LTS: Trong bài viết này, nhà giáo Hồng Lam Sơn (một giáo viên đã về hưu)thẳng thắn chỉ ra những điểm tiêu cực trong công tác thi đua ngành giáo dục.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thi đua - theo ý nghĩa tốt đẹp của nó là tạo động lực cho mọi người phấn đấu; tự học tự rèn, từng bước hoàn thiện mình hơn.
Thi đua đúng nghĩa là để cho mọi người tự giác, tự nguyện phấn đấu chứ không phải “bắt buộc” phải thi đua…
Nhưng công tác thi đua trong trường học hiện nay đã bị biến tướng; là nguyên nhân gây ra nhiều hậu quả cho mọi hoạt động của nhà trường.
Thông thường, vào thời gian đầu năm học, các trường đều tổ chức hội nghị công nhân, viên chức toàn trường. Có nhiều nội dung được bàn bạc, thảo luận, trong đó có vấn đề thi đua của năm học mới.
Tuy đã rời bục giảng, nhưng mỗi lần nhớ đến “phong trào thi đua” trong nhà trường là tôi bỗng toát mồ hôi hột ngay cả trong chiêm bao!
Ám ảnh, rất ám ảnh về thi đua mà bất cứ giáo viên nào cũng nhận thấy nhưng không thể thoát khỏi vòng xoáy thi đua được nếu muốn tồn tại.
Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ: http://khcnninhbinh.gov.vn |
Các chỉ tiêu thi đua được đưa ra bàn bạc và thống nhất trong ban liên tịch với chỉ tiêu cụ thể về học lực, hạnh kiểm như môn Văn phải từ 25% đến 30% đạt Khá, Giỏi; môn Toán phải đạt từ 70% đến 80% Khá, Giỏi…
Nếu giáo viên nào không đạt tỷ lệ đề ra này vào cuối năm học thì tổ đó, cá nhân đó không được xét các danh hiệu thi đua.
Mà khi bị vài lần như vậy thì sẽ nằm trong danh sách “không hoàn thành nhiệm vụ”…
Bản đăng ký thi đua được in sẵn, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên chỉ việc đăng ký danh hiệu thi đua như “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp Tỉnh”… rồi ký tên vào để lưu; đến cuối năm học, căn cứ vào đó để xét thi đua.
Ai cũng phải đăng ký; không ai dám bỏ thi đua vì làm như vậy sẽ có nguy cơ “luân chuyển” hoặc nằm trong danh sách “tinh giản” sau này!
Áp lực đè nặng lên tâm hồn, lên lý trí của người thầy từ những “chỉ tiêu” này đây.
Chấp nhận thi đua là chấp nhận những việc làm dối trá mà lương tâm nhà giáo không cho phép.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Thi đua là tốt, nhưng không lấy thi đua để gây áp lực |
Thi đua bây giờ không còn ý nghĩa tốt đẹp mà là “thi” nhau làm những điều dối trá để tồn tại.
Theo quy định, sổ điểm lớn chính thức luôn được đặt ở lớp để giáo viên kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút … là phải ghi trực tiếp vào. Thành ra không thể bôi xóa trong sổ lớn được.
Để có sổ điểm lớn được đẹp, không “tỳ vết”; nhà trường hướng dẫn giáo viên làm sổ điểm cá nhân để ghi điểm hàng tuần, hàng tháng...
Sổ điểm cá nhân do nhà trường phát ra cho mỗi giáo viên. Sổ này cứ ghi điểm thoải mái, có thể sửa chữa, thay đổi điểm số được.
Có nhiều giáo viên khi mới vào nghề rất trung thực nhưng dần dần cũng rơi vào tình cảnh “mình tự dối lừa mình” vì nếu học sinh bị điểm thấp thì phải “cứu” bằng được nếu không “vạ” sẽ đến mình! …
Những môn học mà các em không thích học thì rất khổ tâm đối với giáo viên.
Bên cạnh việc dạy là việc “dỗ dành”, bài kiểm tra thì ra những câu dễ, không quá khó để các em có điểm số cao.
Gay cấn nhất là phần họp xét thi đua cuối năm. Căn cứ vào số lượng đăng ký và tỷ lệ cho phép của quy định thi đua cấp trên; ban liên tịch “rà” từng tổ chuyên môn và chốt lại.
Nếu còn thừa so với chỉ tiêu thì bỏ phiếu, chừng nào đạt được mới thôi. Kế đó là bỏ phiếu cho từng danh hiệu thi đua trong tình trạng căng thẳng.
Ai cũng muốn giành phần về mình, về “phe nhóm” mình nên các “nhóm lợi ích” xuất hiện.
Hàng ngày gặp nhau thì cười cười nói nói nhưng khi bỏ phiếu thì “chặt” nhau; bởi “bằng mặt không bằng lòng” trong nội bộ.
Nếu ở trong Ban giám hiệu thì chỉ tiêu chỉ cho 50% danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” nên nếu trường có ba người trong Ban giám hiệu thì chọn hai; bốn người cũng chọn hai.
Khi thầy cô bị tước hết công cụ và uy lực, khó tránh học trò bạo lực, hỗn hào |
Vì nể nang nên bao giờ Hiệu trưởng và Hiệu phó chuyên môn luôn đạt; còn Hiệu phó cơ sở vật chất (theo quan niệm của mọi người là không quan trọng) luôn bị gạt ra ngoài không thương tiếc!
Chưa hết, danh sách này gởi về Sở Giáo dục và tại đây có 12 vị bỏ phiếu quyết định.
Ban thi đua này có quyền gạch tên người nào mà mình “không thích” hoặc có định kiến về một vấn đề nào đó…
Vì vậy mà xảy ra nhiều trường hợp oái ăm: giáo viên thì đạt “Chiến sĩ thi đua”, còn người trong Ban giám hiệu có khi không đạt!
Trong buổi họp mặt chào mừng ngày 20/11 hàng năm là lúc công bố kết quả thi đua. Có lần cô cựu Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh nhà ngồi kế tôi và hỏi: “Sao không thấy em lên nhận phần thưởng “Chiến sĩ thi đua”?” .
Tôi mới nói tránh là em nhận hôm trước rồi nhưng kỳ thực, năm đó tôi bị gạch tên bởi một vài người bên Sở! Ám ảnh và buồn vô cùng nên tôi bỏ luôn bữa liên hoan hôm đó.
Kiểu “thi đua” này tạo nên thói giả dối; triệt tiêu lòng tự trọng của người thầy.
Nhiều khi thấy học sinh quay bài nhưng không dám bắt vì làm như thế sẽ “ảnh hưởng tới thi đua của trường”; chứng kiến học sinh vi phạm nội quy cũng không nhắc nhở vì sợ bị học sinh ghét; tìm cách lúc nào sơ ý thì đưa lên Facebook là “hết thi đua”.
Cho điểm số cao, không đúng với trình độ, năng lực của học sinh để đạt được “chỉ tiêu” đề ra.
Về xét hạnh kiểm cũng như vậy, nhiều học sinh vi phạm nội quy thường xuyên nhưng cuối năm gần như 100% hạnh kiểm được xếp loại “Tốt”!
Giáo viên biết nhưng cũng đành “nhắm mắt làm ngơ”, coi như không biết và nếu nói ra cũng chẳng có “ích lợi” gì.
Vì thế, tôi kiến nghị là nên xem lại cách thi đua hiện nay trong nhà trường. Tại sao lại đưa ra các chỉ tiêu để rồi bắt buộc giáo viên thực hiện bằng được mọi cách; kể cả cách dối trên lừa dưới?
Cơ sở khoa học nào phải có tỷ lệ “năm sau cao hơn năm trước” về các chỉ tiêu chất lượng giáo dục, hạnh kiểm?
Cần mạnh dạn bỏ “chỉ tiêu thi đua” thiếu khoa học này vì nó mà nảy sinh ra nhiều điều dối trá mà môi trường sư phạm không nên có!
Tôi sợ lắm, sợ tới bây giờ cảnh xét thi đua, cảnh bỏ phiếu bình xét, bình chọn… Không phải vì mấy trăm ngàn tiền thưởng mà là danh dự, là đóng góp của mình cho nhà trường mà không được ghi nhận.
Hiện trạng thi đua “ngược đời” hiện nay đã góp phần kéo lùi nhiều mặt của ngành giáo dục trong mấy chục năm qua.