Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại năm 1954 để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; của ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của quân đội nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Chiến thắng Điện Biên Phủ, đó là sự kết tinh trí tuệ, bản lĩnh của Đảng, với một bộ chỉ huy thao lược, tài ba gồm những cá nhân xuất sắc; về vai trò tiên phong, gương mẫu hy sinh của những người đảng viên…
Trong các bài học ấy,chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại bài học kinh nghiệm sâu sắc to lớn, đó là: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, “cả nước đồng lòng, toàn dân chung sức”, “tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.
Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”(1).
Với tinh thần ấy, trước chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã có nhiều chiến dịch lớn, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã được huy động và phát huy.
Đến chiến cuộc Đông Xuân 1953 -1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc được huy động ở mức cao nhất.
Quân và dân ta ở khắp các địa phương trong cả nước, từ Tây Bắc, Liên khu 3, Tả ngạn, đến Bình –Trị Thiên, Liên khu 5, Bắc Tây Nguyên, Sài Gòn – Gia Định, Nam Bộ…đều đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai và nhân dân, buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng khắp nơi để đối phó.
Xe đạp thồ - “Vũ khí đặc biệt” góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ - Ảnh:Tư liệu/dangcongsan.vn. |
Các lực lượng thanh niên, phụ nữ từ thành thị đến nông thôn, từ vùng núi đến đồng bằng tích cực tham gia nhiều cuộc đấu tranh chính trị, phá tề trừ gian.
Đây là những hoạt động phối hợp kịp thời của cả nước có tác động tích cực tới chiến trường Điện Biên Phủ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, có nhiều đèo cao, vực sâu, mạng lưới đường giao thông chiến lược hầu như chưa có; miền Tây Bắc mới được giải phóng, kinh tế chậm phát triển. Vì thế, bảo đảm vật chất hậu cần, y tế, kỹ thuật cho chiến dịch lớn, dài ngày gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Đảng ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của bộ đội trong trận quyết chiến chiến lược.
Với lực lượng hơn 10 vạn người (cả bộ đội, dân công và lực lượng khác) cùng với đường rừng núi xa từ 300 – 500 km, tưởng như việc tiếp tế không thể thực hiện được.
Nhưng với tinh thần “ tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4, vùng mới giải phóng Tây Bắc cho đến vùng du kích, các khu căn cứ địa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng Thượng Lào, tất cả đều dồn sức cho Điện Biên Phủ, kể cả sức người, sức của.
Tính chung trong chiến dịch nhân dân ta đã “đóng góp 25,560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt công dân, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền”(2).
Nhiều nơi, do địch đánh đánh phá không làm kịp, để có lương thực kịp thời nuôi bộ đội, đồng bào thỏa thuận giao cả những rẫy lúa, nương ngô cho các đơn vị thu hoạch rồi sau ghi sổ báo lại. Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn giã gạo vào cả ban đêm cho bộ đội, điều mà trước đó theo phong tục lâu đời rất kiêng kỵ.
Theo tính toán lượng gạo cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ khoảng 16.000 tấn. Trong khi đó nếu vận chuyển bằng sức người gánh bộ từ Thanh Hóa hoặc từ Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái lên cứ một kilôgam gạo đến đích phải có 24kg ăn dọc đường, do đó để có được số gạo trên phải huy động một lực lượng khổng lồ.
Để giải bài toán hóc búa này đòi hỏi chúng ta phải vận động đồng bào các dân tộc Tây Bắc đẩy mạnh sản xuất ra sức tiết kiệm đảm bảo lương thực tại chỗ, đồng thời phát huy tối đa các lực lượng, phương tiện đảm bảo lương thực cho chiến dịch.
Những con số nêu trên thật lớn đối với một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, đang phải tiến hành một cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ đầy gian khổ.
Nhưng ý nghĩa của nó còn lớn hơn, bởi đó là công sức đóng góp của các tầng lớp nhân dân trên khắp cả nước, là tinh thần cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc.
Trong chiến dịch lực lượng dân công đã có những đóng góp rất to lớn: “hơn 261.653 dân công chủ yếu được huy động từ nhiều xã, huyện khác nhau trong các tỉnh ở Tây Bắc, Việt Bắc, Liện khu 3 và Liên khu 4.
Tính trung bình mỗi dân công đã phục vụ 100 ngày công. Một số dân công đã phục vụ suốt chiến dịch, kéo dài 6-7 tháng, trong điều kiện khó khăn gian khổ thiếu thốn về mọi mặt.
Ngay tại hỏa tuyến, đồng bào Điện Biên cũng đưa 3.000 người đi dân công với 64.670 ngày công phục vụ. Hậu phương tại chỗ, khu Tây Bắc huy động 31.818 dân công.
Việt Bắc, căn cứ địa kháng chiến chung của cả nước cũng cung cấp cho mặt trận 36.518 dân công. Trong vùng địch hậu tỉnh Kiến An đã đóng góp 230.294 ngày công. Trong vùng tạm chiếm của các tỉnh Bắc Bộ, đồng bào đã chuyển ra vùng tự do hơn 20 vạn tấn thóc và 7,5 triệu ngày công đi dân công” (3).
Qua ba đợt huy động “từ đầu tháng 11/1953 đến ngày 15/3/1954 đã có 9.503 thanh niên ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh gia nhập lực lượng thanh niên xung phong (Thanh Hóa: 4.820 người, Nghệ An: 2.934 người, Hà Tĩnh: 1.749 người).
Đến tháng 2/1954, số lượng thanh niên xung phong của các tỉnh miền Bắc phát triển lên đến 10.063 đội viên, được biên chế thành 50 đại đội”, (4) tham gia làm và sửa chữa hàng trăm kilômét đường, nhiều bến, cầu, phá bom mìn; vận chuyển hơn 25 nghìn tấn lương thực, thực phẩm, hàng nghìn tấn vũ khí trang bị, đạn dược tới mặt trận; giữ vững mạch máu giao thông quan trọng nhất của mặt trận.
Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ được cứu chữa, chăm sóc… trở thành nhân tố quan trọng đảm bảo thắng lợi.
Ngoài nhiệm vụ phục vụ, họ còn trực tiếp tham gia chiến đấu cùng các đơn vị quân đội. Đây là “cuộc ra quân lớn nhất” của cả nước kể từ đầu cuộc kháng chiến.
Theo báo cáo ngày 10/7/1954: “Có 18.200 cán bộ, đội viên, thanh niên xung phong trực tiếp tham gia phục vụ chiến dịch. Ngoài thực hiện nhiệm vụ trên mặt trận giao thông vận tải, thanh niên xung phong đã dồn hết sức mình tiếp tế cho bộ đội 4.300 tấn gạo, 150 tấn thịt lợn, 450 tấn rau xanh phục vụ chiến dịch”(5).
Lực lượng dân công hỏa tuyến tham gia mở đường trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu/dangcongsan.vn. |
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chiến dịch, lực lượng Công an đã tích cực tham gia phối hợp, thành lập “Ban Công an tiền phương” làm nhiệm vụ bảo vệ các lực lượng tham gia chiến dịch, bảo vệ dân công, bảo vệ giao thông vận chuyển, kho tàng, các cuộc hành quân, chú quân của bộ đội chủ lực.
Từng đơn vị tổ chức ra các ban bảo vệ dân công và phát động phong trào “phòng gian bảo mật”; giữ bí mật, phổ biến cách thức phòng chống do thám, điều tra của địch; qui định việc đi lại, tiếp xúc giao dịch…
Lực lượng Công an đã làm tốt công tác bảo đảm an toàn bí mật: “Tính từ tháng 1 đến tháng 5/1954, Công an Liên khu 3,4, khu Tây Bắc, Việt Bắc đã bắt hàng trăm tên tình báo gián điệp chuyên theo dõi thu thập tin tức về các cuộc hành quân, đóng quân của bộ đội ta từ các hướng lên Điên Biên Phủ”.
(6) Phong trào phòng gian bảo mật được phát động rộng khắp trên toàn mặt trận, công tác chống gián điệp, bảo vệ nội bộ ta được triển khai một cách chủ động, vững chắc và đạt hiệu quả, nhờ đó mà địch hoàn toàn bất ngờ và bị động trước sự tiến công của ta.
Bên cạnh đó lực lượng Công an đã làm tốt công tác bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ các cơ quan đầu não chỉ đạo kháng chiến đảm bảo tuyệt đối an toàn trong mọi tình huống…
Cùng với việc tích cực chuẩn bị cho chiến trường, ở hậu phương (vùng mới giải phóng), Đảng ta tiến hành thực hiện chủ trương đem lại ruộng đất cho dân cày. Từ tháng 4/1953 đến tháng 7/1954, Đảng đã lãnh đạo tiến hành 5 đợt giảm tô và 1 đợt cải cách ruộng đất theo Luật Cải cách ruộng đất do Quốc hội khoá I, Kỳ họp thứ ba (từ ngày 1 đến ngày 4-12-1953) thông qua.
Với việc làm đó đã động viên được các tầng lớp nhân dân ở vùng tự do, mới giải phóng và sau lưng địch, thậm chí cả cán bộ, chiến sĩ ở tiền tuyến tin tưởng vào đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo thành khối đại đoàn kết, dồn sức người, sức của cho Chiến dịch.
Kháng chiến 9 năm cũng như Chiến dịch Điện Biên Phủ đã thành công trong việc vận động nhiều địa chủ, tư sản dân tộc cùng con em, gia đình họ đã tham gia kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.
Điều này cho chúng ta thấy rõ rằng, muốn bảo đảm và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, phải khơi dậy, phát huy những lợi ích chính đáng của từng cá nhân, từng giai cấp, từng tầng lớp để tạo ra một khối đoàn kết vững chắc, một sự đồng thuận xã hội bền chặt.
Ghi nhận kết quả này, tại hội nghị tổng kết chiến dịch, thay mặt cho toàn quân, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp khẳng định “…Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề cung cấp đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật; khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến.
Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày từng giờ, không kém tình hình chiến đấu…quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ta có thể khắc phục khó khăn này.
Bọn đế quốc, phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù”(7).
Phát huy sức mạnh đại đại đoàn kết trong điều kiện hiện nay
Thời gian không ngừng trôi, lịch sử dân tộc Việt Nam vẫn tiếp tục đi lên trên những hành trình mới, nhưng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đặc biệt là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến dịch vẫn còn nóng hổi đối với hôm nay, mãi là một biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Trở thành bài học kinh nghiệm mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, rất cần được chắt lọc phát huy và vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ trong sự nghiệp cách mạng hiện nay, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo”.
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết của Đảng, trước hết cần phải phát huy vai trò của nhân dân trong việc trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Đảo đảm hiệu quả thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội.Giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Các cấp ủy đảng và chính quyền phải vì lợi ích của nhân dân thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, tin dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến khác; tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân.
Quan tâm phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; để bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân.
Xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp nông dân, chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; thực hiện có hiệu quả, bền vững công cuộc xoá đói, giảm nghèo, khuyến khích làm giàu hợp pháp.
Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng những cống hiến của trí thức. Có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước…
Xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có trình độ quản lý, kinh doanh giỏi, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cao.
Phát huy tiềm năng và vai trò tích cực, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân. Có cơ chế, chính sách khuyến khích phong trào khởi nghiệp, bảo đảm quyền lợi của đội ngũ doanh nhân.
Tiếp tục tăng cường củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, tôn giáo, tri thức…, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước góp phần, tiến lên thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Tài liệu tham khảo:
(1)Văn kiện lịch sử Đảng, tập VIII, Trường Nguyễn Ái Quốc xuất bản, H.1964, tr129.
(2) Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 -1954), Nxb Quân đội nhân dân, H.1993, tr.305
(3) Ban Khoa học xã hội Việt Nam – Viện sử học, Mấy vấn đề về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Nxb Khoa học xã hội, H. 1985,tr.99.
(4) Trương Mai Hương, Thanh niên xung phong miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước những năm 1965 – 1975,
Luận án tiến sĩ Lịch sử, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, 2011, tr.33
(5) Báo cáo của Hội đồng cung cấp mặt trận tháng 7/1957, Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng.
(6) Chiến thắng Điện Biên Phủ, sức mạnh thời đại Hồ Chí Minh, Nxb QĐND. 2014, Tr.329.
(7) Võ Nguyên Giáp, Chiến tranh giải và Chiến tranh giữ nước, Nxb Quân đội nhân dân, H.1974, tr.158 -159.