LTS: Cho rằng, cái khác cơ bản của bộ sách giáo khoa mới tới đây trong chương trình giáo dục phổ thông mới cũng chỉ là việc thêm bộ sách VNEN và bộ sách giáo khoa của thành phố Hồ Chí Minh, tác giả Nhật Duy đưa ra bài viết phân tích về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đọc bài viết: “Thầy Nguyễn Minh Thuyết nói, ai viết sách giáo khoa thì phải tự thực nghiệm” của phóng viên Thùy Linh đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 06/5/2018, chúng tôi suy nghĩ rất nhiều.
Liệu có cá nhân, tổ chức nào có đủ khả năng để viết sách giáo khoa mới không?
Chắc chắn sẽ có rất nhiều nhưng cũng chắc chắn một điều sẽ chẳng có ai mặn mà với công việc này bởi tinh ý thì ngay từ khi công bố chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chúng ta đã thấy được vấn đề.
Sách giáo khoa mới có đi theo "vết xe VNEN"? (Ảnh minh họa: vtc.vn). |
Rốt cuộc “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” có thành hiện thực?
Theo lộ trình thì thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.
Nhưng, thời điểm này thì các môn của các cấp học đã được tiến hành thực nghiệm xong.
Điều này cũng đồng nghĩa bộ sách giáo khoa mới đã được thực nghiệm đúng theo kế hoạch và mọi chuyện gần như đã an bài.
Tất cả những ý kiến lâu nay của dư luận về 2 môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở chỉ là việc giáo viên và dư luận góp ý cũng chỉ để… cho vui mà thôi.
Bởi từ những thực tế đang diễn ra thì có lẽ không còn nhiều cơ hội cho các tổ chức, cá nhân ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia viết sách giáo khoa nữa và mọi người đã đoán được chủ ý của Bộ.
Theo chúng tôi bộ sách giáo khoa mới tới đây về cơ bản vẫn là bộ sách giáo khoa “độc quyền” như hiện hành.
Nếu có khác chăng nữa cũng chỉ là thêm bộ sách VNEN và bộ sách của thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình mới sao chép VNEN thì thà giữ chương trình cũ còn hơn |
Nếu vậy, cái khác cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông mới lần này cũng chỉ là việc thêm bộ sách giáo khoa của thành phố Hồ Chí Minh mà thôi.
Chúng tôi chợt nhớ, ngay sau khi thông qua dự thảo chương trình môn học thì giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới đã chia sẻ với báo chí:
“Ban soạn thảo chương trình hoàn toàn có quyền viết sách giáo khoa. Bởi lẽ, người soạn thảo chương trình sẽ là người nắm rất chắc chương trình nên việc viết sách giáo khoa sẽ có lợi”.
Và, việc “có lợi” đó đang được ban soạn thảo chương trình môn học áp dụng và phát huy.
Về lý thuyết thì các cá nhân, tổ chức ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn có thể tham gia viết sách giáo khoa mới.
Tuy nhiên, với khoảng thời gian từ nay đến năm 2020 không phải là nhiều mà còn phải qua rất nhiều khâu như thông qua chương trình môn học chính thức, tập huấn viết sách, tiến hành viết sách, tiến hành thực nghiệm, nghiệm thu…thì e rằng rất khó để những cá nhân, tập thể ngoài Bộ có thể tham gia cùng viết sách giáo khoa. Đó là chưa kể những lý do khác nữa.
Chương trình mới đang kế thừa mô hình VNEN một cách hoàn hảo
Đến thời điểm này, cá nhân chúng tôi nhận thấy mô hình VNEN đã thất bại, nhưng VNEN không chết mà đang được hồi sinh trong chương trình giáo dục phổ thông mới một cách hoàn hảo nhất.
Chương trình, sách giáo khoa mới đang đi theo vết xe đổ VNEN? |
Nếu như mô hình VNEN có nhiều ưu điểm, đem lại sự thay đổi tích cực cho ngành giáo dục thì việc kế thừa là điều cần thiết.
Nhưng, VNEN đã đem lại thất vọng cho ngành, cho thầy cô giáo nên một số địa phương phải dừng VNEN;
Số còn lại vẫn tiếp tục theo kiểu sáng dạy VNEN, chiều dạy kiểu truyền thống để đảm bảo học sinh không bị hổng kiến thức.
Trên danh nghĩa thì việc dạy chương trình VNEN, Bộ Giáo dục và Đào tạo không còn bắt buộc các địa phương.
Nhưng, trớ trêu là khi đi thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh thì phần thi lý thuyết chủ yếu hỏi về các nội dung của chương trình VNEN, khi dạy thực hành thì bị góp ý phải thực hiện theo 5 bước (khởi động, hình thành kiến thức, luyện tập, vận dụng, tìm tòi mở rộng) như dạy VNEN.
Điều đặc biệt nữa là trong các tiết thao giảng chuyên đề của Hội đồng bộ môn cấp tỉnh, cấp huyện hay các buổi tập huấn chuyên môn đều được lãnh đạo định hướng theo mô hình trường học mới.
Trên Website Trường học kết nối của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn thường có những công văn chỉ đạo của Bộ và các đơn vị vẫn yêu cầu giáo viên vào trang mạng này để học tập, trao đổi và đưa tài liệu lên cũng như hướng dẫn, quản lý học trò học tập.
Vậy là mặc những lời than vãn của giáo viên, mặc những bức xúc, phản đối của phụ huynh, Bộ Giáo dục và Đào tạo dường như vẫn âm thầm chuẩn bị cho chương trình mới bằng bước đệm hoàn hảo từ mô hình VNEN.
Bộ trưởng Nhạ ơi, nền giáo dục nước nhà sẽ đi về đâu nếu ta tiếp tục VNEN? |
Chương trình VNEN hiện nay mới đang được tiến hành, áp dụng lên đến cấp trung học cơ sở;
Nhưng các nội dung, đơn vị kiến thức và ngay cả tên gọi của sách giáo khoa cùng các hoạt động giáo dục lại rất giống chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong đó, điều đặc biệt nhất là 2 môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở là Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lý. Vẫn là cách gộp 2-3 môn độc lập hiện hành thành một môn học mới.
Hy vọng một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là mong mỏi của đa số các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và đây cũng là ý kiến chỉ đạo của Đảng, Quốc hội.
Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra trong tiến trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới thì chúng tôi tin rằng mọi chuyện cũng chỉ dừng lại ở việc một bộ sách giáo khoa như chương trình trình hiện hành mà thôi.
Bởi thực tế những bộ sách như: VNEN hay của thành phố Hồ Chí Minh… đã đủ để Bộ trả lời trước dư luận về “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” rồi.
Tài liệu tham khảo: