Kinh nghiệm hạn chế bạo lực học đường từ phong trào Đoàn tại trường Tử Đà

11/04/2019 06:59
Trần Phương
(GDVN) - Kinh nghiệm của Bí thư đoàn trường Trung học phổ thông Tử Đà trong giảm bạo lực học đường là làm bạn với học sinh ngay cả trên mạng xã hội.

Tâm sự của Bí thư đoàn kiêm nhiệm

Bền lề hội thảo Khởi nghiệp trong “thời đại cách mạng công nghệ 4.0” do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam kết hợp với trường Trung học phổ thông Tử Đà (Phù Ninh, Phú Thọ) tổ chức ngày 4/4, phóng viên đã trò chuyện với cô giáo Bùi Thị Hương, bí thư Đoàn thanh niên nhà trường trong vấn đề phòng chống bạo lưc học đường hiện nay.

Là giáo viên dạy chuyên ngành lịch sử, kiêm công tác Đoàn nhưng cô giáo Bùi Thị Hương được đồng nghiệp đánh giá là bí thư đoàn nhiệt huyết, nhiều sáng tạo trong công tác Đoàn tại trường.

Theo cô giáo Hương, giáo viên kiêm nhiệm công tác Đoàn cũng có nhiều thuận lợi và khó khăn riêng.

Về thuận lợi, theo cô Hương khi mình dạy trực tiếp học sinh việc phát động, tuyên tuyền những chủ trương, nghị quyết của Đoàn cũng thuận lợi hơn, gần gũi hơn bởi vì mình có thể tích hợp, lồng ghép trong giờ lên lớp.

Là một giáo viên dạy lịch sử, cô giáo Hương cũng có nhiều thuận lợi khi nhiều bài học lịch sử có tích hợp để giáo dục các nội dung của đoàn về các bài học lý tưởng cho thanh niên, rồi nhiều vấn đề xã hội…

“Khi mình là giáo viên mình thuyết phục học sinh, học sinh cũng  tin tưởng hơn, dễ tiếp nhận hơn”, cô Hương nói.

Cô giáo, Bí thư đoàn trường trung học phổ thông Tử Đà Bùi Thị Hương nhận hoa chúc mừng trong ngày kỷ niệm ngày thành lập đoàn 26/3. (Ảnh: Đoàn trường Tử Đà)
Cô giáo, Bí thư đoàn trường trung học phổ thông Tử Đà Bùi Thị Hương nhận hoa chúc mừng trong ngày kỷ niệm ngày thành lập đoàn 26/3. (Ảnh: Đoàn trường Tử Đà)

Nói về khó khăn của một cán bộ Đoàn kiêm nhiệm, cô Hương cho biết:

“Nhiệm vụ chính của mình vẫn là công tác chuyên môn dạy học. Trong thời kỳ đổi mới giáo dục thì công việc chuyên môn đòi hỏi ở người giáo viên rất nhiều, mất nhiều thời gian.

Do đó, để đảm bảo vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa hoàn thành tốt công tác đoàn thì việc phân chia thời gian sao cho hợp lý đóng vai trò rất quan trọng.

Rất khó để dành toàn bộ thời gian, tâm sức cho một công việc được. Bên cạnh đó, vì nhiệm vụ giảng dạy nên có thể nhiều buổi tập huấn, chuyên đề về công tác đoàn… mình cũng không thể theo đầy đủ được và bản thân mình cũng không được đào tạo làm cán bộ đoàn chuyên trách được.

Kinh nghiệm hạn chế bạo lực học đường từ phong trào Đoàn tại trường Tử Đà ảnh 2Nâng cao vai trò của Đoàn thanh niên để chống bạo lực học đường, dâm ô trẻ em

Ở một góc độ nào đó mình phải thừa nhận rằng mình không thể nào bằng cán bộ đoàn chuyên trách được”, cô giáo Bùi Thị Hương chia sẻ về công tác Đoàn kiêm nhiệm.

Tại Tử Đà, một khu công nghiệp mới đã được mở ra nên nhiều gia đình đã hướng con em mình sau khi học xong Trung học phổ thông sẽ trở thành công nhân trong khu công nghiệp thay vì chọn con đường vào đại học.

Đây có lẽ là lựa chọn trước mắt phù hợp với những thay đổi trong vùng quê thuần nông này, tuy nhiên nó cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác hướng nghiệp của nhà trường cũng như Đoàn thanh niên.

Theo cô giáo Bùi Thị Hương, nhà trường, phong trào đoàn cũng đã có nhiều hoạt động hướng nghiệp dạy nghề cho các đoàn viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Công tác hướng nghiệp cũng đã có những hiệu quả nhất định khi có nhiều em đã chọn được nghề nghiệp sau khi ra trường.

Ngăn chặn bạo lực học đường từ mạng xã hội

 Vấn đề bạo lực học đường đang là một vấn đề nóng trong xã hội hiện nay, tại trường Tử Đà, việc hạn chế bạo lực học đường cũng đang được nhà trường và Đoàn thanh niên đưa ra nhiều giải pháp khác nhau.

Cô giáo Bùi Thị Hương cho biết: “Nếu trường nào nói trường đó tuyệt nhiên không có bạo lực học đường thì không đúng, có điều nó ở mức độ nào mà thôi. Đối với trường Tử Đà thì về cơ bản học sinh ở đây cũng rất thuần.

Một trong những hoạt động tri ân của Đoàn trường Trung học phổ thông Tử Đà. (Ảnh: Đoàn trường Tử Đà)
Một trong những hoạt động tri ân của Đoàn trường Trung học phổ thông Tử Đà. (Ảnh: Đoàn trường Tử Đà)

Học sinh ở đây về năng lực nhận thức có thể không cao bằng nhiều vùng khác tuy nhiên về ý thức đạo đức các em cũng rất thuần và cũng rất ngoan.

Các vấn đề của các em chủ yếu phát sinh từ tâm sinh lý tuổi mới lớn. Chính vì vậy, hiện tại nhà trường cũng đã có một tổ tư vấn tâm lý lứa tuổi.

Thành phần tổ tâm lý này có cả thành phần của công đoàn, các thầy cô và đại diện của đoàn thanh niên, các thầy cô cũng đều đã có chứng chỉ về tâm lý.

Các tổ tư vấn này cũng đã tổ chức nhiều buổi tư vấn tâm lý về từng chuyên đề cụ thể như về sức khỏe sinh sản, bạo lực học đường…

Kinh nghiệm hạn chế bạo lực học đường từ phong trào Đoàn tại trường Tử Đà ảnh 4Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khuyên: Các em hãy học để trở thành người tự do

Tổ tâm lý cũng đã gặp riêng các em có vấn đề về tư vấn tâm lý tuổi mới lớn.

Có một số em gái tâm lý yêu đương tuổi mới lớn muốn bỏ học giữa chừng để lấy chồng cũng đã được nhà trường tư vấn tâm lý giúp các em tiếp tục học tập.

Không ít bạn nam tuổi mới lớn có mâu thuẫn với bố khi những lời nói hằn học của bố chạm tự ái cũng đã được tổ tu vấn tâm lý giải quyết.

Nói riêng về việc phòng tránh bạo lực học đường cô giáo Bùi Thị Thu Hương chia sẻ: “Hiện tại rất nhiều mâu thuẫn trong lứa tuổi học sinh đôi khi chỉ xuất phát từ những comment (phản hồi) trên mạng xã hội.

Nắm được việc này, Đoàn nhà trường cũng đã tích cực theo dõi sát sao các em, khi phát hiện những mâu thuẫn, ngay cả khi chưa dẫn đến những hậu quả, mới chỉ nhen nhóm Đoàn đã tìm cách giải quyết.

Trên lớp, nhà trường cũng có những giờ giáo dục văn hóa sử dụng mạng xã hội cho các em. Làm sao để tránh những vấn đề phát sinh.

Đoàn sẽ giải quyết các vấn đề của các em thông qua các buổi tư vấn”.

Cô giáo Bùi Thị Hương bên lề cuộc hội thảo "Khởi nghiệp trong thời đại các mạng công nghiệp 4.0". (Ảnh: LC)
Cô giáo Bùi Thị Hương bên lề cuộc hội thảo "Khởi nghiệp trong thời đại các mạng công nghiệp 4.0". (Ảnh: LC)

Cũng theo cô Hương, Đoàn sẽ kết hợp với vai trò của cô giáo chủ nhiệm để chủ động tìm hiểu tâm tư, diễn biến tâm lý của các em.

“Trước kia chúng tôi ít kết bạn với các em học sinh lắm nhưng bây giờ cũng phải sử dụng mạng xã hội, kết bạn với tất cả các em học sinh, càng nhiều càng tốt.

Thông qua những dòng trạng thái, những phản hồi của các em chúng tôi sẽ phát hiện sớm được những vấn đề mâu thuẫn và định hướng cho các em từng lời ăn tiếng nói, giải quyết mâu thuẫn cho các em để hạn chế các vấn đề có thể phát sinh dẫn đến bạo lực học đường”, cô Hương chia sẻ kinh nghiệm tại trường Tử Đà.

Trần Phương