Sau 5 năm thực hiện Mô hình trường học mới, ngày 15/3, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận ban hành Công văn số 527/SGD&ĐT-MN&TH hướng dẫn một số công việc về việc triển khai thực hiện Mô hình trường học mới cấp tiểu học.
Từ năm học 2012-2013 đến nay toàn tỉnh đã có 102/262 (chiếm 38.9%) trường tiểu học thực hiện Mô hình trường học mới.
Ảnh chụp công văn. |
Công văn của Sở Giáo dục tỉnh Bình Thuận |
Những trường học còn lại, trên lý thuyết là chưa thực hiện học theo Mô hình VNEN nhưng thực chất cấp trên vẫn buộc các trường giảng dạy chẳng khác gì Mô hình VNEN.
Điểm khác duy nhất chính là, học sinh học sách giáo khoa hiện hành nhưng theo kiểu của VNEN.
Cũng ngồi học theo mâm, theo nhóm suốt buổi, cũng tự học là chính và cũng cắm bông, cắm hoa, cũng giới thiệu, báo cáo…
Sau 5 năm áp dụng và liên tục triển khai mở rộng các trường học trong toàn tỉnh dạy học theo Mô hình VNEN, đây là lần đầu tiên tỉnh Bình Thuận tổ chức lấy ý kiến rộng rãi cho tất cả phụ huynh học sinh.
Nếu so với nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, ví dụ cụ thể là tỉnh ráp ranh Bà Rịa - Vũng Tàu, về việc lấy ý kiến phụ huynh đồng ý hay không đồng ý cho con theo học Mô hình trường học mới thì tỉnh Bình Thuận làm khá chậm.
Tuy nhiên, dù chậm cũng còn hơn không.
Dự án VNEN ươm mầm những điều giả dối? |
Thời gian tới, tất cả các trường học trong toàn tỉnh sẽ tổ chức họp phụ huynh để lấy ý kiến.
Hướng dẫn quá kĩ cách giải quyết có ngáng trở việc không đồng ý của phụ huynh?
Công văn nhấn mạnh: Trên cơ sở khảo sát lấy ý kiến của phụ huynh học sinh, các trường thống kê, tổng hợp ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý của phụ huynh học sinh về việc thực hiện Mô hình trong năm học tới.
Ảnh minh họa, nguồn: Báo Bình Thuận. |
Trong trường hợp có một số ít phụ huynh học sinh không đồng ý cho con học theo Mô hình trường học mới (số học sinh không đủ để tổ chức một lớp học theo Chương trình hiện hành) thì nhà trường báo cáo bằng văn bản về Phòng Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến chỉ đạo và thỏa thuận với phụ huynh tiếp tục cho con em họ học tại trường theo Mô hình trường học mới.
Hoặc, nhà trường giới thiệu để con em họ chuyển sang trường khác trong địa bàn để học theo Chương trình hiện hành.
Trường hợp có nhiều phụ huynh không đồng ý cho con học theo Mô hình trường học mới (Số học sinh đủ để tổ chức theo Chương trình hiện hành) thì nhà trường xin ý kiến Phòng Giáo dục đồng ý cho mở một lớp học theo Chương trình hiện hành để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho phụ huynh học sinh.
Trường hợp tất cả phụ huynh không đồng ý thì nhà trường cũng xin ý kiến chỉ đạo chuyển sang dạy học theo Chương trình hiện hành.
Đặc biệt, Công văn còn lưu ý, các trường trước khi tiến hành khảo sát phụ huynh học sinh phải giải thích và làm tốt công tác tuyên truyền với đội ngũ và phụ huynh học sinh.
Gánh nặng VNEN đè lên vai các tỉnh, tương lai học sinh thí điểm chông chênh |
Tuyệt đối không ép buộc phụ huynh học sinh phải để con em họ học theo Mô hình VNEN hoặc học theo Chương trình hiện hành.
Phụ huynh có dám không đồng ý?
Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu Công văn chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận không đề ra hướng giải quyết chi tiết khi có những ý kiến không đồng ý cho con mình theo học Mô hình dạy học VNEN để các trường căn cứ vào đấy để triển khai.
Công văn của Sở Giáo dục cũng đã chỉ rõ “Các trường trước khi tiến hành khảo sát phụ huynh học sinh phải giải thích và làm tốt công tác tuyên truyền với đội ngũ và phụ huynh học sinh…”.
Làm tốt công tác tuyên truyền được hiểu theo nghĩa nào mới đúng? Công bằng mà nói, phần lớn giáo viên không đánh giá cao hiệu quả của Mô hình dạy học này.
Thế nhưng không nhiều thầy cô giáo dám nói lên điều đó nhất là khi đã đọc được ý của cấp trên.
Gánh nặng VNEN đè lên vai các tỉnh, tương lai học sinh thí điểm chông chênh |
Nay, Công văn của Sở Giáo dục cũng đã khẳng định “…với sự nỗ lực, vượt khó, đổi mới của đội ngũ thầy cô giáo đã mang lại kết quả rất khả quan, để tiếp tục triển khai việc dạy học theo Mô hình trường học mới…”.
Cấp trên đã đánh giá Mô hình dạy học VNEN rất khả quan (theo từ điển tiếng Việt thì khả quan có nghĩa: tương đối tốt đẹp và có khả năng ngày càng tốt đẹp, có thể yên tâm được) thì giáo viên nào dám nói rằng chưa ổn?
Vậy sẽ được hiểu “Làm tốt công tác tuyên truyền” chính là hướng cho phụ huynh tiếp tục ủng hộ Mô hình dạy học mới VNEN.
Bên cạnh đó, nếu một số phụ huynh không đồng ý cho con học VNEN nhà trường giới thiệu để con em họ chuyển sang trường khác trong địa bàn để học theo Chương trình hiện hành.
Mấu chốt vấn đề ở đây, trong một địa bàn nhiều trường gần nhau đang dạy VNEN, nếu muốn chuyển sang trường khác (dù cùng một địa bàn) cũng cách nhau hàng chục cây số hoặc hơn, liệu phụ huynh nào lại muốn điều đó?
Thầy cô đã tuyên truyền, cùng với việc sợ phải chuyển trường cho con, dù bản thân phụ huynh ấy không đồng ý cho con học Mô hình mới cũng chẳng dám phản đối.
Hóa ra tự nguyện mà chẳng khác gì là bắt buộc, và dù chưa lấy ý kiến phụ huynh, chúng tôi cũng dám chắc gần như 100% phụ huynh sẽ đồng ý để con tiếp tục học theo mô hình này mặc dù trong thực tế khá nhiều người không muốn.
Giá mà, chỉ "giá mà" thôi, Công văn của Sở Giáo dục tỉnh Bình Thuận đừng hướng dẫn cách giải quyết kĩ thế, các trường đừng nhấn mạnh giáo viên phải làm tốt công tác tuyên truyền, đừng nói sẽ chuyển trường khác nến không đồng ý…
Mà nhà trường cứ phát phiếu cho phụ huynh tự đánh giá, xong xuôi thu lại và thống kê.
Sau khi tổng hợp đầy đủ ý kiến Có-Không mới xin ý kiến chỉ đạo cách giải quyết thì chắc chắn kết quả thăm dò ý kiến của phụ huynh sẽ khách quan, dân chủ hơn nhiều.