Chưa kiểm soát được chất lượng thật thì quy định giáo viên có chứng chỉ làm gì?

09/04/2019 06:41
Đỗ Quyên
(GDVN) - Người có và chưa có chứng chỉ ngoại ngữ hoàn toàn không khác nhau về trình độ, chỉ khác nhau một tờ giấy có chữ kí và đóng dấu đỏ của một cơ sở đào tạo nào đó.

256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn Hà Nội đứng trước nguy cơ mất việc không phải do năng lực chuyên môn yếu kém, cũng chẳng phải do đạo đức nghề nghiệp có vấn đề.

Họ phải nghỉ dạy là do không có trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu để tham gia kỳ thi công chức sắp tới.

Vì thi ngoại ngữ nên thầy cô không có đủ trình độ để vượt qua môn thi ấy.

Nếu như chỉ xét bằng, xét chứng chỉ ngoại ngữ, chúng tôi đồ rằng 100% giáo viên có đủ tiêu chuẩn.

Cầm được chứng chỉ Anh văn chỉ sau một buổi thi (Hình minh họa VOV)
Cầm được chứng chỉ Anh văn chỉ sau một buổi thi (Hình minh họa VOV)

Cái họ thiếu chính là “Trình độ ngoại ngữ” thật. Và có thể khẳng định chắc chắn, phải đến 95% giáo viên phổ thông hiện nay không có trình độ ngoại ngữ thật.

Nhưng cũng có tới 95% giáo viên đã có đầy đủ văn bằng chứng chỉ ngoại ngữ theo yêu cầu.

Có tiền là có bằng, có chứng chỉ ngoại ngữ

Giá cho một chứng chỉ Anh văn thường dao động từ dăm trăm ngàn đến vài triệu đồng.

Giá cả có khác nhau không thể hiện được chất lượng văn bằng chứng chỉ mà do nhiều cơ sở đào tạo cạnh tranh nhau nên đưa giá hấp dẫn để thu hút người đăng kí.

Riêng cách thức “đào tạo” lại chẳng hề khác nhau tẹo nào.

Quy trình phổ biến luôn là: nộp tiền – ghi tên – phát tài liệu – vào thi (thực chất là sao chép từ tài liệu vào bài thi) – nhận chứng chỉ.

Sau khi mất một khoản tiền, giáo viên nhận về tờ chứng chỉ và phô tô nộp lại cho nhà trường lưu vào hồ sơ công chức.

Thế là xong một khoản “nợ”, và thế là nghiễm nhiên ta đã đủ chuẩn theo quy định của ngành.

Chứng chỉ cứ nằm yên trong hồ sơ và giáo viên cũng chẳng bao giờ phải dùng đến dù là một câu nói.

Chưa kiểm soát được chất lượng thật thì quy định giáo viên có chứng chỉ làm gì? ảnh 2

Giáo viên nhiều địa phương lại nháo nhào đăng kí thi các loại chứng chỉ

Vậy người có chứng chỉ ngoại ngữ, có khác người chưa có chứng chỉ ngoại ngữ hay không?

Hoàn toàn không khác nhau về trình độ, chỉ khác nhau một tờ giấy có chữ kí và đóng dấu đỏ của một cơ sở đào tạo nào đó mà thôi.

Quy định giáo viên có trình độ ngoại ngữ để làm gì?

Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT ban hành quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở, giáo viên phổ thông có quy định:

Điều 8. Tiêu chuẩn 5. Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục

Sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng các thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.

1. Tiêu chí 14. Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc

a) Mức đạt: Có thể sử dụng được các từ ngữ giao tiếp đơn giản bằng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) hoặc ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

b) Mức khá: Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày hoặc chủ đề đơn giản, quen thuộc liên quan đến hoạt động dạy học, giáo dục (ưu tiên tiếng Anh) hoặc biết ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

c) Mức tốt: Có thể viết và trình bày đoạn văn đơn giản về các chủ đề quen thuộc trong hoạt động dạy học, giáo dục (ưu tiên tiếng Anh) hoặc ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc.

Có thể nói, chỉ ở mức đạt “Có thể sử dụng được các từ ngữ giao tiếp đơn giản bằng ngoại ngữ” hầu như phần lớn giáo viên cũng chẳng thể đạt thì nói gì đến những mức khá, mức tốt.

Chỉ 4 trường đủ điều kiện cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ theo khung 6 bậc

Trong thực tế giảng dạy, các thầy cô không bao giờ phải sử dụng đến vốn ngoại ngữ.

Nhiều giáo viên cho rằng “Nếu học chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao tay nghề phục vụ cho việc giảng dạy thì khó khăn, vất vả bao nhiêu, giáo viên cũng phải gắng công thực hiện.

Đằng này, bắt học những cái chẳng giúp gì cho việc dạy và học của học sinh nên phần nhiều giáo viên không mặn mà, không đồng tình là thế”.

Khi xây dựng tiêu chuẩn nghề nghiệp giáo viên, người ta đưa yêu cầu giáo viên phải có trình độ ngoại ngữ cũng không nhằm ngoài mục đích nâng cao trình độ nhận thức của thầy cô giáo.

Và yêu cầu này đương nhiên phải là chất lượng thật.

Thế nhưng hiện nay, phần đông giáo viên không đạt được chất lượng thật theo yêu cầu mà toàn là chất lượng ảo.

Chất lượng ảo đương nhiên chẳng giúp gì cho việc nâng cao trình độ ngoại ngữ của giáo viên, nói gì đến nhờ đó mà nâng cao chất lượng học tập cho học sinh.

Chất lượng dạy và học không nâng lên, ngược lại càng tạo điều kiện, cho những người cơ hội bòn rút tiền của những thầy cô giáo vốn đã nghèo, khó vẫn phải bỏ tiền ra mua cái chứng chỉ về chưng vào tủ kính.

Chúng tôi cứ tự hỏi nhau "Người ta quy định giáo viên có chuẩn ngoại ngữ để làm gì?"

Thế nên, khi chưa kiểm soát được chất lượng thật của những văn bằng chứng chỉ kia thì không nên có quy định giáo viên phải có chuẩn ngoại ngữ như hiện nay.

Đỗ Quyên