Ký ức về những ngày thầy và trò cùng kéo xe bò xây dựng trường Ngô Gia Tự

15/04/2019 06:43
Trần Phương
(GDVN) - Ký ức của nhà giáo 90 tuổi Nguyễn Huy Khoát trong những ngày đầu xây dựng trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự có lẽ là bài học lớn với ngành Giáo dục hiện nay.

Ký ức của thầy giáo tuổi 90

Bên lề cuộc Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0” do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam kết hợp cùng trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự (Thành phố Hải Dương, Hải Dương), phóng viên đã được trao đổi với vị nhà giáo Nguyễn Huy Khoát (năm nay đã 90 tuổi), nhân vật đặc biệt trong suốt quá trình 60 năm xây dựng và trưởng thành của nhà trường.

Không chỉ chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về ký ức một thời giáo viên “dạy học bằng cả trái tim” và học sinh “học bằng cả khát vọng” .

Ký ức của thầy giáo già cũng là bài học hữu ích cho ngành giáo dục hiện nay.

Dù đã 90 tuổi nhưng nhà giáo Nguyễn Huy Khoát vẫn rất minh mẫn, mở đầu buổi nói chuyện, Nhà giáo cho biết:

“Gần 30 năm làm công tác giáo dục, tôi chỉ công tác và giảng dạy ở trường phổ thông cấp 2 Ngô Gia Tự hơn một năm.

Lúc đó tôi mới 30 tuổi mà bây giờ tôi đã bước vào tuổi 90 rồi. Tính đến nay đã 60 năm, hơn một nửa thế kỷ, quá một nửa đời người, thế mà những hình ảnh về trường, về thầy, về trò thời ấy vẫn còn in đậm trong ký ức của tôi mãi mãi không bao giờ quên”.

Nhà giáo Nguyễn Huy Khoát (tóc trắng, bìa trái) cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong buổi hội thảo "Khởi nghiệp trong thời đại 4.0" do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức. (Ảnh: LC)
Nhà giáo Nguyễn Huy Khoát (tóc trắng, bìa trái) cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong buổi hội thảo "Khởi nghiệp trong thời đại 4.0" do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức. (Ảnh: LC)

Nhà giáo Nguyễn Huy Khoát bắt đầu gợi nhớ về những kỷ niệm:

“Năm 1960, tôi được cử về làm Hiệu trưởng trường phổ thông cấp 2 dân lập Ngô Gia Tự. Lúc này cơ sở vật chất của trường còn rất nghèo nàn.

Trường tọa lạc trên một khu đất nhỏ hẹp tại số nhà 66 Phố Quang Trung.

Ký ức về những ngày thầy và trò cùng kéo xe bò xây dựng trường Ngô Gia Tự ảnh 2Bài học về nghị lực sống đã gây xúc động mạnh ở trường Ngô Gia Tự

Trường chỉ có một căn nhà 2 tầng nhỏ, mỗi tầng có một phòng học. Ngoài ra còn 3 phòng học với nhà xây cấp 4 lợp ngói và một sân chơi rộng khoảng 300m2.

Năm học 1960-1961, trường có 8 lớp gồm 3 lớp 5, 3 lớp 6 và 2 lớp 7 với tổng số trên 400 học sinh. Số cán bộ giáo viên có 11 người thì 9 thầy cô và 1 lao công ăn lương thuộc quỹ dân lập, chỉ có hiệu trưởng thuộc biên chế nhà nước.

Trường không có nhân viên văn thư nên tôi phải làm cả công việc văn thư”.

Với những cơ sở vật chất ban đầu nghèo nàn như vậy nhưng, thầy Khoát và các giáo viên trong trường đã thực hiện được những nhiệm vụ hết sức cao cả:

“Bước vào năm học, khối lượng công việc của trường rất lớn, nhiệm vụ nặng nề, cơ sở vật chất của trường lại thiếu thốn, số cán bộ giáo viên nhân viên của trường rất hạn chế và có nhiều khó khăn nhưng nhà trường đã xây dựng được một tập thể vững mạnh cùng nhau đoàn kết nhất trí quyết tâm phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cán bộ giáo viên chia làm 2 tổ chuyên môn, Tổ khoa học xã hội và Tổ tự nhiên”.

Bản thân thầy Khoát trực tiếp sinh hoạt với tổ Xã hội và dạy hết các giờ chính trị và thời sự của  cả 8 lớp.

Bằng Khen của Ủy ban hành chính tỉnh Hải Dương dành cho nhà giáo Nguyễn Huy Khoát, hiệu trưởng trường phổ thông cấp 2 Ngô Gia Tự trong năm học 1960 - 1961. (Ảnh: LC)
Bằng Khen của Ủy ban hành chính tỉnh Hải Dương dành cho nhà giáo Nguyễn Huy Khoát, hiệu trưởng trường phổ thông cấp 2 Ngô Gia Tự trong năm học 1960 - 1961. (Ảnh: LC)

Những ngày đầu, trường Ngô Gia Tự không có giáo viên thể dục thể thao nên các giáo viên chủ nhiệm phải trực tiếp dạy môn này của lớp mình. Nhiều thầy cô còn tự nguyện nhận phụ trách thêm các công tác khác của trường:

Trường không có khu tập thể, hiệu trưởng và 7 giáo viên quê ở xa phải ở tại trường, tối đến phải kê bàn ghế ngủ ở trong phòng học.

Trường không có bếp ăn (Vì 7 giáo viên không đủ tiêu chuẩn để xin 1 biên chế cấp dưỡng), các thầy phải phân công nhau nấu lấy cơm mà ăn.

Nhớ lại những ngày tháng đó, thầy Khoát xúc động: “Khó khăn như thế, nhưng các thầy vẫn sống rất chan hòa, cởi mở, vui tươi giảng dạy rất hăng say, công tác rất nhiệt tình với khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Thật là một tập thể hiếm có”.

Thầy trò kéo xe bò xây dựng trường

Dù chỉ có 2 năm công tác và làm công tác hiệu trưởng tại trường Ngô Gia Tự nhưng nhà giáo Nguyễn Huy Khoát và các thầy cô giáo nhà trường đã kiên định rõ phương châm giáo dục của nhà trường.

Thầy giáo ở tuổi 90 nhớ lại: “Mục tiêu phấn đấu của trường giai đoạn đó là phải đào tạo học sinh trở thành những thanh niên giác ngộ xã hội chủ nghĩa, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có văn hóa, có sức khỏe, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi tổ quốc cần, sẵn sàng xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Chúng tôi kiên định phương châm giáo dục: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội””.

Trên tinh thần đó, nhà trường đã có nhiều hoạt động xây dựng truyền thống:  “Yêu trường, mến thầy, học tập, lao động, tu dưỡng, luyện rèn, đoàn kết, đấu tranh tốt” nhằm nâng cao chất lượng học tập văn hóa, kết hợp lao động sản xuất tăng cường.

Nhà giáo Nguyễn Huy Khoát trong một lần trở lại thăm trường Ngô Gia Tự. (Ảnh: LC)
Nhà giáo Nguyễn Huy Khoát trong một lần trở lại thăm trường Ngô Gia Tự. (Ảnh: LC)

Xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường, đưa hoạt động của nhà trường gắn liền với thực tiễn xã hội.

Cuộc vận động xây dựng truyền thống trường của Trường Ngô Gia Tự cũng được triển khai với khí thế chưa từng có trong giáo viên và học sinh.

Đội ngũ giáo viên tăng cường đoàn kết quyết tâm giảng dạy tốt, không ngại khó khăn vất vả, thầy cô nào cũng hăng say phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Không thể kể hết những tấm gương lao động quên mình của các thầy cô.

Cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm đều được nhân dân và các thầy cô giáo, các em học sinh tự tay đóng góp và xây dựng.

Ký ức về những ngày thầy và trò cùng kéo xe bò xây dựng trường Ngô Gia Tự ảnh 5Thưa Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, em nên khởi nghiệp theo hướng nào ạ?

Các cơ sở vật chất như con quay gió, dựng hòm phong vũ biểu, bàn địa hình Việt Nam hay các đồ dùng đầy đủ để giảng dạy nhiệt, điện, âm, quang của chương trình vật lý cấp 2 như điện trở, vôn kế, ampe kế… Đã được thầy cô giáo tự tay vừa đi “nhặt nhạnh” mà xây dựng lên.

Phương châm “nhà trường gắn liền với xã hội được” các thầy liên hệ kết nghĩa với các xí nghiệp công nghiệp và các hợp tác xã nông nghiệp đưa học sinh đến tham gia lao động.

Đặc biệt nhà trường đã dùng các buổi lao động trong chương trình của các lớp huy động học sinh mượn xe bò chuyển đất về trường.

Thầy trò vừa làm, vừa hát hò reo vang trời vui như hội”, Thầy giáo già say sưa kể về những ngày đầu dựng trường, dựng lớp của thầy và trò trường Ngô Gia Tự.

Thầy và trò trường trung học cơ sở Ngô Gia Tự hôm nay. (ảnh: trường Ngô Gia Tự)
Thầy và trò trường trung học cơ sở Ngô Gia Tự hôm nay. (ảnh: trường Ngô Gia Tự)

Đặc biệt, dù không giỏi về nhạc nhưng thầy Khoát và các thầy cô giáo trong trường tự tay sáng tác bài hát truyền thống về trường. Đã 60 năm qua đi, bài hát truyền thống:

“Tiếp bước dưới mái trường Ngô Gia Tự” của nhà giáo Nguyễn Huy Khoát vẫn trong tâm chí biết bao thế hệ học sinh.

Cuối năm học đầu tiên 1960 - 1061, trường cấp 2 Ngô Gia Tự đã đạt kết quả rất tốt: 100% học sinh tốt nghiệp cấp 2, trường được công nhận là trường tiên tiến xuất sắc và được ủy ban hành chính tỉnh tặng bằng khen. Hiệu trưởng và thầy giáo Quế Văn Từ được công nhận là chiến sĩ thi đua của ngành giáo dục và được nhận bằng khen của Ủy ban hành chính tỉnh Hải Dương.

Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, tâm sự về những thành quả nhà trường đã đạt được, thầy Nguyễn Huy Khoát cho biết: “Tôi rất vui mừng thấy trường Ngô Gia Tự ngày nay được xây dựng to đẹp, rộng rãi, đàng hoàng, khang trang hơn trước, cơ sở vật chất khá đầy đủ, phương tiện dạy và học hiện đại, đội ngũ thầy cô giáo được đào tạo chính quy đạt và vượt tiêu chuẩn.

Trường đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia. Qua các năm học, chất lượng giáo dục đều đạt kết quả cao, đáp ứng yêu cầu của Cách mạng”.

Trần Phương