Chương trình Sữa học đường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 lựa chọn sữa tươi, không chỉ vì sau sữa mẹ, sữa tươi là giải pháp tốt nhất để cải thiện dinh dưỡng và tăng sức bật chiều cao trong lứa tuổi vàng cho trẻ em (2-12 tuổi).
"Cáo gửi chân" vào Sữa học đường? |
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chọn sữa tươi cho Sữa học đường còn là một giải pháp chính sách rất khả thi, rất thực tiễn để phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa, gắn sản xuất với tiêu thụ sữa tươi nguyên liệu.
Trong loạt bài phân tích và phản biện cách triển khai chương trình Sữa học đường tại một số địa phương trái với Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã đề cập đến các trường hợp Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Hà Nam, Đà Nẵng.
Với khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin phân tích vai trò của nhà cung cấp sản phẩm cho chương trình Sữa học đường ở các địa phương này, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), trong việc làm trái Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Thêm 1 tỉnh rót ngân sách mua sữa bột pha lại của Vinamilk trái quy định cho Sữa học đường
Ngày 30/5/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ra Quyết định số 457/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch triển khai Chương trình Sữa học đường theo tham mưu của Giám đốc Sở Y tế Kon Tum.
Sản phẩm Sữa học đường mà trẻ em Kon Tum sử dụng không phải sữa tươi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, mà là sữa bột pha lại dưới tên gọi "sữa dinh dưỡng tiệt trùng" của Vinamilk, ảnh chụp màn hình phóng sự của Đài truyền hình Kon Tum. |
Quyết định số 457/QĐ-UBND giao cho Sở Y tế chủ trì, lựa chọn nguồn sữa và đơn vị cung ứng sữa đảm bảo theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng phục vụ Chương trình Sữa học đường.
Ngày 6/11/2017, Sở Y tế Kon Tum ban hành kế hoạch số 3126/KH-SYT thực hiện chương trình Sữa học đường giai đoạn 2017-2020; mục 3. Triển khai cho học sinh uống sữa, nêu:
Lựa chọn nguồn sữa và đơn vị cung ứng sữa đảm bảo theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng phục vụ Chương trình Sữa học đường (trên thực tế đã chọn Công ty Cổ phần sữa Việt Nam là đơn vị đảm bảo các điều kiện để cung ứng sữa).
Kinh phí mua sữa cho học sinh: Vinamilk 30%, ngân sách tỉnh và huyện cân đối đảm bảo 60%, cha mẹ học sinh đóng góp 10%.
Kinh phí mua sữa cho 4 tháng cuối năm 2017 là 1.787.813.280 đồng (một tỷ, bảy trăm tám mươi bảy triệu, tám trăm mươi ba nghìn hai trăm tám mươi đồng). [1]
Ngày 16/11/2017, Sở Y tế Kon Tum tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình Sữa học đường, tại đây, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kon Tum đã trình bày kế hoạch số 3126/KH-SYT ngày 6/11/2017, đồng thời cho biết:
Cần dẹp ngay sữa pha lại của Vinamilk, VPMilk, Milo, Fami Kid khỏi Sữa học đường |
Sở Y tế đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xin chủ trương mua sắm theo hình thức chỉ định thầu trực tiếp đối với Công ty Sữa Vinamilk, ủy quyền cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh trực tiếp ký kết hợp đồng cung cấp sữa với Công ty Sữa Vinamilk. [2]
Phóng sự "Vì trẻ thơ" của Đài truyền hình tỉnh Kon Tum đăng ngày 21/5/2018 về việc triển khai Chương trình Sữa học đường, cho thấy sản phẩm mà các em sử dụng là sữa bột pha lại của Vinamilk. [3]
Việc dùng ngân sách mua sữa bột pha lại cho Chương trình Sữa học đường đã trái Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc đề xuất chỉ định thầu Vinamilk cung cấp sữa bột pha lại cho chương trình này càng khiến dư luận đặt câu hỏi, có hay không sự bắt tay giữa doanh nghiệp với một số cá nhân phụ trách / tham mưu thực hiện Chương trình Sữa học đường của tỉnh Kon Tum?
Tình trạng mua sữa bột pha lại cho Chương trình Sữa học đường cũng đã và đang xảy ra tại Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Hà Nam và đơn vị cung cấp sữa bột pha lại cũng là Vinamilk.
Vinamilk đã chuẩn bị sẵn cho việc đưa sữa bột pha lại vào Chương trình Sữa học đường?
Thông cáo báo chí của Vinamilk ngày 6/10/2016, "Vinamilk tiên phong trong sữa học đường, vì một Việt Nam vươn cao", cho biết:
Vinamilk đồng hành cùng Chính phủ và các Bộ Ngành liên quan đặc biệt là Bộ Y Tế để triển khai chương trình Sữa Học Đường ở phạm vi quốc gia.
Ngày 05/10/2016 tại Tuyên Quang, Vinamilk đã tổ chức lễ phát động chương trình sữa học đường năm 2016 tại tỉnh Tuyên Quang. [4] [5]
Học sinh Trường Tiểu học Trảng Đà uống sữa bột pha lại trong lễ phát động Chương trình Sữa học đường 2016, ảnh chụp màn hình phóng sự của Truyền hình Nhân dân. |
Cũng giống như các lễ phát động Chương trình Sữa học đường Vinamilk tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam, Đồng Nai, Bắc Ninh cùng năm 2016, sản phẩm Vinamilk sử dụng là sữa dinh dưỡng tiệt trùng nhãn ADM Gold.
Theo bản tự công bố sản phẩm số 31-C3/VNM/2018, sản phẩm sữa dinh dưỡng tiệt trùng có đường - Vinamilk ADM Gold, sản phẩm có thành phần:
Sữa (96%) (nước, bột sữa, chất béo sữa, sữa tươi), đường (3,8%), dầu thực vật, chất ổn định (471, 460 (i), 407, 466), hương liệu tổng hợp dùng cho thực phẩm, vitamin (PP, B1, B5, B6, A, acid folic, K1, biotin, D3, B12), khoáng chất (kẽm sulfat, kali iodid, natri selenit).
Nếu quả thực "Vinamilk đồng hành cùng Chính phủ và các Bộ Ngành liên quan đặc biệt là Bộ Y tế để triển khai chương trình Sữa Học Đường ở phạm vi quốc gia" thì Vinamilk thừa hiểu, sản phẩm Thủ tướng Chính phủ quy định là sữa tươi.
Bộ trưởng Giáo dục có chỉ đạo cho Nestlé vào Sữa học đường hay không? |
Còn việc tặng sữa bột pha lại cho các tỉnh thành là hoạt động tiếp thị bình thường của doanh nghiệp trong đó có tặng sữa từ thiện với tên gọi "sữa học đường vì một Việt Nam vươn cao" do Vinamilk tổ chức, chứ không phải Chương trình Sữa học đường quốc gia theo Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là hoạt động thương mại hoặc thương mại kết hợp từ thiện của doanh nghiệp tổ chức, không do bất kỳ bộ, ngành nào tổ chức, đặc biệt là Bộ Y tế.
Bằng những thông tin nhập nhèm này, cha mẹ học sinh và chính quyền sở tại có thể bị hiểu lầm rằng sản phẩm này được Bộ Y tế cho phép tham gia Chương trình Sữa học đường.
Hơn nữa, ngày 6/2/2017, Cục An toàn thực phẩm ra văn bản số 4034/2017/ATTP-XNCB xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho sản phẩm Sữa dinh dưỡng tiệt trùng có đường - Vinamilk ADM Gold - Học đường. [6]
Ngày 3/8/2017, Cục An toàn thực phẩm có văn bản số 26399/2017/ATTP-XCNB xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho sản phẩm Sữa dinh dưỡng tiệt trùng không đường - Vinamilk ADM Gold - Học đường. [7]
120 ngàn con bò sữa Vinamilk ở đâu để Hà Nội thiếu sữa, 3 tỉnh dùng sữa pha lại? |
Theo công bố của Vinamilk, sản phẩm "Sữa dinh dưỡng có đường - Vinamilk ADM Gold - Học đường", thành phần ghi:
Sữa (95,7%) (nước, sữa bột, chất béo sữa), đường (4,0%), chất ổn định (471, 460 (i), 407, 466), vitamin (natri ascorbat, PP, E, B1, B6, B5, A, acid folic, B2, K1, D3), khoáng chất (tricalci phosphat, sắt pyrophosphat, kẽm sulfat, đồng sulfat, kali iodid, natri selenit), hương liệu tổng hợp dùng cho thực phẩm, taurin. [8]
Không có chút sữa tươi nào trong sản phẩm nói trên mà Vinamilk tự dán nhãn "học đường" và được Cục An toàn thực phẩm chứng nhận hợp quy.
Thời điểm Vinamilk tự công bố sản phẩm "Sữa dinh dưỡng có đường - Vinamilk ADM Gold - Học đường" là ngày 21/9/2018, trước khi Hà Nội tổ chức đấu thầu Sữa học đường.
Trước đó 4 ngày, ngày 17/9/2018 xuất hiện công văn số 5454/BYT-ATTP đề xuất với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, xin bổ sung thêm các loại sữa dạng lỏng khác vào Chương trình Sữa học đường (trái Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016).
Rất may, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế đã kiên quyết giữ vững lựa chọn sữa tươi cho chương trình, hơn nữa Bộ trưởng Y tế còn chỉ rõ quy định đối với sữa tươi nguyên liệu phải tuân thủ Thông tư 29/2017/TT-BNNPTNT.
Thực tiễn này buộc chúng tôi phải nhắc lại câu hỏi, 120 ngàn con bò sữa mà Vinamilk tuyên bố đang ở đâu, mà doanh nghiệp này lại bán sữa bột pha lại vào Chương trình Sữa học đường tại các địa phương trên?
Những dữ liệu trên cho thấy, dường như Vinamilk đã có sự chuẩn bị kỹ càng và bài bản trong việc đưa sữa bột pha lại vào Chương trình Sữa học đường, bất chấp quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Ai nhân danh Bộ trưởng tiếp tay cho Nestlé Milo "chui" vào Sữa học đường? |
Chúng tôi sẽ phân tích kỹ sản phẩm "Sữa dinh dưỡng" được gắn mác "Học đường" của Vinamilk trong các bài viết tới, đối chiếu với các quy định của Bộ Y tế để tìm ra bản chất vấn đề đằng sau tên gọi này.
Ai đã tiếp tay cho Vinamilk đưa sữa bột pha lại vào Chương trình Sữa học đường của Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam, Khánh Hòa, Kon Tum và một số địa phương khác? Vinamilk đưa sữa bột pha lại vào Sữa học đường vì lợi nhuận, hay còn vì động cơ nào khác?
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ, giữ gìn kỉ cương phép nước cũng như mục tiêu tốt đẹp của Chương trình Sữa học đường.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, phản ánh và phản biện cách thức triển khai Chương trình Sữa học đường tại các địa phương, đấu tranh với các hành vi trái với Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Mời quý bạn đọc theo dõi tiếp bài viết: "Sữa dinh dưỡng học đường của Vinamilk có bao nhiêu % sữa?".
Tài liệu tham khảo:
[1]http://syt.kontum.gov.vn/NewsDetail.aspx?id=1235
[2]http://syt.kontum.gov.vn/tin-hoat-dong/So-Y-te-to-chuc-Hoi-nghi-truc-tuyen-trien-khai-Chuong-trinh-Sua-hoc-duong-tren-dia-ban-tinh-Kon-Tum,-giai-doan-2017--2020-1207
[3]http://kontumtv.vn/video-clip/chuyen-muc/vi-tre-tho-chuyen-muc/vi-tre-tho-2052018
[4]https://www.vinamilk.com.vn/vi/mobile/thong-cao-bao-chi/1318/vinamilk-tien-phong-trong-sua-hoc-duong-vi-mot-viet-nam-vuon-cao
[5]http://doingoai.tuyenquang.gov.vn/n157_vinamilk-tai-tro-1-ty-dong-trong-chuong-trinh-sua-hoc-duong-tai-tuyen-quang_vi
[6]http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:ikwsM5VXExEJ:congbosanpham.vfa.gov.vn/uploadiframe!openFileSignPublic.do%3FfileId%3D399280+&cd=10&hl=vi&ct=clnk&gl=vn
[7]http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:l0h__8CQtA4J:congbosanpham.vfa.gov.vn/uploadiframe!openFileSignPublic.do%3FfileId%3D455091+&cd=4&hl=vi&ct=clnk&gl=vn
[8]https://vinamilk.com.vn/cong-bo-san-pham/nhom-san-pham/thuc-pham-bo-sung/