65 năm đã qua đi nhưng ký ức về những ngày tháng tham gia kháng chiến, trực tiếp cùng quân và dân ta góp sức làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của người cựu chiến binh Nguyễn Đức Tuấn ở thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Ở tuổi 89 nhưng kỷ niệm về một thời oanh liệt vẫn in đậm trong trí nhớ của người chiến sỹ Điện Biên năm xưa.
Sinh năm 1930, khi 22 tuổi, ông Nguyễn Đức Tuấn nhập ngũ và hoạt động trong vùng địch hậu.
Tháng 3/1953, ông được tăng cường cho mặt trận Điện Biên Phủ được biên chế làm chiến sỹ Đại đội 256, Tiểu đoàn 920, trung đoàn 148, sau này sát nhập vào Sư đoàn 316 tham gia chiến đấu trong nhiều chiến dịch lớn như:
Chiến dịch Thượng Lào (1953); tháng 2/1954 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và trực tiếp tham gia chiến đấu đánh chiếm sân Mường Thanh.
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân |
Sau khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến sỹ Nguyễn Đức Tuấn được cử đi học trường Quân chính quân khu Tây Bắc.
Ra trường, ông được phong quân hàm thiếu úy; tham gia huấn luyện trinh sát Đại đội 3, Cục Hậu cần, Đoàn 559 rồi được bổ nhiệm Chính trị viên Kho.
Tháng 12/1975, ông ốm phải nằm viện rồi được đơn vị cho nghỉ hưu.
Sân bay Mường Thanh được ví như “yết hầu”, cổ họng lớn của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Hằng ngày có vài chục chuyến bay vận tải lớn từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng), Gia Lâm (Hà Nội) tiếp tế, thả dù cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ qua sân bay Mường Thanh.
Nếu kìm chế được cầu hàng không thì ta sẽ ép quân Pháp vào tình thế khó khăn ở Điện Biên Phủ.
Cuộc chiến đấu giữa ta và địch ngày càng diễn ra căng thẳng. Tiếng đạn, bom và các hỏa lực của địch với tiếng pháo áp đảo của ta làm rung chuyển cả thung lũng Mường Thanh rộng lớn.
Những ký ức của trận đánh ngày nào được tái hiện rất rõ qua lời kể minh mẫn của cựu chiến binh Nguyễn Đức Tuấn:
Máy bay của địch tiếp tế lương thực, đạn dược và quân số ngày càng gặp khó khăn bởi sân bay Mường Thanh đã bị quân ta khống chế.
Có ngày, dù số hàng tiếp tế cho Điện Biên Phủ qua sân bay Mường Thanh lạc ra ngoài tới một nửa.
Chúng tức điên cuồng dùng các loại máy bay oanh kích ném bom tràn lan về phía các trận địa của ta. Cả chiến trường căng thẳng.
Có không ít người được bổ sung về đơn vị còn “chân ướt, chân ráo” đã phải làm quen ngay với cách đánh bộc phá, chỉ vài ngày hôm sau đã được chúng tôi đưa đi đánh hàng rào dây thép gai cứ điểm của địch.
Có những người bổ sung vào đơn vị, chúng tôi chưa kịp nhớ mặt, mấy hôm sau đã hy sinh.
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Tuấn (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm những ngày chiến đấu. Ảnh: Dangcongsan.vn |
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Tuấn cho biết: Đơn vị của ông được giao nhiệm vụ tiếp cận sân bay Mường Thanh từ hướng bản Nà Tấu, có khoảng cách từ 10 đến 15 km.
Khi tiếp cận gần đến sân bay Mường Thanh, bộ đội vận dụng chiến thuật sáng tạo, đánh lấn bằng cách dùng rơm cuốn thành những con dúi lớn để chắn đạn và đào dũi qua cả lớp hàng lớp hàng rào dây thép gai, mở chiến hào áp sát các cứ điểm địch mỗi đêm.
Cứ thế, đơn vị chúng tôi từng bước, từng bước kép chặt vòng vây sân bay Mường Thanh.
Bởi lẽ, Sân bay nằm ở phía đông cánh đồng Mường Thanh với địa hình bằng phẳng nên chúng tôi phải cuốn rơm thành những con dúi “ngụy trang” khi đào giao thông hào để tránh những làn đạn bắn thẳng của địch.
Sau này, “Thòng lọng” giao thông hào của ta ngày càng siết chặt sân bay Mường Thanh, thì trận chiến giữa ta và địch ngày càng thêm quyết liệt.
Cả tháng trời ròng rã đánh lấn, bao vây các cứ điểm chung quanh sân bay, ta và địch giằng co nhau từng tấc đất.
Sau một loạt bộc phá hàng rào dây thép gai mở cửa khẩu, chúng tôi vượt chiến hào lao qua đột phá khẩu. Bọn địch trong cứ điểm hốt hoảng khi chúng tôi ập tới.
Có lẽ vì bị bao vây lâu ngày trong tình trạng chết chóc, thiếu thốn, ốm đau làm cho chúng sợ hãi, nên thấy quân ta, đứa nào, đứa ấy đều giơ tay hàng và cố lách người trong giao thông hào vì đường hào của chúng rất hẹp.
Chúng tôi phải nhảy lên mặt hào để nhường lối cho chúng.
Còn một số tên địch cố thủ, chống cự, liền bị chúng tôi nổ súng “khóa” kịp thời, buộc chúng phải đầu hàng.
Ta đã làm chủ được bầu trời Điện Biên Phủ, triệt hẳn nguồn tiếp tế của máy bay địch qua sân bay Mường Thanh.
Sở Chỉ huy của tướng Đờ -cát-tơ-ri chỉ còn cách ta vài trăm mét.
Khoảng 21 giờ ngày 6/5/1954, một tiếng nổ của một tấn thuốc nổ TNT đã phát ra từ lòng đồi A1 do công binh ta đánh đã trở thành hiệu lệnh: Tổng công kích!
Khoảng 16 giờ ngày 7/5/1954, lác đác ở 1 vài cứ điểm còn lại của địch xuất hiện những lá cờ trắng.
Tới 17 giờ cùng ngày thì cả lòng chảo Mường Thanh trắng xóa màu cờ xin hàng của địch.
Đúng lúc đó, toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã hoàn toàn bị thất thủ.
Hơn 20 năm phục vụ quân ngũ, tham gia nhiều chiến dịch lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, cựu chiến binh Nguyễn Đức Tuấn được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương kháng chiến cao quý, huy hiệu 60 năm tuổi đảng.
Trong những ngày tháng 5 lịch sử, những người lính năm xưa cùng nhau ôn lại những kỷ niệm chiến đấu của một thời “vào sinh ra tử”.
Khi được hỏi về những cảm xúc của người lính đã từng tham gia trận mạc, ông Nguyễn Đức Tuấn không giấu được niềm vui khi quê hương, đất nước đang phát triển, đổi mới.
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Tuấn chia sẻ: “Ký ức về chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn làm tôi bồi hồi, xúc động.
Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4) và kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5), niềm vui hân hoan cùng cảm xúc tự hào lại ùa về trong mỗi người lính già như tôi.
Chúng tôi muốn “truyền lửa” cho thế hệ trẻ hôm nay được sống trong môi trường hòa bình hãy cố gắng học tập thật tốt, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh để xứng đáng với sự hy sinh sương máu của cha anh đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc”.