LTS: Hiện nay, học sinh đang nỗ lực ôn tập để chuẩn bị thi học kỳ. Thầy giáo Sơn Quang Huyến chỉ ra một chiêu thức mà giáo viên đang sử dụng để đảm bảo chỉ tiêu thành tích.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Phần lớn các môn học đang gấp rút chuẩn bị cho kì kiểm tra học kì hai. Đây là thời gian “vàng” cho dạy thêm, học thêm phát huy hết “công suất”.
Sáng chính khóa, chiều chính khóa, tối càng chính khóa; học trò nháo nhào học, chẳng nghe thấy tiếng ve báo hè đến, chỉ nghe thấy tiếng của bố mẹ, thầy cô “học chuẩn bị kiểm tra học kì hai, hệ số ba đó; học kì hai lại hệ số hai, chẳng khác nào học một được sáu, lo mà cày đi, thi xong rồi ngủ”.
Các môn kiểm tra do phòng, sở ra đề, chẳng biết “úp” chỗ nào, vì thế thời lượng học tăng lên cũng gấp … n lần cho đạt tỷ lệ thuận. Của đáng tội, đến lớp, học trò bải hoải chẳng khác “cày game cả đêm qua”, đến giờ nào cũng buồn ngủ chứ chẳng gì “môn phụ”.
Để “động viên” học sinh đến lớp học thêm, các bài kiểm tra đầu kì thường khó; nay cuối năm rồi, phải “nâng” lên, vì thế cả thầy và trò đều phải “đầu tắt mặt tối” dạy và học.
Đề cương chính là một chiêu thức để giáo viên giúp học sinh đạt thành tích trong kỳ thi học kỳ. (Ảnh minh hoạ: TTXVN) |
Biết được “bí mật đó”, một số học sinh “tự nguyện” đi học thêm, cải thiện “thành tích” học tập của mình cho bố mẹ vui lòng!
Với “môn phụ”, không ít ban giám hiệu đã chỉ đạo “Các thầy cô, thương học trò với, cuối năm, học nhiều, ra đề cái gì, cho học sinh đề cương cái đó”.
Thương học trò là “bệnh” của giáo viên rồi, chỉ tiêu đăng kí đầu năm gần tuyệt đối, không “thương” lấy điểm đâu mà đạt chỉ tiêu? Có “ghét” học trò nó cũng chẳng quan tâm “môn phụ mà”, thế là thi gì, đề cương đó!
Một số giáo viên học kì một “tổng kết thực chất”, điểm kì hai này phải “kéo” điểm học kì một; đề cương ôn tập “phải” bao gồm cả “đáp án” để cho học trò học thuộc.
Thế nhưng, “học trò thời 4.0” nên chẳng cần học, mà “thu nhỏ bỏ vào … cặp” là xong. Vì vậy, gặp giáo viên “hiền, dễ tính” vào coi thi là vỗ tay khí thế; ngược lại là tiếng “ồ” thất vọng, đau thương.
Những “đề cương - đáp án” có lợi cho cả trò và thầy. Trò thì chỉ cần làm con “vẹt” hay nhà “quay phim” là có điểm cao; thầy chỉ cần nhìn qua, chấm nhanh, điểm tổng kết đạt chỉ tiêu. Đề cương, một hình thức cấy, sạ mới!
Vì vậy, kiểm tra học kì, rất khó bắt gặp học sinh bị điểm yếu!
Lợi thì có lợi, tương lai … chẳng còn. Học trò lớp trước, truyền lại lớp sau; cứ thế bảo nhau, “môn phụ mà… cần gì học”!
Vô hình trung, vì “thương học trò”, những kiến thức “phổ thông” chẳng có tý tẹo nào trong chúng, chỉ khi đi thi “Đánh giá năng lực” của các trường đại học chúng mới té ngửa “các kiến thức môn phụ” chiếm phần không nhỏ “nâng bước” vào Đại học!
Làm sao dạy, giáo dục học sinh trở thành người có năng lực?
Xóa bỏ đăng ký chỉ tiêu đầu năm học, chỉ tiêu này chỉ gây áp lực tiêu cực cho người dạy và người học, không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục.
Đề cương cho học sinh ôn tập, “sợi chỉ đỏ” của chương trình, kiến thức cơ bản, trọng tâm; giáo viên cần rút ra được “kiến thức đỏ” đó cho học sinh, giúp học sinh ôn tập, học năm sau tốt hơn.
Đề cương không chỉ dùng cho kiểm tra; là dàn ý cho học sinh tự đánh giá, tự kiểm tra, tự bồi dưỡng thông qua quá trình tự học của bản thân.
Kiên quyết loại bỏ kiểu đề cương câu hỏi kèm đáp án; hay buộc học sinh làm bài theo “khuôn mẫu” mới đạt điểm cao. Loại bỏ cách ra đề “thuộc lòng”, máy móc; khuyến khích kiểu đề mở, sáng tạo.
Chúng ta đang hướng tới dạy học phát triển năng lực học trò, thế nhưng cứ kiểm tra cuối năm theo “lối cũ ta về” thì khó mà phát triển năng lực cho học trò được.
Năng lực học trò phát triển được e rằng có hại cho bản thân và xã hội đó là đối phó, chụp giật, quay cóp v.v…
Vì thế, nếu cuối lớp, cuối cấp, cuối năm chỉ cần bài thi đánh giá năng lực như một số trường Đại học đang làm, phương án tối ưu nhất đánh giá người học, người dạy.
Đánh giá năng lực, xóa bỏ nạn dạy thêm, học thêm; học tủ, học vẹt; phát huy được học đi đôi với hành; kiến thức gắn liền với cuộc sống.
Mùa thi, cũng là mùa thu hoạch của học trò, của các bác nông dân. Cấy, sạ trong mùa này chỉ đem lại vụ mùa thất bát. Mong rằng không còn các đề cương “sáng tạo”, một hình thức cấy sạ hợp pháp cuối năm nữa.