Có bao nhiêu học sinh Khá, Giỏi là do sức học, sao lại đặt chỉ tiêu?

26/12/2018 07:45
Thùy Linh
(GDVN) - Muốn khắc phục căn bệnh thành tích trong giáo dục đòi hỏi phải giúp giáo viên nhận thức đầy đủ về các nội dung thi đua, các tiêu chí thi đua.

Để thực hiện tốt mục tiêu, yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, năm học 2017-2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản định hướng cho giáo viên như:

Hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm; đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức hoạt động bồi dưỡng chuyên môn.

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Đặng Danh Hướng - giáo viên trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) thẳng thắn thừa nhận việc đưa ra chủ trương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cũng như các giải pháp nhằm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trong năm qua còn nhiều tồn tại.

Thạc sĩ Đặng Danh Hướng cho rằng muốn khắc phục căn bệnh thành tích trong giáo dục thì cần hạn chế đưa tiêu chí tỷ lệ học sinh Khá, Giỏi là tiêu chí chính trong đánh giá thi đua để tránh tình trạng giáo viên chạy theo thành tích, tạo ra áp lực cho giáo viên. (Ảnh minh họa: VOV)
Thạc sĩ Đặng Danh Hướng cho rằng muốn khắc phục căn bệnh thành tích trong giáo dục thì cần hạn chế đưa tiêu chí tỷ lệ học sinh Khá, Giỏi là tiêu chí chính trong đánh giá thi đua để tránh tình trạng giáo viên chạy theo thành tích, tạo ra áp lực cho giáo viên. (Ảnh minh họa: VOV)

Thầy Hướng nêu ví dụ, đa số giáo viên chưa rõ con đường đổi mới, chưa nhận thức đầy đủ về dạy học và giáo dục, sử dụng phương tiện dạy học còn hạn chế, thói quen dạy học cũ vẫn còn ngự trị.

Sở dĩ có tình trạng như vậy do chương trình bồi dưỡng thường xuyên của các Sở, ban ngành chưa làm tròn trách nhiệm.

Đồng thời chương trình bồi dưỡng chưa cập nhật, nhiều nội dung không còn phù hợp, nặng về lý thuyết chưa chú trong đến thực hành và chưa đáp ứng được mong đợi của giáo viên được “nhìn tận mắt, làm tận tay”.

Có bao nhiêu học sinh Khá, Giỏi là do sức học, sao lại đặt chỉ tiêu? ảnh 2Thưa Bộ trưởng, áp lực nặng nền nhất của giáo viên chính là...thành tích

“Theo tôi, các hạn chế trên không giải quyết sớm sẽ là lực cản giết chết các ý tưởng đổi mới chương trình và sách giáo khoa mới”, thầy Hướng nhận định.

Do đó, thầy Hướng cho rằng, để đáp ứng kỳ vọng xã hội vào công tác đổi mới toàn diện giáo dục thì:

Thứ nhất, trong công tác đổi mới thi cử cần đơn giản hoá cách tính điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông, tăng độ khó trong thi tuyển đại học, cao đẳng.

Thứ hai, muốn khắc phục căn bệnh thành tích trong giáo dục đòi hỏi phải giúp giáo viên nhận thức đầy đủ về các nội dung thi đua, các tiêu chí thi đua.

Hạn chế đưa tiêu chí tỷ lệ học sinh Khá, Giỏi là tiêu chí chính trong đánh giá thi đua để tránh tình trạng giáo viên chạy theo thành tích, tạo ra áp lực cho giáo viên.

Thứ ba, về vấn đề bạo lực học đường: Hiện nay trong công bồi dưỡng giáo viên chúng ta mới chỉ chú trong đến bồi dưỡng về chuyên môn, xem nhẹ về bồi dưỡng ứng xử sư phạm cho giáo viên, nên thời gian qua nhiều vụ việc bạo lực học đường có liên quan đến giáo viên liên tiếp xảy ra.

“Theo chúng tôi, trong công tác bồi dưỡng giáo viên chúng ta nên dành 70% bồi dưỡng chuyên môn, 30% bồi dưỡng về ứng xử sư phạm cho giáo viên, hy vọng cách làm đó sẽ hạn chế được nạn bạo lực học đường trong thời gian tới”, thầy Hướng nêu.

Thứ tư, để tạo ra động lực cho đội ngũ giáo viên thì Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ, nâng cao thu nhập cho giáo viên theo lộ trình từng giai đoạn để phù hợp với điều kiện của đất nước.

Đi cùng với đó là cần tuyển chọn đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục phải có tâm và tầm nhìn chiến lược. Có như vậy họ mới giải quyết được vấn đề khi vụ việc xảy ra tại đơn vị mà họ quản lý.

Bởi lẽ thời gian qua nhiều vụ việc xảy ra lỗi một phần do cán bộ quản lý không bao quát sự việc, hoặc khi sự việc xảy ra đã giải quyết không thấu tình đạt lý đáp ứng sự mong mỏi của phụ huynh, học sinh gây ra bức xúc trong dư luận xã hội.

Có bao nhiêu học sinh Khá, Giỏi là do sức học, sao lại đặt chỉ tiêu? ảnh 3Vẫn nhức nhối nạn nâng, sửa điểm cho học sinh

Còn khi nhìn nhận điểm nhấn của năm 2018 mang đến kỳ vọng vào một sự thay đổi bền vững của nền giáo dục nước nhà trong các năm tiếp theo thì thầy Hướng cho rằng, đó là việc “thay đổi cách tính điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2019 theo phương thức điểm các bài thi chiếm 70%, còn lại 30% điểm trung bình năm học lớp 12 của thí sinh”.

Là một giáo viên trung học phổ thông, thầy Hướng chia sẻ, đây là một phương thức tính điểm sẽ phân loại học sinh tốt hơn, hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, đảm bảo được sự công bằng, khách quan trong xét tốt nghiệp cũng như công nhận tốt nghiệp cho học sinh.

Bởi, cách tính điểm tạo ra sự công bằng giữa các học sinh trong bối cảnh nhiều trường phổ thông đang có biểu hiện nâng điểm quá đà cho học sinh mà không đánh giá đúng trình độ nhận thức của học sinh (hay nói đúng hơn là chạy theo thành tích ở một số trường trung học phổ thông).

Đồng thời, cách tính điểm mới này yêu cầu học sinh phải có thái độ học nghiêm túc hơn, không được ỷ nại và mong chờ sự cứu vớt của thầy cô thông qua việc nâng đỡ điểm trung bình năm học lớp 12.

Dẫu biết còn nhiều khó khăn nhưng bước sang năm mới, hi vọng rằng niềm mong mỏi của các thầy cô như thầy Hướng sẽ thành hiện thực để bộ mặt ngành giáo dục có nhiều chuyển biến mới theo hướng tích cực, tạo đột phá.

Thùy Linh