Trời chưa sáng, con gà vẫn còn trên chuồng, cô giáo Trương Thị Dung đã lục đục dậy chuẩn bị nấu cơm ăn sáng để đến lớp cho kịp giờ. Ngôi trường mầm non cô đã gắn bó suốt 5 năm nằm ở lưng chừng núi.
Thời gian di chuyển qua con đường nhỏ ngoằn ngoèo đất đá từ nhà cô ở nhờ lên trường chỉ mất mươi phút, nhưng cô phải đến sớm để đón học sinh cho bố mẹ các em đi nương rẫy.
Mặt trời vẫn còn ẩn sau dãy núi Nậm Hàng, hơn 6h, cô Dung, dáng người gầy, nước da đen nhẻm vì nắng gió đã có mặt ở điểm trường để chuẩn bị cho một ngày mới như bao ngày trong hành trình gieo con chữ cho trẻ em bản Lồng Ngài (xã Nậm, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu).
Tiếng khóc, tiếng reo cười ngay từ dưới chân núi, xen lẫn tiếng dặn dò của phụ huynh dành cho con bằng tiếng dân tộc thiểu số, nhưng vừa nghe cô Dung đã thuộc từng tiếng của phụ huynh nào đang đưa con đến trường.
Suốt 5 năm, những bước chân, âm thanh quen thuộc đó đã in sâu và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cô giáo Trương Thị Dung.
Tiếng trẻ reo cười, tiếng khóc mếu vì còn ngái ngủ, nhưng bố mẹ đã đưa con đến trường nhờ cô Dung dạy chữ, trông nom chăm sóc các em đến tối mịt khi bố mẹ chúng từ nương rẫy trở về.
Được biết, cô giáo Trương Thị Dung (sinh năm 1988), sinh ra trong một gia đình có mẹ làm giáo viên tiểu học tại thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn, một huyện miền núi của tỉnh Lai Châu.
Ngay từ nhỏ cô bé Dung đã mơ ước sau này trở thành cô giáo dạy học cho những đứa trẻ vùng cao quê hương mình. Cô tin rằng mình sẽ thuyết phục được người dân miền núi thay đổi quan điểm cho con học hết khả năng thay vì chúng chỉ học khi biết đọc biết viết.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Dung kể về quyết định táo bạo rời Thủ đô hoa lệ lên vùng cao dạy học: “Từ nhỏ tôi đã ước mơ trở thành một cô giáo giỏi, bởi vậy dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi vẫn quyết tâm theo học, tốt nghiệp hệ trung cấp mầm non Trường cao đẳng sư phạm Hải Dương.
Ra trường, tôi cũng có ý định ở lại thành phố xin vào một trường nào đó dạy học, trong thời gian chờ đợi tôi làm tạm cho một tập đoàn y dược để chờ cơ hội được đứng lớp. Khi biết thông tin nhiều huyện vùng cao tỉnh Lai Châu thiếu giáo viên cắm bản, tôi đã quyết định về quê dạy học mà không đắn đo hay suy nghĩ điều gì.
Ở Hà Nội tôi cũng có người thương, nhưng lúc đó trái tim tôi mách bảo trở về quê hương, về với công việc từ nhỏ mình mơ ước nên tôi gác lại chuyện riêng.
Điểm trường tôi nhận dạy học cùng huyện, nhưng cách nhà tôi cả 100 cây số, điều tôi thích đó là được dạy học cho bà con quê hương mình. Tôi chỉ mong một điều đơn giản góp phần nhỏ bé giúp trẻ miền núi biết chữ, có tri thức, sau này có cơ hội thoát nghèo”.
Cô giáo Trương Thị Dung cùng học sinh trước điểm Trường mầm non số 2 xã Nậm Hàng. Ảnh: GVCC. |
Một ngày trên bản Lồng Ngài tại điểm Trường mầm non số 2 xã Nậm Hàng mới thấu hiểu công việc của một giáo viên mầm non cắm bản vất vả như thế nào. Cô Dung phải làm tất cả các công việc từ dạy học, đến chăm sóc, trông nom, nấu cơm, ăn uống, vệ sinh cho 23 trẻ.
Mùa đông như mùa hè, 8h bắt đầu cô Dung dạy học, 9h45 cô lại nhóm bếp nấu cơm, chế biến thức ăn chuẩn bị bữa trưa cho các em. Điều kiện khó khăn, thiếu thốn, cô Dung cho thức ăn trộn với cơm, còn lại bát canh, rau ăn chung.
Học sinh ăn xong cô lại dọn dẹp, rồi trải những tấm gỗ xuống nền đất sau đó trải chiếu lên cho các em ngủ trưa. Đầu giờ chiều khi học sinh ngủ dậy cô Dung đã chuẩn bị nồi cháo cho các con ăn rồi học bài đến khi bố mẹ các em đến đón.
Toàn bộ bữa ăn của trẻ em vùng cao được nhà nước hỗ trợ, 2 tuần một lần, bố mẹ các em thay nhau vượt con đường đất, lởm chởm đá 30 km đi lấy gạo, thịt, trứng từ trường trung tâm gửi.
5 năm qua cô Dung miệt mài gieo chữ cho trẻ em bản Lồng Ngài trong điều kiện vẫn còn rất nhiều khó khăn. Trong ảnh lớp học vẫn nền đất, không có điện. Ảnh: GVCC. |
Chia sẻ với phóng viên, cô Trương Thị Dung cho hay: “Mới ngày đầu lên vùng cao cũng hơi khó khăn trong giao tiếp. Điểm trường tôi dạy chủ yếu đồng bào dân tộc Mông, ít phụ huynh biết tiếng kinh nên tôi cũng gặp một số khó khăn.
Đến nay tôi cũng biết kha khá tiếng Mông nên cũng thuận lợi hơn. Phụ huynh họ cũng biết tiếng kinh nhiều hơn trước.
Một mình tôi với hơn 23 trẻ dần dần cũng quen. Có vất vả một chút, nhưng các em được học chữ, bố mẹ các em không phải mang các em đi nương rẫy cùng mình thấy vui.
Hàng ngày được tiếp xúc, giao tiếp, nói chuyện với các em nên mình cũng thấy trẻ hơn”.
Cô Dũng cũng không ngần ngại chia sẻ chuyện riêng tư, cô gắn bó với học sinh vùng cao từ tuổi đôi mươi, nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại đã ngoài 30 mà chưa tìm được người thương.
Trong đôi mắt sâu thẳm trái tim của cô Dung cũng khao khát có một gia đình hạnh phúc, đầm ấm như bao cô gái khác ở tuổi lập gia đình.
“Ở tuổi của tôi, trai gái trong bản đã có gia đình rất lâu rồi. Họ xây dựng gia đình sớm lắm.
Nhiều lúc cũng nghĩ ngợi, nhưng ở bên lũ trẻ, tôi như quên hết mọi ưu phiền, lo lắng về tương lai, sự nghiệp của mình. Hôn nhân là cái duyên. Tôi chưa bao giờ hối tiếc vì quyết định lên vùng cao dạy học là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hạnh phúc riêng tư của mình”, cô Dung nói.
Cô Dung hướng dẫn trẻ chơi trò chơi tại trường. Ảnh: GVCC. |
Học sinh được cô giáo hướng dẫn đọc và viết, nhiều trẻ đến lớp chưa nói được tiếng phổ thông, các em vẫn giao tiếp với cô bằng tiếng dân tộc. Ảnh: GVCC. |
Chia sẻ với phóng viên, có lúc cô cũng muốn bỏ lớp về gần nhà để xin vào trường nào đó dạy học, nhưng con người, mảnh đất nơi dẻo cao quá nhiều kỉ niệm đã gắn bó với cô 5 năm quả không dễ. Cô cũng không nỡ rời xa lũ trẻ.
“Vắng tiếng khóc, tiếng cười của lũ trẻ buồn lắm. Mẹ, và nhiều người cũng khuyên tôi về quê dạy học ở một trường nào đó gần nhà. Ở nhà sẽ có thời gian, nhiều cơ hội gặp được người yêu thương mình. Nhưng ở lâu tôi quen rồi không muốn rời xa nơi này.
Nếu như được chọn lựa một lần nữa, tôi vẫn chọn gắn bó với trẻ em vùng cao”, cô Dung nói.
Gọi là trường mầm non, nhưng thực ra chỉ là căn nhà tạm được lợp bằng mái tôn, tường bao quanh được ghép bằng những tấm ván do chính quyền địa phương, dân bản cùng dựng lên làm chỗ che mưa che nắng cho con em trong bản học hành.
Lớp học không có điện, nền đất, duy nhất có nước sinh hoạt được bố mẹ các em dẫn bằng ống về từ trong khe suối để cô giáo nấu ăn, rửa chân tay, vệ sinh cho các em.
Vào các mùa trong năm không sao, nhưng mùa đông, nhiệt độ trên núi cao giảm rất sâu, cô trò lạnh co ro mà lớp học vẫn phải mở toang cửa, khe hở qua những phiên gỗ lùa vào lạnh thấu xương, nhưng bịt lại lấy đâu ánh sáng cho các em học chữ.
Con đường mòn lởm chởm đất đá hàng ngày học sinh đến điểm Trường mầm non 2 xã Nậm Hàng học chữ. Ảnh: GVCC. |
Bản Lồng Ngài nằm chơ vơ lưng chừng núi, để đến được bản làng này cách đường quốc lộ ô tô chạy được chừng 30km. Duy nhất phương tiện xe máy được người dân sử dụng đi lại. Thời tiết thuận lợi đi xe máy đến được điểm trường cô Dung dạy cũng mất 3-4 tiếng.
Còn vào những hôm trời mưa, đất nhão thành bùn, bó vào bánh xe không thể di chuyển được. Cùng với đó đường lởm chởm đá, muốn đi đến bản vào thời tiết như thế này mất cả ngày mới đến.
Nhà cách xa điểm trường cả trăm cây số nên cô cũng ít về, thường ở nhà có việc gì quan trọng cô mới về. Ngày nghỉ cô Dung thường ở trường đọc sách, nghỉ ngơi, hoặc đi thăm các giáo viên khác ở các bản bên đến tối cô mới trở về nhà dân ngủ nhờ.
Đặc điểm của nhiều trường vùng cao, các điểm trường là những căn nhà tạm nên không có phòng cho giáo viên ở. Cô Dung phải xin ở nhờ nhà dân.
Cuộc sống của người dân tại bản Lồng Ngài gần như không có điện, chỉ một số hộ có điều kiện mua được máy phát điện đặt ở suối.
Đến mùa làm nương hầu hết gia đình đưa các con đi theo. Đến chiều tối, bố mẹ các em mới đi làm về, giáo viên phải đi vận động phụ huynh không cho con đi nước, cho các con đi học.
Vào mùa mưa lũ, cầu trôi, không qua suối được, trong khi nước suối chảy xiết việc đi thuyết phục bố mẹ cho các con học là điều rất khó khăn.
Nói về những ngày lễ tết, ngày 20/11, giáo viên có được phụ huynh tặng hoa, tặng quà như miền xuôi hay không, cô Trương Thị Dung tươi cười: “Chỉ cần các con đi học đều đặn là món quà họ tặng tôi rồi”.