LTS: Toàn bộ các thông tin dưới đây phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thu được trong khi tìm hiểu câu chuyện cắt hợp đồng với hàng trăm giáo viên đang diễn ra tại Hà Nội.
Chúng tôi không thể tin được lại có chuyện như thế này, cho nên, với trách nhiệm của mình, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải các thông tin này, gửi đến các cơ quan hữu quan để điều tra theo thẩm quyền.
Đời thầy cô, sao giờ khổ thế này...
Giáo viên hợp đồng được chào mời "chạy" điểm
Theo phản ánh của cô N.T.A, giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức.
Ngay sau khi có thông tin về kỳ thi, cô A. nhận được lời chào mời "chạy" điểm từ môi giới với giá 400 triệu đồng:
"Sau khi có thông tin về kỳ thi viên chức có người gọi điện cho tôi. Họ bảo muốn chạy viên chức thì họ mách cửa cho.
Nếu mình có thiện chí chạy thì đặt tiền cọc trước ít nhất một nửa còn nếu gia đình nào có kinh tế thì có thể đưa tất".
Thầy Nguyễn Nguyên hỏi: Bao giờ ngành giáo dục tạo được niềm tin cho xã hội? |
Chị A. cũng phản ánh một số thí sinh đã rục rịch chuẩn bị tiền để chạy viên chức:
"Có đứa bảo với tôi: Chị năm nay mà chạy thì phải hết 300 triệu.
Tôi cũng nghe nói một số thí sinh sẵn sàng bỏ tiền để chạy viên chức.
Người này tiết lộ số tiền để chạy viên chức là 300 triệu đồng.
Nhưng với điều kiện phải tự thi qua được vòng 1. Còn nếu bao tất cả 2 vòng thì hết 400 triệu đồng".
Tuy nhiên chị A. từ chối lời mời gọi. Bản thân chị cũng đã từng nhiều lần thi viên chức nên chị biết và hiểu những góc khuất trong các kỳ thi trên:
"Mình biết thừa kiểu làm tiền này nên mình chán. Bây giờ bảo bỏ ra 400 triệu để chạy viên chức.
Đối với những người trẻ họ sẵn sàng đầu tư. Họ còn trẻ chỉ cần đi dạy vài năm tích cóp là hòa vốn.
Nhưng mình có tuổi rồi bây giờ bỏ ra từng đấy tiền chạy viên chức thì bao giờ mới kiếm cho lại trong khi lương thì thấp lại là môn phụ nên không thể dạy thêm".
Tại huyện Thường Tín (Hà Nội), cô N.T.T tiết lộ tường tận cuộc chạy đua điểm số trước thềm kỳ thi. Xin trích lại nguyên văn nội dung của cuộc trò chuyện:
Phóng viên: Trường chị hiện nay còn bao nhiêu giáo viên hợp đồng?
Chị T: Giáo viên hợp đồng thì có nhiều loại. Trường chị có 2 giáo viên hợp đồng do huyện ký, 2 giáo viên hợp đồng do trường ký.
Cả 4 đứa đều bỏ tiền ra thuê người để chạy vào trường. Trong khi chỉ tiêu của trường là 6.
Như vậy nếu làm đúng và công bằng thì chỉ có 2 suất là do thi vào. Nhưng mình cũng không biết 2 suất còn lại là thi hay cũng chạy nốt.
Phóng viên: Môi giới họ đặt vấn đề với các chị như thế nào?
Chị T: Con bé này đang công tác tại trường, nó có người nhà làm trên Sở. Trước khi Huyện có công văn về chỉ tiêu thì nó đã chụp ảnh cái công văn đó rồi gửi vào nhóm giáo viên của trường rồi bảo chỉ tiêu năm nay như thế này.
Mãi mấy hôm sau Sở mới có công văn về. Cho nên ai cũng tin nó có khả năng chạy được. Sau đấy ai có nhu cầu chạy viên chức thì tìm đến nó nó môi giới cho.
Phóng viên: Môi giới thỏa thuận bao nhiêu tiền để các chị 100% thi đỗ?
Chị T: Hôm nọ tôi hỏi con bé đang có ý định chạy nó bảo 280 triệu đồng trọn gói cả 2 vòng.
Nhưng bây giờ nhiều nhà có tiền họ sẵn sàng đầu tư. Nhiều người còn bảo 280 triệu đồng là còn rẻ đấy nhưng mình thì lấy đâu. Ôi bây giờ sợ lắm cái gì cũng chạy được.
Phóng viên: Nội dung chạy điểm trong kỳ thi lần này bao gồm những gì?
Chị T: Chủ yếu họ chạy tiếng Anh và vòng chuyên môn. Như tin học thì có phải là cái gì cao siêu đâu, toàn kiến thức cơ bản như word, excel...Đã là giáo viên thì không ai không biết tin học cả.
Để dẫn chứng cho những điều vừa nói, chị T cũng kể chính câu chuyện của mình vào năm 2015.
Khi đó có đợt thi viên chức, chị được liên hệ để chạy viên chức với giá 150 triệu đồng:
"Tôi bảo nếu mà em có 150 triệu thì em đã không phải khổ như thế này. Sau đó họ tìm đến em tôi. Em tôi đồng ý chạy và chạy được".
Là người trong cuộc chị T thở dài: "Xung quanh mình, mình biết có rất nhiều tiêu cực và bức xúc nên mình không thể tin được.
Như con bé ở trường tôi có người nhà làm trên Sở, năm huyện tuyển viên chức chỉ có 1 chỉ tiêu môn nhạc thì nó cũng đỗ trong khi chuyên môn không bằng nhiều người".
Vừa biết chỉ tiêu viên chức của huyện, nhiều giáo viên hợp đồng được môi giới liên hệ chạy điểm (Ảnh: Vũ Ninh) |
Tại huyện Đông Anh, chị H.T.M, giáo viên hợp đồng thâm niên cũng chia sẻ những câu chuyện "chướng mắt":
"Một số chị em nhất là những giáo viên trẻ họ không ngại bỏ tiền ra chạy.
Vì sau khi vào được viên chức họ được tăng lương lại có thể dạy thêm thì chỉ khoảng 2 năm là trả đủ số nợ.
Như chị em chúng tôi bây giờ nếu có vài trăm triệu thì gửi vào ngân hàng còn hơn.
Lương tôi 3 triệu một tháng, bây giờ bảo bỏ ra 7 triệu để đi học và thi chứng chỉ còn không có".
Phóng viên ghi lại những lời chia sẻ của nhiều thầy cô và không đưa ra bất cứ bình luận gì.
Chúng tôi chỉ thắc mắc: Vì sao có nhiều thầy cô tại các Quận Huyện đồng loạt phản ánh hiện tượng chạy điểm và thiếu niềm tin vào kết quả kỳ thi như thế?
Liệu tình trạng chạy chọt trong các kỳ thi viên chức là có hay không?
Chúng tôi không sợ thi viên chức chỉ sợ thi không công bằng
Trái với tâm trạng của nhiều giáo viên hợp đồng đang lo sợ bị mất việc, chị Vũ Thị Mai, giáo viên hợp đồng tại huyện Ba Vì (Hà Nội) lại đón nhận thông tin hết sức bình thản:
"Tôi biết trước kỳ thi này sẽ diễn ra nên cảm thấy rất bình thản. Đến thời điểm này 19 năm công tác cũng đã đóng góp trọn vẹn cho ngành giáo dục.
Dù có bị thanh lý hợp đồng sau đợt thi này tôi cũng không có gì lấy làm quá buồn".
Đến lượt 114 giáo viên hợp đồng huyện Đông Anh viết đơn kêu cứu |
Chỉ còn ít ngày nữa là hết thời gian nộp hồ sơ thi viên chức.
Sau mỗi buổi dạy trên lớp, chị Mai lại nhờ con cháu "bổ túc" cho kiến thức tiếng Anh và tin học.
Chị Mai cho biết vẫn sẽ nộp hồ sơ thi viên chức:
"Tôi quyết định thi để thử sức một lần nếu không đỗ thì coi như duyên với nghề đã cạn.
Thế hệ của chúng tôi đúng là thiệt thòi so với các bạn bây giờ.
Nhưng chúng tôi có đủ tự tin về chuyên môn, kinh nghiệm cũng như bản lĩnh để đứng trên bục giảng".
Qua báo chí chị Mai cũng gửi gắm vài lời đến những thí sinh trẻ dự thi viên chức:
"Tôi đọc nhiều bình luận của các bạn trẻ. Các bạn ấy nói vì sao các cô bao nhiêu năm thi viên chức còn không đỗ thì lấy cơ sở gì đòi xét đặc cách?
Chúng tôi nói rằng thế hệ chúng tôi là thế hệ đi trước trong đó có nhiều người từng dạy chính các bạn.
Không phải chúng tôi sợ thi, không thi đỗ mà chúng tôi không được thi. Chúng tôi đâu tự tổ chức được những kỳ thi viên chức.
Bao nhiêu năm nay họ không tổ chức thi thì chúng tôi lấy đâu ra cơ hội để thi thố.
Thế hệ ngày nay đúng là có điều kiện hơn giáo viên ngày xưa mọi mặt.
Nhưng về chuyên môn và nghiệp vụ đứng lớp chúng tôi đã được thừa nhận qua những tấm giấy khen là sự công nhận của nhà trường, phụ huynh, học sinh.
Nếu chúng tôi dở thì đã bị đuổi việc từ lâu rồi" .
Nói về kỳ thi này cô Mai cùng nhiều giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì cho rằng: Điều mà họ lo lắng nhất đó là kỳ thi diễn ra không minh bạch:
"Có một giáo viên trẻ với kể với tôi cô ấy được môi giới để chạy điểm. Nghe đâu khoảng 150 triệu đồng.
Tôi hỏi cô ấy: Em có chạy không. Nó bảo em không, lương vài đồng tiền sữa cho con còn chẳng đủ thì lấy đâu ra tiền chạy chọt".
Thầy cô cho biết: Không sợ thi viên chức chỉ sợ thi không công bằng (Ảnh: Vũ Ninh) |
Chung tâm trạng với giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì, nhiều thầy cô tại các huyện khác cũng bày tỏ sự lo ngại về tính minh bạch và công bằng của kỳ thi viên chức.
Họ khẳng định không sợ thi mà chỉ sợ thi không nghiêm túc, không công bằng.
Bên cạnh đó một số giáo viên cho rằng để đảm bảo công bằng nên cho giáo viên thi chuyên môn trước thay vì phải đủ điều kiện về tiếng Anh như hiện nay.
Chị Hồng giáo viên dạy Lịch sử tại huyện Ba Vì tâm sự:
"Môn Sử của chúng tôi dạy làm sao cho học sinh hiểu đã khó, dạy hấp dẫn được các em và khiến các em yêu Sử còn khó hơn.
Đằng này bắt chúng tôi thi tiếng Anh. Dạy Sử chúng tôi có dùng tiếng Anh bao giờ đâu. Tất nhiên tiếng Anh là bắt buộc và rất cần thiết.
Nhưng khi chúng ta đánh giá năng lực của một giáo viên thì phải dựa trên chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và đạo đức.
Cách thi như hiện nay có thể bỏ sót rất nhiều giáo viên giỏi khi họ phải đủ điều kiện qua vòng 1 thì mới đến vòng thi chuyên môn.
Nhiều giáo viên có thể sẽ giỏi về chuyên môn nhưng lại yếu về tiếng Anh. Ngược lại cũng sẽ có giáo viên giỏi về tiếng Anh lại kém về chuyên môn.
Cho nên chúng tôi cho rằng để đảm bảo sự công bằng nên thi chuyên môn trước sau đó mới đến tiêu chí về tiếng Anh, tin học".