Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của hàng hóa và dịch vụ châu Âu, sau Mỹ.
Trung Quốc coi châu Âu là một đồng minh cần thiết và càng không thể thiếu được kể từ khi Mỹ châm ngòi cuộc chiến thương mại.
Những tổ chức mang dấu ấn Trung Quốc mọc lên như nấm tại Brussels sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền, với mục đích xây dựng một mạng lưới vững chắc ở châu Âu.
Đó là một mạng lưới đa dạng, từ các văn phòng vận động hành lang đến các hiệp hội thương mại và văn hóa.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk họp báo sau khi kết thúc họp thượng đỉnh Trung Quốc-EU tại Brussels (Ảnh: Reuters). |
Brussels chứa đựng một chiến lược gây ảnh hưởng đã được hoạch định của Trung Quốc. Đó là những tổ chức và những hoạt động về văn hóa, giáo dục và thương mại như Trung tâm văn hóa hay Liên hoan nghệ thuật Trung Quốc.
Chúng tạo nên những pháo đài quan trọng cho phép Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ra ngoài lãnh thổ.
Quy mô của mạng lưới các tổ chức thân Trung Quốc dường như khá vững chắc để đảm bảo hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc.
Nhưng sức mạnh của mạng lưới này đặc biệt nằm ở khả năng tạo sự gắn kết với các tổ chức châu Âu hiện có tại Brussels, thông qua 60 cơ sở trao đổi song phương được thiết lập ở mọi cấp độ trong quá trình ra quyết định của EU.
Tại EU, các nhóm nghị sỹ hữu nghị châu Âu tập hợp những nghị sỹ xoay quanh một chủ đề, độc lập với định hướng chính trị của họ.
Sự ra đời của nhóm hữu nghị Trung Quốc-châu Âu năm 2006 là minh chứng hoàn hảo cho chiến lược quyến rũ của Trung Quốc.
Không muốn chỉ là nhóm lớn nhất, với 45 nghị sỹ, nhóm nghị sỹ hữu nghị Trung Quốc-châu Âu còn đóng vai trò mấu chốt trong Nghị viện châu Âu nhờ địa vị cao của 15 thành viên, bao gồm chủ tịch các nhóm chính trị, các ủy ban và các phái đoàn.
Ngoài ra, còn phải kể đến Hiệp hội hữu nghị Trung Quốc-châu Âu được thành lập năm 2010 và nhận được sự hỗ trợ của Phái bộ Trung Quốc và Tân Hoa Xã, cũng như nhận được sự tài trợ của các cá nhân và tổ chức công của Trung Quốc.
Hiệp hội này nói rằng họ chỉ tập trung vào những vấn đề phi chính trị của các mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu như văn hóa, kinh doanh, nghiên cứu, nông nghiệp.
Liên hoan nghệ thuật Trung Quốc thường xuyên được tổ chức ở châu Âu nhằm quảng bá hình ảnh của quốc gia (Ảnh: cccbrussels.be). |
Năm 2016, một nhóm hữu nghị khác được thành lập. Đó là Ủy ban phát triển du lịch và văn hóa “Vành đai và Con đường” Trung Quốc-châu Âu nhằm quảng bá các con đường tơ lụa mới.
Điều thú vị cần chỉ ra là mức độ hiện diện của đại diện các tổ chức châu Âu tại các sự kiện văn hóa của Trung Quốc.
Chẳng hạn, Liên hoan nghệ thuật Trung Quốc và Trung tâm văn hóa Trung Quốc hợp tác rất thường xuyên với nhóm nghị sỹ châu Âu về các con đường tơ lụa nhằm đánh bóng và khuếch trương hình ảnh quốc gia.
Ngoài ra, Liên hoan nghệ thuật Trung Quốc cũng được Ban hành động đối ngoại châu Âu, cơ quan ngoại giao chính của EU tổ chức hàng năm, nơi chuẩn bị các lập trường của Liên minh trước các hội nghị cấp cao có quy mô lớn.
Trong lĩnh vực giáo dục, sự hợp tác giữa Trung Quốc và châu Âu cũng được thực hiện theo hai cấp độ.
Trước hết là sự tham gia thường xuyên của các chuyên gia đến từ Viện Khổng Tử và các tổ chức giáo dục tại những sự kiện liên quan đến các sáng kiến châu Âu.
Ví dụ, Giám đốc Viện Khổng Tử được mời phát biểu tại một hội nghị quảng bá năm du lịch Trung Quốc-châu Âu, với sự tham dự của các đại diện thuộc Ủy ban du lịch châu Âu.
Ở cấp độ cao hơn, Viện hàn lâm nghiên cứu Trung Quốc và châu Âu tại Brussels giám sát các dự án nghiên cứu khác nhau và tham gia với vai trò cố vấn tại các sự kiện cấp cao như Đối thoại nhân dân cấp cao EU-Trung Quốc, một trong ba trụ cột của mối quan hệ Trung Quốc-châu Âu.
Tiền bạc đang là công cụ giúp Trung Quốc vươn sức ảnh hưởng đến châu Âu? |
Sự hợp tác giữa các tổ chức giáo dục thân Trung Quốc và EU cũng được thực hiện thông qua nhiều dự án song phương, dưới sự bảo trợ của Viện Khổng Tử.
Dự án LEAD không chỉ là kết quả của sự hợp tác với Ủy ban châu Âu mà còn ra đời với sự hỗ trợ tài chính của Phái bộ Trung Quốc và Phòng thương mại Bỉ-Trung Quốc.
Các tổ chức trên của Trung Quốc có một mạng lưới rộng lớn nhưng sẽ không hoạt động hiệu quả nếu không có một số nhân vật có ảnh hưởng và thân Trung Quốc.
Nếu như ở Pháp, Jean-Pierre Raffarin là người thích ca ngợi tính ưu việt của Trung Quốc trên truyền hình thì ở Italy, vai trò của Luigi Gambardella, chủ tịch nhóm vận động hành lang Trung Quốc-EU được cho là trợ lý đắc lực nhất của Bắc Kinh.
Trong phạm vi châu Âu, ông này được biết đến như là một người vị đại sứ đặc biệt được Trung Quốc ưu ái để tìm cách quảng bá cho Trung Quốc.
Ông cũng thường xuyên được mời phát biểu, đặc biệt tại Ủy ban kinh tế và xã hội châu Âu.
Có thể nhận định rằng bằng cách xây dựng một mạng lưới các tổ chức vừa vững chắc vừa gắn kết chặt chẽ với các tổ chức châu Âu, Bắc Kinh đã tăng cường ảnh hưởng lên những cấp cao nhất trong tiến trình ra quyết định của châu Âu.
Tài liệu tham khảo
1. Bài viết “China’s People-to-people Diplomacy and Its Importance to China-EU Relations: A Historical Institutionalism Perspective” của Shichen Wang, Đại học Geneva, Thụy Sỹ;
2. https://thediplomat.com/2019/04/eu-china-policy-time-to-toughen-up/
3. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3006087/chinese-ambassador-eu-says-bloc-should-not-discriminate
4. http://www.cccbrussels.be/news/events/music-concert-elegant-east.html