.
Trong khi đó, lãnh đạo văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cung cấp thêm thông tin cho phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Sở đã cập nhật xong điểm thi thật, theo kết quả chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và đào tạo, trong kỳ thi Trường trung học phổ thông Quốc gia 2018 của 44 thí sinh được nâng điểm thi.
Rất phi lý, bất công nếu chỉ trả lại điểm thi thật cho thí sinh được nâng điểm |
Các trường đại học, học viện, cao đẳng đã chủ động liên hệ với Sở để cập nhật tên các thí sinh này. Sở cũng đã báo cáo lãnh đạo tỉnh Sơn La và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Vị này cũng cho biết, vì danh sách 44 thí sinh không được phép công bố nên Sở không cung cấp được chi tiết những thí sinh nào được nâng điểm.
Trước đó, ngày 23/3, kết quả được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy Sơn La có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây.
Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9,00 điểm.
Ngay khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 44 thí sinh được nâng điểm, xung quanh câu chuyện gian lận thi cử xảy ra tại một số tỉnh thành như Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang cho rằng cần công khai danh sách thí sinh được nâng điểm lên để minh bạch thông tin và có tính chất răn đe.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, không nên công bố tên thí sinh để bảo vệ quyền lợi, tránh những tổn hại không đáng có cho các thí sinh liên quan vì các em còn trẻ, có khi các em không liên quan đến việc sửa điểm mà do chính cha mẹ của các em làm.
Câu hỏi mà nhiều thí sinh và phụ huynh băn khoăn đó là sau quá trình điều tra, nếu điểm thi thật được trả lại, thì với những em đã trượt nguyện vọng 1 vì bị thí sinh điểm giả lấy mất cơ hội có được gọi nhập học ở ngôi trường mình từng mơ ước hay không vẫn chưa có câu trả lời.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc không công khai danh sách thí sinh được nâng điểm và được trả lại điểm thi thật là rất phi lý và không công bằng đối với những thí sinh học thật, thi thật. Ảnh: Vũ Phương. |
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về kết quả bước đầu vụ gian lận thi tại Sơn La được công bố, một giáo viên tại Sơn La cho biết: “Điểm thi Sơn La, có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây đã phần nào lấy lại sự công bằng cho những thí sinh thi thật, học thật.
Tuy nhiên, những bức xúc của phụ huynh ở Sơn La vẫn còn rất nặng nề vì đồng nghĩa với gian lận là lấy đi cơ hội học tập của những em học thật, thi thật, nỗ lực hết mình suốt 12 năm.
Có thể nói con số 44 thí sinh có bài thi gian lận được công bố chưa làm hài lòng phụ huynh Sơn La. Bởi việc gian lận quá tinh vi thì việc phát hiện hết các trường hợp gian lận là rất khó”.
Còn trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một thí sinh tham dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 tại điểm thi Trường trung học phổ thông chuyên Sơn La nay đã là sinh viên của một trường đại học tại Hà Nội cho rằng, con số 44 thí sinh tại Sơn La có liên quan đến gian lận chưa thuyết phục.
Không công khai danh tính là sai lầm, em nào có bản lĩnh sẽ biết vượt lên |
Thí sinh này cho rằng: “Khó có công bằng tuyệt đối, nhưng ít nhiều những bài thi gian lận đã được công bố khiến bản thân em và những thí sinh thi bằng chính thực lực của mình lấy lại được niềm tin vào công lý, vào sự công bằng”.
Nói về con số 44 thí sinh liên quan đến tiêu cực, thí sinh này cho rằng, con số đó chỉ là một trong những hình thức gian lận bị phát hiện, có hình thức gian lận khó phát hiện hơn nhiều.
Cựu học sinh Trường chuyên Sơn La phân tích: “Không chỉ bản thân em và nhiều bạn cùng thi với em cho rằng có 2 kiểu gian lận trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018.
Một là thí sinh là nộp phiếu trắc nghiệm để trắng tức là chỉ ghi thông tin còn đáp án không tô 1 câu nào. Khi chấm sẽ có người tô đáp án đúng. Bởi vậy, sẽ không thể tìm ra dấu vết tẩy xóa.
Hai là 2 là thí sinh làm bình thường, sau đó sẽ có người tẩy xóa đáp án. Công bố 44 thí sinh có thể là theo kiểu gian lận thứ hai này tức là có dấu hiệu tẩy xóa trong bài thi”.
Liên quan đến gian lận thi tại Sơn La, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đề nghị Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh tiếp tục điều tra mở rộng liên quan đến việc gian lận thi kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018.