LTS: Tiếp tục đưa ra những chia sẻ và quan điểm về vấn nạn ''diễn'' trong ngành giáo dục, nhà giáo Phan Tuyết bày tỏ mong muốn được loại bỏ việc làm này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ngày 17/12, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đối thoại trực tiếp với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Yên Bái về nhiều vấn đề hiện nay trong ngành giáo dục.
Đáng lưu ý nhất, vị Bộ trưởng đã có những phát biểu gây chú ý cho dư luận "Việc thi giáo viên dạy giỏi hiện nay chỉ là diễn nên tôi không đồng ý. Việc đó chỉ gây áp lực cho giáo viên. Thi đua là tốt nhưng phải tốt thật chứ không đưa ra để gây áp lực.
Việc đánh giá giáo viên phải tăng tính hậu kiểm, ghi nhận tiến bộ của học sinh, sự yêu quý của phụ huynh".
Bộ trưởng cũng cho biết năm 2018 đã cắt giảm nhiều cuộc thi mang tính hình thức, gây áp lực căng thẳng cho giáo viên, học sinh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trò chuyện với học sinh của tỉnh Yên Bái (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn). |
Hội thi giáo viên dạy giỏi ở cả ba cấp (cấp trường, cấp huyện thị và cấp tỉnh) vẫn phải trải qua ba vòng thi riêng biệt.
Vòng thi sáng kiến kinh nghiệm, vòng thi năng lực và vòng cuối cùng là dạy 2 tiết dạy ở 2 khối lớp.
Thi sáng kiến kinh nghiệm, giáo viên chủ yếu sao chép trên mạng về chỉnh sửa rồi nộp. Đây là một thực tế đang tồn tại trong ngành giáo dục của cả nước.
Bằng chứng là một năm có hàng trăm ngàn sáng kiến kinh nghiệm được các thầy cô giáo sản xuất ra nhưng chẳng có mấy cái được mang ra áp dụng để nâng chất lượng việc dạy và học.
Sáng kiến viết chỉ có giá trị để đi thi. Hết thi, chúng được ngủ yên trong tủ và đích đến cuối cùng là những gánh đồng nát.
Chỉ tính riêng tiền in giấy, tiền mực đã lãng phí một số tiền không nhỏ nhưng chẳng mang lại hiệu quả gì.
Vòng thi năng lực đậu rớt cũng có tính may rủi cao. Nhiều đề thi được ra mang tính đánh đố giáo viên hơn là kiểm tra kiến thức như câu hỏi gần giống nhau về nội dung mà chỉ khác một vài từ, câu hỏi về ngày tháng ra đời của các Thông tư, Nghị định…
Vòng thi 2 tiết dạy thành công hay thất bại phụ thuộc rất lớn việc giáo viên bắt thăm lớp dạy học sinh học thế nào?
Không thể bắt thầy cô chịu trách nhiệm về năng lực, về nề nếp học tập của các em khi họ chỉ có quyền làm quen lớp 15 phút và chỉ dạy có 40 phút.
Sự rủi ro lớn như thế nên để đạt tiết dạy tốt, giáo viên phải tìm cách “diễn”.
Như việc mớm bài, nhá câu hỏi để học sinh về học trước trả lời cho đúng, đỡ mất thời gian. Riêng giáo viên dạy dự thi họ bỏ công soạn bài, nhờ tư vấn và dạy thử.
Có những trường còn huy động một dàn cốt cán cùng Ban giám hiệu dự giờ trước, góp ý, chỉnh sửa thiết kế, phương pháp, hình thức tổ chức lớp học để giáo viên rút kinh nghiệm và hoàn chỉnh bài dạy một cách tốt nhất. Ngày thi chỉ việc dạy lại những gì đã làm trước đó.
Thế nên có giáo viên đậu chưa hẳn đã giỏi, giáo viên trượt chưa hẳn đã dở. Hơn nhau cũng chỉ là hên xui.
Hên bốc vào bài dễ dạy, hên vào lớp ngon của trường, hên vì cùng quan điểm với giám khảo…có người xui vì gặp lớp học quá yếu, quá lì, không chịu hợp tác với thầy cô.
Xui vì bốc phải bài dài, kiến thức khó nên bị lố thời gian, xui vì cách dạy của giáo viên lại không trùng với giám khảo…
Lợi thì chẳng thấy nhưng cái bất lợi lại quá nhiều. Thi giáo viên dạy giỏi cũng tốn một khoản ngân sách không nhỏ cho việc thành lập hội thi, thành lập ban giám khảo, mất thời gian cho giáo viên chuẩn bị, ảnh hưởng đến việc học của nhiều trường tổ chức thi, dạy cho học sinh tính giả dối, đối phó…thế nhưng kết quả mang lại không cao.
Đã đến lúc thực hiện theo câu khẳng định của Bộ trưởng cần loại bỏ việc diễn như trong hội thi giáo viên dạy giỏi hiện nay.
Và, tâm đắc với lời đề nghị của giáo viên tỉnh Yên Bái "nên đánh giá những đóng góp thực tế và có thể dự giờ bất chợt để đánh giá trình độ giáo viên thay vì tổ chức cuộc thi giáo viên dạy giỏi để trình diễn như hiện nay".