Thầy giáo Nguyễn Huy Khoát (năm nay đã 90 tuổi), nguyên Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự (Thành phố Hải Dương), nguyên Phó giám đốc Ty giáo dục Hải Dương (nay là Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương) đã bày tỏ với báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về xã hội hóa giáo dục và triết lý giáo dục.
Dù đã về hưu nhiều năm song nhà giáo Nguyễn Huy Khoát vẫn theo dõi đời sống thực tiễn của giáo dục nước nhà.
Nói về ngành giáo dục miền Bắc trong những năm đầu giải phóng, thầy giáo Nguyễn Huy Khoát cho biết:
Trong những năm 1960 mặc dù rất khó khăn nhưng chúng tôi, những người làm giáo dục vẫn sống rất chan hòa, cởi mở, vui tươi giảng dạy rất hăng say, công tác rất nhiệt tình với khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu”.
Thầy giáo Nguyễn Huy Khoát bên huân chương do chủ tịch nước Hồ Chí Minh trao tặng vì những thành tích trong sự nghiệp giáo dục. (Ảnh: LC) |
Mục tiêu phấn đấu của trường giai đoạn đó là phải đào tạo học sinh trở thành những thanh niên giác ngộ xã hội chủ nghĩa, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có văn hóa, có sức khỏe, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần, sẵn sàng xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Chúng tôi kiên định phương châm giáo dục: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”.
Ký ức về những ngày thầy và trò cùng kéo xe bò xây dựng trường Ngô Gia Tự |
Trên tinh thần đó, nhà trường cấp 2 Ngô Gia Tự đã mở đợt sinh hoạt chính trị xây dựng truyền thống trường với nội dung:
“Yêu trường, mến thầy, học tập, lao động, tu dưỡng, luyện rèn, đoàn kết, đấu tranh tốt” nhằm nâng cao chất lượng học tập văn hóa, kết hợp lao động sản xuất tăng cường.
Xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường, đưa hoạt động của nhà trường gắn liền với thực tiễn xã hội.
Ngày đó, thầy chủ nhiệm lớp liên hệ kết nghĩa với các xí nghiệp công nghiệp và các hợp tác xã nông nghiệp đưa học sinh đến tham gia lao động", thầy Khoát cho biết.
Sau này đến khi làm Phó giám đốc ty Giáo dục Hải Dương rồi Hải Hưng, đến lúc về hưu, nhà giáo Nguyễn Huy Khoát vẫn thường ngày theo dõi các hoạt động của giáo dục nước nhà.
Nói về công tác xã hội hóa giáo dục hiện nay, thầy Khoát cho rằng đó là một chủ trương đúng nhưng hiện nay một bộ phận vẫn chưa hiểu đầy đủ.
Một thời, dù khó khăn nhưng giáo dục vẫn đạt được thành tựu rực rỡ vì người dạy bằng cả trái tim còn người học học bằng cả khát vọng. (Ảnh: LC) |
Theo thầy Khoát: “Có vẻ như chúng ta đang gặp phải vấn đề đó là chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục, dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp khi kêu gọi xã hội hóa, tài trợ với cơ sở giáo dục.
Bài học làm giáo dục của chúng tôi rút ra là nhà trường phải gắn liền với xã hội. Đưa tất cả giáo viên, học sinh tham gia vào thực tế của xã hội.
Xã hội hóa giáo dục đừng hiểu và không nên hiểu chỉ là dùng tiền, huy động tiền để xây dựng trường.
Xã hội hóa giáo dục phải hiểu rằng đó là cuộc vận động toàn đảng, toàn dân tham gia cùng với nhà trường.
Tất cả phải cùng chung tay giáo dục vào thế hệ trẻ, đừng chỉ giao phó hẳn cho nhà trường.
Thầy Khoát nêu cụ thể: “Xã hội hóa không phải chỉ là anh vất cho ít tiền. Xây dựng cho ít cơ sở vật chất.
Hoặc chỉ xây dựng cơ sở vật chất tốt thôi cũng chưa được. Mà phải làm sao vận động, lôi kéo tất cả toàn dân, toàn đảng, các tổ chức chính trị xã hội tham gia cùng nhà trường giáo dục thế hệ trẻ này”.
Thầy Khoát bày tỏ trăn trở: “Học sinh ngày nay chỉ biết học và học, chúng đang thiếu đi sự phát triển hòa nhập với xã hội. Kiến thức được học trong nhà trường không thể tách rời với kiến thức xã hội.
Con có thể trở thành một nhà khoa học như Giáo sư hay không? |
Bên cạnh đó, hiện có rất nhiều thông tin về tiêu cực của ngành giáo dục xuất hiện khiến nhiều người trăn trở và suy nghĩ.
Tuy vậy, không phải cứ nhìn vào những điểm đen của ngành giáo dục để rồi đánh giá phiến diện được.
Cần phải nhìn vào tổng thể để đánh giá thành công của giáo dục. Rất nhiều những tiến bộ cần được xã hội ghi nhận.
Còn mặt tiêu cực, để giải quyết được tận gốc các vấn đề tiêu cực của giáo dục cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, các ngành, các giới và nhân dân địa phương chung tay vào xây dựng giáo dục thế hệ trẻ”.