Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương lớn và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, một trong những giải pháp chính sách để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, ưu đãi, khuyến khích, đầu tư và phát triển giáo dục tư thục, Luật Giáo dục hiện hành (2005) có hẳn Mục 4. Chính sách đối với trường dân lập, trường tư thục với các Điều 65, Điều 66, Điều 67, Điều 68 hết sức cụ thể, phù hợp.
Trên cơ sở các quy định này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và một số lĩnh vực khác;
Nghị định số 59/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ngày 26/4/2018, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo Tuyển sinh trường tư thục: Thực trạng và giải pháp, góp phần tháo gỡ một số khó khăn cho các trường tư trong công tác tuyển sinh, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương Xã hội hóa giáo dục của Đảng, ảnh: VTV.vn. |
Chính nhờ vào chủ trương, chính sách đúng đắn nêu trên, giáo dục tư thục đã vươn lên và phát triển mạnh mẽ, góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, biên chế, đáp ứng nhu cầu đa dạng của dân và nâng cao chất lượng nhờ cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở.
Do quán tính từ thời bao cấp, hiện nay đâu đó vẫn còn rơi rớt những định kiến về trường tư đại loại như, chưa thi tuyển sinh lớp 10 đã biết hàng chục ngàn học sinh "trượt trường công lập".
Tuy nhiên, không ít trường tư thục đã xây dựng được thương hiệu và chỗ đứng vững chắc trong lòng cha mẹ học sinh, thể hiện rõ ở việc cạnh tranh đầu vào mỗi mùa tuyển sinh.
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi sẽ có những tác động rất lớn đến giáo dục tư thục cũng như chính sách xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin phân tích một điểm sáng của Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, nếu được thông qua, quy định này sẽ giúp các trường tư phát triển lành mạnh và ổn định.
Giữa thủ đô chỉ nên cấm xe công nông, ai cấm ô tô Mercedes bao giờ?
Theo Luật Giáo dục 1998, học phí các trường ngoài công lập do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết, các trường cứ thế áp dụng theo. Về cơ chế quản lý, cách làm này không khác cách quản lý trường công lập là mấy.
Phát triển hệ thống trường tư thục một cách lành mạnh là giải pháp chính sách tốt nhất để giải quyết vấn đề quá tải sĩ số trường công nội đô, gánh nặng biên chế và ngân sách. Ảnh minh họa: VTV.vn. |
Trong một cuộc trao đổi thân tình giữa người viết với các nhà giáo đã tham gia phát triển hệ thống trường tư thục ngay từ những ngày đầu tại Hà Nội, chúng tôi được biết:
Tháng 4/2001, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu ký văn bản quy định mức trần học phí của các trường ngoài công lập là 150 ngàn đồng / tháng.
Trong khi đó, học phí thực tế một số trường tư thục thời điểm đó đã là 200 ngàn đồng / tháng và có rất nhiều học sinh theo học.
Đến tháng 8/2001, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch năm học, có mời Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu tham dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.
Một nhà giáo đã đầu tư toàn bộ thời gian, tâm huyết và tài chính để xây dựng, phát triển trường phổ thông tư thục từ những ngày đầu đã phát biểu:
"Giữa thủ đô Hà Nội, cái cần cấm là cấm xe công nông, chứ ai đi cấm ô tô Mercedes? Cần quy định hạn mức đầu tư tối thiểu, cấm đầu tư quá thấp cho giáo dục tư thục, ai lại đi giới hạn mức đầu tư tối đa cho giáo dục?
Bỏ cơ chế chỉ tiêu tuyển sinh trường tư, quá tải trường công mới có lối thoát |
Đảng kêu gọi xã hội hóa giáo dục, huy động sức dân đầu tư cho giáo dục, cha mẹ học sinh tự nguyện đóng góp để con mình có điều kiện học tập tốt hơn, tại sao lại hạn chế bằng "trần học phí"?
Chưa kể việc quy định trần học phí trường ngoài công lập như vậy, cho dù đúng với Luật Giáo dục 1998, nhưng lại tạo ra sự bất bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục, khi trường quốc tế thu bao nhiêu cũng được, còn trường ngoài công lập do nhà đầu tư trong nước đầu tư thì bị giới hạn mức trần.
Trần học phí thấp, thì đương nhiên đầu tư vào giáo dục cũng thấp, không đáp ứng được mong muốn và nguyện vọng của cha mẹ học sinh."
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu đã rất cởi mở và lắng nghe ý kiến các trường, sau đó ông chia sẻ thật:
Ông đồng ý với ý kiến trên, văn bản trình lên ông ký thì ký thôi, nhưng vẫn cảm thấy lăn tăn.
Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu khi đó còn cho biết thêm, thời điểm ấy theo ông ít nhất 1/3 số cha mẹ học sinh Hà Nội có điều kiện kinh tế cho con du học hoặc theo học các trường quốc tế, trường tư thục.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu bày tỏ, ông đồng ý cần quy định mức sàn chứ không nên quy định mức trần.
Bởi vậy, cuối cùng văn bản trần học phí các trường ngoài công lập mà Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Quốc Triệu ký không ai nhắc đến nữa, cũng không trường nào thực hiện.
Ảnh minh họa, nguồn: VTV.vn. |
Mặc dù quy định trong Luật Giáo dục 1998 còn bất cập, nhưng nhờ sự sáng suốt của người lãnh đạo mà giáo dục tư thục Thủ đô có cơ hội phát triển mạnh mẽ như ngày nay.
Điểm sáng trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi
Điều 92, Luật Giáo dục 1998 quy định:
"Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào khung học phí của Chính phủ quy định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh đối với các trường, cơ sở giáo dục khác thuộc tỉnh trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cùng cấp".
Khoản 2, Điều 105 Luật Giáo dục hiện hành (2005), quy định:
"Cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh."
Khoản 4, Điều 97, Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi phiên bản ngày 12/4/2019, quy định:
"Cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và các dịch vụ khác bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.
Thực hiện công khai chi phí đào tạo và mức thu theo cam kết trong đề án thành lập trường, công khai cho từng khóa học, cấp học, từng năm học theo quy định."
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi có nhiều nội dung quan trọng, ảnh hưởng đến sự sống còn của hệ thống các trường phổ thông tư thục. Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, để các trường tư thục, các nhà đầu tư trình bày tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất đến Ban soạn thảo cũng như Cơ quan thẩm tra Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Thời gian: 13h30 phút đến 17h ngày 8/5/2019. Địa điểm: Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11, Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội. Trân trọng kính mời lãnh đạo các trường tư thục, các nhà đầu tư, cha mẹ học sinh quan tâm tham dự. Thông tin về Hội thảo vui lòng liên hệ với Tòa soạn theo địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn. |
Quy định như trên trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi không chỉ phù hợp với cơ chế vận hành của trường tư thục dựa trên cơ sở tự nguyện và thỏa thuận giữa nhà trường với cha mẹ học sinh, mà còn bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người học, cha mẹ học sinh.
Bởi việc thực hiện công khai chi phí đào tạo và mức thu cam kết cho từng khóa học, cấp học, từng năm học sẽ đảm bảo cho người học và cha mẹ học sinh có được thông tin minh bạch ngay từ khi chọn trường cho con;
Đồng thời đảm bảo quá trình học, người học không bị một số cơ sở giáo dục tư thục tăng học phí vô nguyên tắc.
Nếu quy định này được Quốc hội thông qua, đây sẽ là một điểm son, một bước tiến dài so với Luật Giáo dục năm 1998 cũng như Luật Giáo dục hiện hành, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương xã hội hóa giáo dục cũng như đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của Đảng, Nhà nước.